Ông Đào Trọng Thi: “Nếu nhà ngoại cảm lừa đảo, phải xử lý ngay”
Trong những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông đã tốn khá nhiều giấy mực khi bàn về khả năng của các nhà ngoại cảm, và bà Phan Thị Bích Hằng đã bị chỉ đích danh lừa dối gia đình liệt sĩ Phùng Chí Kiên. Liệt sĩ Phùng Chí Kiên, một bậc tiền bối, Ủy viên trung ương Đảng năm 1935, người đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm tướng. Đồng chí hy sinh năm 1941, bị Pháp tra tấn và chặt đầu treo để thị uy. Năm 1990, phần thân thể của tướng Kiên đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ, còn phần thủ cấp, Bộ Quốc phòng và gia đình đã nhờ đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng chỉ giúp. Sau giám định, thứ mà bà Hằng nói là hài cốt của liệt sĩ Phùng Chí Kiên là mảnh sành vụn và một chiếc răng động vật.
Trước những thông tin này, ông Đào Trọng Thi bình luận: “Không ai nói ngoại cảm chính xác 100%. Nếu họ dự báo sai, không chính xác thì đó cũng là điều rất bình thường. Chỉ có điều, một mặt những người đó phải thông báo trung thực kết quả, khả năng chính xác đến đâu, và đặc biệt không được cố tình lừa dối. Tôi nghĩ, không ai dám nói rằng ngoại cảm là đúng hết, chỉ có điều biết đến đâu, đúng đến đâu thì nói đến đó. Bây giờ vụ tìm hài cốt liệt sĩ Phùng Chí Kiên có xem xét hình sự hay không thì phải xem có lừa đảo hay không, và thứ hai là thỏa thuận như thế nào.
Chuyện công nhận nhà ngoại cảm cũng khó, vì không thể dùng phép đo nào để kiểm tra, chủ yếu là do uy tín của con người thôi. Quan trọng anh hành nghề phải đăng ký, khi cung cấp dịch vụ anh phải có hợp đồng. Thời gian vừa rồi xảy ra sự cố cũng do người dân quá tin tưởng nhà ngoại cảm. Cũng có người giải quyết nhu cầu tâm lý nên chưa chắc đã muốn đi kiểm tra lại, dù có thể anh chưa tin 100%”.
Cũng theo ông Đào Trọng Thi, vài năm trước một số trường hợp nhà ngoại cảm rất chính xác và giúp được một số gia đình tìm được mộ người thân, nhưng gần đây họ bắt đầu có sai sót, kể cả có sự cố tình lừa đảo, vì vậy cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có quy định hạn chế bớt chuyện nhà ngoại cảm hoạt động vượt quá mức năng lực của họ.
“Có hai vấn đề nhà nước và cơ quan quản lý phải có quy định chặt chẽ trong việc hành nghề. Nếu họ dùng năng lực ngoại cảm để hành nghề thì mình mới quy định được, tức là quy định về hành nghề tìm mộ... Còn bản thân người ta hoạt động, phát huy năng lực của họ thì chẳng có gì vi phạm. Nó chỉ vi phạm, dính đến pháp luật khi nó dùng hoạt động đó để làm các dịch vụ.
Tôi ví dụ như hoạt động tìm kiếm mộ, hài cốt. Nhà nước phải quy định, nhà ngoại cảm làm việc đó phải đăng ký hành nghề. Là cơ sở để quản lý. Quy định hành nghề thì trách nhiệm của anh ra sao, về sau anh vi phạm thì tôi sẽ xử lý. Nếu anh đi tuyên truyền một việc mà vượt khả năng của anh hoặc anh cam kết hợp đồng với người ta mà không hoàn thành như tìm hài cốt không đúng, đưa hài cốt giả. Nhưng cùng với đó, người sử dụng dịch vụ đó thay vì tin tưởng bây giờ nên kiểm tra, giám định ADN xem có chính xác không. Còn nếu là xương chó, xương lợn, xương mèo thì càng dễ, chẳng cần ADN cũng xác định được”, ông Thi nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo