Chính trị

Ông Thanh ra đi, Đà Nẵng day dứt tiếc nuối

Mặc cái nắng chang chang ngày cuối năm, người dân Đà Nẵng vẫn kéo đến nhà ông Thanh. Anh xe ôm bỏ việc, chị bán vé số trả vé lặng lẽ đứng khóc trước nhà ông.

Bắt đầu việc lo hậu sự cho ông Nguyễn Bá Thanh - Ảnh: Tấn Vũ

 

"Thằng Cảnh (anh Nguyễn Bá Cảnh - con trai ông Nguyễn Bá Thanh - PV) kêu tôi vào nói: “Ông nắm tay ba con cái!”. Tôi nắm tay đứa em lần cuối mà nghẹn lòng. Thế là từ nay chú cháu không còn thấy mặt nhau” - ông Nguyễn Bá Nhá, chú họ ông Thanh gạt nước mắt nghẹn ngào. Không những ông Nhá mà nhiều người dân Đà Nẵng mắt đỏ hoe, ngấn nước đã về đây tiễn biệt ông.
 
Tại nhà ông Thanh trên đường Cách Mạng tháng Tám trưa nay, dòng người vẫn chưa ngừng kéo đến. Người dân đứng kín trước cổng nhà, đứng cả bên kia đường để tiễn biệt, đu bám trên bức tường để nhìn vào bên trong, mặc cho cái nắng chang chang những ngày cuối tháng Chạp. Nhiều người rút điện thoại để báo tin cho người thân của mình rằng ông Thanh đã qua đời.

Ông Nguyễn Bá Nhá là người có mặt rất sớm. Khoảng 13g, khi xe cấp cứu vừa dừng lại trước cổng, ông được đón vào để từ biệt ông Thanh. “Khi tôi vào chú ấy còn thở được. Cái tay còn ấm. Tôi cầm bàn tay đứa cháu lần cuối mà nhói lòng. Chừng mấy phút sau thì chú trút hơi thở cuối cùng. Đau lòng quá con ơi!” - Ông Nhá nói nghèn nghẹn.

Dù tiên đoán về tình hình sức khỏe của ông Thanh sẽ rất xấu và cái ngày định mệnh này cũng sẽ đến nhưng ông Nhá cũng như hàng ngàn người dân Đà Nẵng vẫn thấy thắt lòng. Ông Thanh mất đi, Đà Nẵng như thiếu chút gì đó...

Cầm trên tay xấp vé số dày cộm chưa bán được, chị Nguyễn Thị Hồng Phú, 37 tuổi, người dân Phường Hòa Thọ Tây (Cẩm Lệ) lặng lẽ kéo áo lau những giọt nước chảy mắt tràn trên đôi má đen sạm. Chị Phú dẫn theo đứa con trai xuống đây khi hay tin ông Thanh vừa mất.

Đứng lặng lẽ giữa dòng người đông đúc, ánh mắt dõi vào hướng cánh cổng nhà chộn rộn người, chị Phú chỉ biết khóc.

“Nghe tin bác Thanh mất, tôi không còn muốn bán vé số nữa. Vé dư ra chiều trả lại, hai mẹ con ở đây cùng bác ấy” - chị Phú thổn thức.

Không những chị Phú, nhiều bác xe ôm ở chân cầu Hòa Cầm cũng quyết định dừng công việc xuống trước cổng đứng tiễn biệt ông.

Dựng chiếc xe ôm cà tàng trên lề đường, bác Nguyễn Tuấn, 53 tuổi người lái xe ôm thổn thức: “Biết sinh lão bệnh tử không ai thoát khỏi nhưng trưa nay nghe tin ông ấy mất tôi quặn lòng. Anh em xe ôm bỏ việc hết kéo về đây. Ở cái thành phố này có lẽ ông là lãnh đạo được cánh xe ôm chúng tôi yêu quý nhất. Mai mốt đoàn xe ôm chúng tôi cũng sẽ tiễn ông về quê nhà” - bác Tuấn nói.

 

Chị Phú ngừng bán vé số đến trước cổng nhà ông Thanh để tiễn biệt ông lần cuối - Ảnh: Tấn Vũ


Đứng một mình nơi góc tường rào buồn rười rượi, chị Trương Thị Phượng, 40 tuổi, hai mắt ngấn nước. Chị Phượng bảo từ ngày bác Thanh được đưa về Đà Nẵng chữa trị, ngày nào chị cũng cập nhật tin tức về bác ấy. Vẫn biết sức khỏe bác Thanh rất yếu nhưng sự kỳ vọng ở một phép mầu trong chị cũng như những người yêu quý ông Thanh vẫn khôn nguôi.

“Bây giờ bác Thanh đã xa người dân Đà Nẵng. Một cảm giác tiếc nuối cứ day dứt. Bác ấy cống hiến cho Đà Nẵng nhiều. Để thành phố rạng rỡ, tươi đẹp như ngày hôm nay, ai cũng biết ơn điều đó. Mấy hôm trước đọc báo thấy sức khỏe bác ấy tiến triển tốt ai cũng mừng. Nhưng sự việc nhanh như thế này chẳng ai ngờ tới.” - chị Phượng sụt sùi.

Hoa vàng ngày tết tràn ngập mọi nẻo đường nhưng có lẽ trong lòng người dân Đà Nẵng đang đượm một nổi buồn day dứt. Nhiều người tận dụng phần đất trống trước nhà ông Thanh để bán hoa tết lặng lẽ chở hoa về nhà để nhường khoảng trống cho người dân đến đứng.

Một người dân chợt thở dài rồi thốt lên: “Có lẽ đêm nay nhiều người Đà Nẵng sẽ thức trắng kéo đến đây để tiễn đưa một người”.
 

Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo