Ông Nguyễn Mạnh Quân: Vinacomin sẽ bán than cho EVN theo giá thị trường
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương đã chia sẻ như vậy xung quanh việc xuất khẩu than, bauxite của Việt Nam.
PV: - Từ trước tới nay, Việt Nam vẫn tự coi là giàu có khoáng sản. Với than, Vinacomin xuất khẩu với giá rẻ hơn so với mặt bằng thế giới, luôn đề xuất xin giảm thuế xuất khẩu có khi chỉ còn 5% và nhiều ưu đãi khác. Thế nhưng Vinacomin vẫn luôn kêu lỗ, xin thêm ưu đãi để duy trì với lý do giải quyết lao động dư thừa... Trong khi đó, tương lai gần là Việt Nam sẽ phải nhập than. Thưa ông, phải giải thích thế nào về tính hiệu quả và minh bạch trong việc sử dụng tài nguyên trong trường hợp này? Trong thời gian sắp tới, Bộ sẽ có những tính toán ra sao?
Ông Nguyễn Mạnh Quân: - Thứ nhất tôi xin khẳng định than của Vinacomin xuất khẩu không thấp hơn giá thế giới. Lý do vì than xuất khẩu theo hình thức đấu giá. Các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu về lượng than Vinacomin xuất khẩu thì phải gửi hồ sơ về ban xuất khẩu của tập đoàn. Vinacomin sẽ tổ chức đấu giá. Khi đó doanh nghiệp nào trả giá cao trên giá sàn thì sẽ trúng mà giá này đã tham khảo giá thế giới.
Nên nói Vinacomin xuất khẩu than với giá thấp hơn so với mặt bằng thế giới, tôi cho là không có cơ sở.
Thứ hai, về mặt lâu dài chúng ta thiếu than vì kế hoạch phát triển nhiệt điện của chúng ta rất lớn. Tuy nhiên cũng phải xác định Vinacomin xuất khẩu than cũng xuất phát từ một thực tế. Có một số chủng loại than có giá trị kinh tế cao (than cục để người nước ngoài sử dụng đốt lò sưởi), nếu than này nghiền ra làm than cám bán trong nước thì giá trị sử dụng rất thấp.
Chính vì thế việc Vinacomin xuất khẩu một số chủng loại than mà trong nước không có nhu cầu khiến chúng ta thiếu về số lượng nhưng lại thừa về chủng loại.
Vấn đề quan trọng nữa trong thời gian dài vừa qua Chính phủ vẫn đang chỉ đạo giá than theo cơ chế thị trường, trừ giá than cho điện. Riêng giá than cho điện chịu sự quản lý của Nhà nước nên phải bán thấp hơn giá thành.
Theo lộ trình, trong năm 2014 sẽ thị trường hóa giá than bán cho điện để bám theo lộ trình thị trường hóa giá điện.
Ngoài ra cũng phải nói rằng việc xuất khẩu than cũng có hiệu quả lớn bù cho giá than của điện bởi Vinacomin hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn phải có lợi nhuận. Thêm nữa, những năm vừa qua tập đoàn cũng chưa bao giờ để thiếu than trong các ngành kinh tế quốc dân.
Tôi cho rằng việc xuất khẩu than xuất phát từ thực tế khách quan mà không thể đổ lỗi cho việc xuất khẩu để thiếu than trong nước.
Nói xin nhiều ưu đãi không đúng. Vừa qua thuế xuất khẩu Bộ Tài chính có điều chỉnh nâng lên. Như tôi đã nói, hiện nay than khai thác chủ yếu là hầm lò chiếm 60%, khai thác lộ thiên thì ngày càng xuống sâu, chi phí cao. Trong khi các nước thuế chỉ 5% nhưng Việt Nam lại nâng lên 10-15%. Nay Bộ Tài chính chấp nhận mức 5% cũng là chính đáng.
PV: - Thưa ông nhưng trên thực tế nói là Vinacomin hoạt động có hiệu quả, bảo toàn vốn nhưng sao vẫn có chuyện Vinacomin kêu lỗ, xin ưu đãi. Và dư luận nghi ngờ sự minh bạch khi tập đoàn này múc tài nguyên lên đi bán nhưng lại muốn xin ưu đãi. Phải giải thích điều này thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Quân: - Về minh bạch mà nói thì hàng năm đều có kiểm toán. Ví dụ để xác định giá bán than cho điện thì Bộ Tài chính phải kiểm tra chi phí khai thác bao nhiêu, bán giá thành thế nào, có hợp lý hay không?
Chúng tôi khẳng định là có sự quản lý của Nhà nước chứ không thể buông lỏng toàn bộ được. Hàng năm tập đoàn than là tập đoàn nhà nước nên thực hiện nghiêm chỉnh chế độ kế toán, kiểm toán.
Thực tế mà nói, trong năm vừa qua, lợi nhuận của tập đoàn giảm đi rất nhiều so với năm trước do điều kiện khai thác ngày càng khó, cạnh tranh khốc liệt và chi phí ngày càng cao.
PV: - Thực tế là nhiều loại khoáng sản, đặc biệt là than và bauxite đều có thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc. Khi mà phụ thuộc vào một thị trường như thế, Bộ Công thương có lo bị chi phối không và vì sao?
Ông Nguyễn Mạnh Quân: - Trung Quốc đúng là hiện nay đang nhập khẩu than của Việt Nam nhiều nhất nhưng như tôi đã nói chúng ta bán theo phương thức đấu giá.
Theo tôi được biết, ngoài Trung Quốc ra cũng có một số khách hàng rất muốn mua than của mình. Ví dụ, Nhật Bản, Hàn Quốc và kể cả Châu Âu.
Về bauxite alumina, tôi được biết hiện nay Trung Quốc không phải là khách hàng chính mà chỉ là chúng ta ưu tiên cho họ vì trả giá cao. Hiện có rất nhiều khách hàng nước ngoài ở Trung Đông, Hàn Quốc đều mong muốn mua alumina của Việt Nam nhưng không có để bán.
Theo báo cáo của Tập đoàn hiện nay, khách hàng đăng ký mua trong năm tới vượt sản lượng của Vinacomin. Chính vì vậy tôi cho rằng rủi ro khách hàng là khó xảy ra vì nhu cầu là có thực.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm