Ông chủ Geleximco: Đại gia không siêu xe, hàng hiệu
Không đồ hiệu, siêu xe, người không biết gặp Vũ Văn Tiền khó ngờ được ẩn sau con người với vóc dáng bé nhỏ, giản dị như vậy lại là ông chủ một tập đoàn kinh tế tầm cỡ của Việt Nam, một doanh nhân có ý chí, bản lĩnh và tư duy kinh tế đặc biệt.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không khá giả, sau mình là 5 người em, Vũ Văn Tiền từng chỉ mong muốn sẽ làm việc để gia đình đủ ăn, đủ tiêu. Thời đó gánh nặng cuộc sống rất khó khăn, bởi vậy những ngày tháng dùi mài tại Học viện kỹ thuật quân sự, rồi tiếp tục ở Đại học Kinh tế quốc dân đòi hỏi nghị lực lớn của Vũ Văn Tiền.
Với tư duy kinh tế nhạy bén, một cái nhìn mới về cuộc đời và ước mơ lập nghiệp, sau gần chục năm đầu quân cho Tổng công ty vật tư nông nghiệp, năm 1992, Vũ Văn Tiền xin ra ngoài để thành lập công ty tư nhân.
"Vạn sự khởi đầu nan", con đường lập nghiệp của Vũ Văn Tiền không phẳng lặng khi ông quyết định thành lập doanh nghiệp xuất nhập khẩu trực tiếp, lĩnh vực vốn chỉ dành cho các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn. Doanh nghiệp mới nên vốn ít, quan hệ đối tác chưa nhiều, có những lúc tưởng như Công ty phải đóng cửa.
Thế nhưng, với cách làm chắc chắn, ngay thẳng, lấy chữ tín làm đầu, Geleximco dần có được chỗ đứng trên thương trường. Khó khăn không ít, nhưng ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ông Tiền và cộng sự đều xác định phải kinh doanh, đầu tư bài bản, đúng pháp luật.
Sau 20 năm nỗ lực, Geleximco đã có hơn 30 công ty thành viên, liên doanh liên kết trong lĩnh vực bất động sản, tài chính ngân hàng, thương mại dịch vụ… Doanh thu năm 2013 đạt gần 10.000 tỷ đồng, mỗi năm nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Uy tín của ông Tiền và hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp trong hệ thống Geleximco đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến hợp tác. Geleximco đã liên doanh với Honda thành lập công ty chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy cung cấp cho các hãng Yamaha, Suzuki, Kawasaki và Honda Việt Nam. Semen Gresick, Tập đoàn xi măng lớn nhất Indonesia đã bỏ một lượng vốn lớn đầu tư vào CTCP Xi măng Thăng Long. Maybank, ngân hàng lớn nhất Malaysia và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Worldbank đã bỏ vốn vào ABBank để sở hữu 30% cổ phần, mức tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài, Marubeny đầu tư vào Nhà máy Giấy An Hòa, Kaidi đầu tư vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thăng Long…
Trong lĩnh vực bất động sản, Geleximco được đánh giá là nhà đầu tư lớn với dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn (Hà Nội) có quy mô 135 ha, Dự án Khu đô thị mới Thành phố Giao lưu có tổng vốn đầu tư 16.000 tỷ đồng, Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh) và nhiều dự án khác.
Ông Tiền dành nhiều tâm sức cho các dự án công nghiệp lớn như xi măng, giấy, nhiệt điện. Đối tác của ông có người đã phải thốt lên “Mình trẻ nhưng không theo kịp bác vì làm công nghiệp phải đầu tư lớn, ngốn tiền kinh khủng mà lại rất vất vả”. Song nhiệt huyết và đam mê của Vũ Văn Tiền đã truyền lửa cho tất cả cán bộ tập đoàn. Ông bảo “Sản xuất công nghiệp là lĩnh vực đem lại nhiều giá trị gia tăng cho xã hội. Một dự án thành công, tạo ra rất nhiều công ăn việc làm, đóng góp không nhỏ cho từng địa phương và đất nước. Còn bản thân mình và gia đình không cần nhiều đến thế”.
Xã hội phân công mỗi người một nghề, với doanh nhân Vũ Văn Tiền, kinh doanh không chỉ là nghề mà còn là lẽ sống và cống hiến.
Nhiều ý tưởng táo bạo còn đang chờ được hiện thực hóa bởi khát khao đóng góp cho xã hội luôn là động lực cho những người lính thời bình như ông vững vàng hướng về phía trước.
* Điều gì quan trọng nhất trong kinh doanh với một doanh nhân?
- Với tôi, đó là luôn luôn ước mơ và đam mê. Có ước mơ mới có ý tưởng, hoạch định được chiến lược thì mới có lộ trình cho tương lai. Kinh doanh là một hành trình đầy rủi ro, có nhiều mạo hiểm và gian khổ. Phải có ý chí quyết tâm, mới lựa chọn nghề đầy chông gai như vậy.
Khi đã có đam mê và dấn thân rồi, mình phải học hỏi, tìm hiểu để có hiểu biết, định đường đi cho đúng. Trên đường lập nghiệp đều có không ít khó khăn, nếu đường đi không chuẩn, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
* Những lúc thất bại, điều gì là động lực để ông vượt qua?
- Đó là sự đam mê. Nghề nào không đam mê, không yêu nó sẽ không cho mình kết quả như mong muốn. Cũng như cây được chăm bón, nâng niu, thì cho mình hoa thơm, quả ngọt. Doanh nhân phải tự mình hoạch định từ những việc nhỏ nhất, bởi vậy rất cần trí tuệ và sáng suốt. Tích lũy cái nhỏ để làm chuyện lớn hơn, quá trình này diễn liên tục chứ không phải một sớm một chiều. Chắc chắn làm nhiều việc, có lúc gặp thất bại, tôi coi đó là trải nghiệm, kinh nghiệm vươn lên chứ không làm mình mất tinh thần, ý chí.
* Làm nhiều dự án lớn, có lúc nào tự ông thấy mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi?
- Thủa ban đầu, mình kinh doanh cũng chỉ mong có cuộc sống đủ ăn đủ tiêu không lâm vào cảnh khó khăn. Đến khi có vật chất mới thấy tinh thần quyết định tất cả. Có tinh thần sảng khoái, minh mẫn, mình sẽ sáng suốt, sáng tạo và tư duy được nhiều việc lớn.
Đến một lúc nào đó, làm giàu không còn vì nhu cầu bản thân và gia đình mà trở thành niềm hạnh phúc khi được phục vụ cho nhân dân và xã hội. Một nhà máy hoạt động hiệu quả, thành công, có ý nghĩa to lớn cho nền kinh tế và cho xã hội.
Xã hội phân công nhiều ngành nghề lĩnh vực, có người làm chính trị, người làm văn hóa nghệ thuật, người làm kinh doanh nhưng cuối cùng đều có mục đích chung là vươn tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống, cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước tươi đẹp hơn. Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ mệt mỏi và muốn dừng lại. Dù tình huống có khó khăn, thách thức đến mức nào cũng không được phép đầu hàng, ngay cả trong suy nghĩ.
* Có những “Sao Đỏ” đã không giữ được hiệu quả kinh doanh, doanh nghiệp phá sản. Bản thân ông thấy sao về điều này?
- Danh hiệu chỉ có ý nghĩa trong một giai đoạn, sự bền vững trong kinh doanh càng mang tính chất tương đối. Nếu không theo kịp sự phát triển của xã hội, đất nước; tụt hậu về tư duy, ý chí.., doanh nghiệp sẽ hoạt động không hiệu quả, không giữ được thương hiệu, thậm chí có thể dẫn tới phá sản. Bản thân tôi từ trước tới nay cũng đã thay đổi rất nhiều, nhất là trong suy nghĩ tầm nhìn tư duy càng không thể áp đặt thời điểm lịch sử này vào thời điểm lịch sử khác.
* Ông nghĩ sao trước những phát biểu rằng, cơ chế hiện nay không tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển?
- Phải có cách đi và tư duy khác biệt, nhưng không làm trái pháp luật. Với doanh nhân, doanh nghiệp, trong quá trình phát triển, không gặp thách thức này sẽ có vướng mắc khác, muốn thành công anh đều phải vượt qua. Cũng như trong một cuộc đua, phải có rào cản về sức lực, trí tuệ… ai vượt qua sẽ về đích đầu tiên. Phải vận động một cách sáng tạo, uyển chuyển trong hoạt động sản xuất kinh doanh miễn sao đừng làm gì tiêu cực, làm tổn hại đến môi trường và đời sống xã hội.
* Trao ghế tổng giám đốc ABBank cho một doanh nhân trẻ mới hơn 30 tuổi. Ông có nhận xét gì về các doanh nhân trẻ thời nay?
- Trẻ bao giờ cũng năng động, táo bạo hơn. Thế hệ trẻ có lợi thế được trang bị các kiến thức mới, được làm việc trên nền tảng sẵn có, tuy nhiên lại chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa gặp rủi ro, chưa được thử thách. Nhưng nếu họ tiếp tục trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm thì khi gặp khó khăn, tôi tin họ sẽ biết vượt qua và làm tốt hơn thế hệ đi trước.
Bản thân tôi quan niệm rằng, nguồn lực từ những người trẻ rất quan trọng. Nếu chủ doanh nghiệp không biết sử dụng nguồn lực đó sẽ thất bại. Bởi vậy hãy cho họ được trải nghiệm, đối mặt với những rủi ro, thách thức và đặt mình vào các tình huống khó khăn để họ biết cách vươn lên và vượt qua.
Lãnh đạo mà ôm đồm quá, sao thoát ra được công việc hàng ngày để tư duy việc lớn. Nhiều khi phải vượt qua chính mình, ngay trong tổ chức của mình, cứ để cái bóng của mình bao trùm hết, thì ai dám làm, ai sẽ làm? Hiện nay tôi còn lãnh đạo, giám sát Tập đoàn nhưng đến thời gian nào đó sẽ phải chuyển giao cho thế hệ kế tiếp.
* Vậy điều quan trọng nhất cần truyền lại cho doanh nhân trẻ là gì?
- Truyền “lửa” thế hệ trẻ, giúp họ có được tinh thần, ý chí quyết tâm như mình đã từng có. Họ sẽ giữ gìn có và phát huy những giá trị của thế hệ trước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo