Căn phòng nhỏ nằm trong khu tập thể Thái Thịnh chứa đến không dưới ba chục chiếc xe đạp đủ các thể loại. Đây có lẽ là nơi bán xe đạp thể thao đặc biệt nhất ở Hà Nội, đặc biệt ở cách bán, giá bán và cả người bán
“Cửa hàng” đặc biệt
Căn phòng nhỏ rộng chừng 20m2, xếp kín các loại xe, từ xe đua đến xe đạp thể thao và các phụ kiện cho xe đạp, mũ bảo hiểm, giày đạp xe... Bác Quang Hòa – chủ “cửa hàng” đang lúi húi vừa chỉnh xe vừa tư vấn cho khách hàng đến mua. Chỉ mua một chiếc nhưng có đến 3 người cùng tới.
Đấy là vì có… hai người đã mua xe của bác rồi, giờ dẫn thêm một cậu bạn nữa tới mua và lập thành hội “nhân viên văn phòng đạp xe vì sức khỏe”.
Khách hàng của bác Hòa đa phần là những người như vậy. Người này đến mua xe, được bác nhiệt tình tư vấn, lựa chọn hộ luôn chiếc nào thì phù hợp với nhu cầu, vóc dáng. Thậm chí chỉ đến để nghe tư vấn, không mua, bác cũng sẵn sàng giúp đỡ mà chẳng thấy bất cứ phiền hà gì.
“Đến một lần, hai lần, ba lần… cho đến khi nào tìm được một chiếc xe thật ưng thì hãy mua. Cái xe nó cũng như quần áo thôi, phải vừa mới mặc. Mua ẩu, mặc ẩu đến lúc phản lại mình thì nguy” – Vừa chỉnh lại yên xe, bác vừa nói với khách hàng.
Cứ như thế, người nọ rỉ tai người kia. Chỉ là một căn phòng nhỏ chứa xe, không biển hiệu, lại nằm sâu trong khu tập thể Thái Thịnh vốn có phần cũ kỹ và hơi khó tìm, nhưng không ngày nào căn phòng không tiếp đón hơn chục người khách. Người đến xem, người đến sửa, người đến mua, thậm chí có cả người tới chỉ để nghe bác nói chuyện về xe và môn đạp xe.
Cái đặc biệt ở “cửa hàng” bán xe của bác Hòa nằm ở đó. Bác vốn là một người chơi và cũng ham mê xe đạp, lại tham gia vào một câu lạc bộ đạp xe ở Hà Nội nên tình cảm của bác với những chiếc xe không dừng lại ở việc người bán – vật bán.
Kiến thức của bác về các thể loại “ngựa sắt” này rất sâu rộng, chính vì thế mà không ít người thích đến nghe bác nói chuyện về xe đạp hay chuyện tập xe. Đến nhiều thành quen, có khi đang chẳng có ý định tập xe, tới chơi với bác vài lần cũng hào hứng sắm cho mình một cái để rèn luyện sức khỏe. Còn bác Hòa thì quen khách, đôi khi lại giảm giá xe, tặng đồ…
“Tôi tập xe để tự quyết định số phận bản thân”
Bác Hòa bắt đầu biết đến việc tập đạp xe năm 1999. Khi đấy, bác cũng không biết nhiều về xe cộ hay đam mê gì. Chỉ là một người bạn thân của bác khi đó bị đau chân, thậm chí, bệnh viện còn chẩn đoán sẽ bị liệt và thời điểm hiện tại không có thuốc thang gì có thể cứu chữa nổi.
|
Bác Hòa hiện là thành viên của câu lạc bộ xe đạp Cựu chiến binh Hà Nội |
Viễn cảnh người bạn của mình sẽ phải ngồi một chỗ khi tuổi già ập đến khiến bác không yên tâm. Đi hỏi han, rồi cũng nhờ các bác sĩ tư vấn, bác quyết định mua một chiếc xe đạp về cho ông bạn tập. Bác cũng sắm cho mình một cái để hai anh em cùng đạp xe với nhau cho vui.
Thời đó, cũng chẳng có Internet hay công cụ tìm kiếm gì để bác tìm hiểu, chọn xe… Thế nên tất cả cơ duyên với chiếc xe hai bánh đến với bác rất bình thường như thế. Dần dần, đạp xe, chơi xe, tìm hiểu về xe, bác mới nhận thấy cái xe hai bánh đấy thật là chứa đựng nhiều điều kỳ diệu.
Và điều kỳ diệu đầu tiên, dễ dàng thấy nhất, nhỡn tiền nhất là sau 13 năm đạp xe, người bạn của bác ngày càng khỏe mạnh và đôi chân giờ đây săn chắc vô cùng.
Tập đạp xe một thời gian, đến năm 2008, bác quyết định bán và tư vấn xe đạp cho những người muốn chơi.
“Đạp xe thật sự là một môn rất tốt cho sức khỏe. Nhưng không phải ai cũng biết làm đúng cách để có được hiêu quả tốt nhất. Mình là người có chút kinh nghiệm, sao không chỉ cho người khác. Rồi khi đưa ra lời khuyên cho người ta, sao mình không chọn hẳn cho người ta một cái xe đạp để người ta tập. Đấy không phải là việc giúp đỡ thiết thực nhất, hơn rất nhiều những lời khuyên suông sao?” – bác Hòa chia sẻ.
“Cửa hàng” của bác tuy nhỏ và cũng không đẹp đẽ gì (lời bác Hòa) nhưng có lẽ là đủ cho nhu cầu và mục đích tập luyện cho nhiều đối tượng. “Không thuê mướn cửa hàng, mở nó ra cũng chẳng vì mục đích thương mại nên giá cả cũng phải chăng, chắc vì thế mà người ta cũng hay tìm đến với tôi” – bác nói.
|
"Tôi bán xe, tư vấn cho các anh chị em khác chơi xe, tập xe cũng là để nhiều người có thể tự quyết định cuộc sống của mình mà thôi" |
Bác Hòa cũng tâm sự, từ ngày tập xe, sức khỏe bác tốt hơn hẳn. Giờ 61 tuổi rồi nhưng ngày nào cũng đạp xe hàng chục cây số vào sáng sớm, ăn khỏe, ngủ khỏe và quan trọng là chẳng bao giờ phải uống thuốc, đau ốm bệnh tật, làm khổ vợ khổ con.
“Nhờ tập xe, tôi tự quyết định được số phận của chính mình. Không phải mình tôi, mà cả mấy ông bạn già ở cùng câu lạc bộ của tôi cũng thế. Lúc tập xe cũng nên tham gia vào hội nhóm nào đó cô ạ, vừa có bạn để trò chuyện về cái thú của mình, lại vừa có người rủ nhau tập luyện, càng có thêm động lực theo đuổi cái môn này. Tôi bán xe, tư vấn cho các anh chị em khác chơi xe, tập xe cũng là để nhiều người có thể tự quyết định cuộc sống của mình mà thôi”.
Nguyên Diệu