Ông Trần Xuân Giá: Mong sớm được công khai tự bảo vệ
Theo ông Trần Xuân Giá, ông nhập viện không phải vì trốn tránh mà sức khỏe không thể đảm bảo. Ông mong muốn được sớm công khai tự bảo vệ mình
Ngày 14/4/2014, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ Trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Á Châu, 75 tuổi, đã vào viện cấp cứu.
Ông Giá là bị cáo trong vụ án Nguyễn Đức Kiên được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội lên lịch xử vào ngày 16/4/2004. Ông Giá, ông Kiên cùng các cá nhân nguyên Thường trực HĐQT ACB bị truy tố về hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Giá cho biết, chiều ngày 15/04/2014, các cán bộ thuộc Bộ Công an và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đến phòng cấp cứu nơi ông Giá nằm tại Bệnh viện Hữu Nghị để yêu cầu ông viết giấy báo với Hội đồng xét xử là đang bị bệnh, không thể có mặt tại phiên tòa xét xử ngày 16/04/2014. Vì nội dung văn bản này chưa thật rõ ràng và đủ ý, nên ông đã thông qua luật sư có đơn đề nghị hoãn phiên tòa. Vậy trong trường hợp ông Giá không thể đến Tòa ví lý do sức khỏe, phiên Tòa sẽ được xét xử như thế nào.
Không né tránh
Ông Giá trình bày, ngày 14/04/2014, ông phải nhập viện cấp cứu vì lý do bài tiết, huyết áp tăng cao, bị tiền liệt tuyến trở nặng. Theo kết quả chẩn đoán của Hội đồng chuyên môn của ban bảo vệ sức khỏe trung ương và của đội ngũ bác sĩ Bệnh Viện Hữu Nghị, bác sĩ điều trị yêu cầu ông phải điều trị nội trú.
Hiện ông nhận thấy không đủ sức khỏe để tham gia phiên tòa xét xử sở thẩm theo triệu tập của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử, ông Giá khẳng định mình luôn chấp hành mọi yêu cầu của cơ quan tố tụng. Ông chưa bao giờ né tránh, gây cản trở cho quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án.
Mong muốn có cơ hội tự bảo vệ mình
Trong đơn xin hoãn phiên tòa, ông Giá giải thích, mục đích xin hoãn phiên tòa không nhằm trốn tránh, mà để có cơ hội được trực tiếp tham gia phiên tòa ngay từ thủ tục bắt đầu phiên tòa để có thể thực hiện đầy đủ các quyền của mình theo quy định pháp luật.
Theo ông Giá, từ khi vụ án xảy ra, hơn ai hết, ông mong muốn phiên tòa xét xử sơ thẩm mở càng sớm càng tốt, để được công khai tự mình bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, để được phát biểu, có ý kiến, chứng minh những vụ việc có liên quan đến ông cũng như các bị cáo khác trong vụ án.
Ông Giá khẳng định, ông sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm theo luật định, vấn đề ông mong muốn khi đề nghị hoãn phiên tòa là để ông có cơ hội trình bày trực tiếp, công khai quan điểm của mình. Ông luôn tin tưởng vào sự phán xét công minh của các cơ quan pháp luật.
Hoãn hay không hoãn
Theo luật sư Lưu Tiến Dũng, bào chữa cho ông Giá, thân chủ của ông luôn muốn vụ việc kết thúc sớm, khách quan, công khai.
Theo khoản 1 Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự thì “bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án, nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa”. Do đó, việc đề nghị hoãn phiên tòa của ông Giá là cần thiết và đúng quy định pháp luật.
Từ chối bình luận về ý kiến cho rằng ông Giá nhập viện để đối phó với cơ quan pháp luật, trì hoãn quá trình xét xử, ông Giá nêu “hơn ai hết, tôi là người có mong muốn lớn nhất về việc sớm xét xử vụ án này”.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo