Ông trùm ngọc trai đảo Phú Quốc
Lặn ở nơi sâu nhất
Xa quê hơn 25 năm rồi nhưng vẫn cái chất giọng “trọ trẹ quê choa” Hà Tĩnh chẳng lẫn vào đâu được, Hồ Phi Thủy lim dim mắt nhớ về thuở hàn vi: Hồi đó ở quê nghèo lắm, nhà 7 anh em, cơm không đủ ăn chứ đừng mơ đến cá thịt.
Đám thanh niên quê tôi sau khi thi trượt đại học, thằng nào may mắn thì được đi bộ đội, đi làm công nhân, còn lại bỏ xứ lang thang kiếm sống, chủ yếu vào Nam. Tôi ra tận đảo Phú Quốc, nương nhờ nhà người quen, và xác định mục tiêu… đi làm thuê. Đó là năm 1989, lúc ấy tôi vừa tròn 19 tuổi.
Vốn dân miền biển ở xã Thạch Văn, Thạch Hà nên vừa đặt chân đến đảo Phú Quốc, Thủy đã hòa nhập ngay được với một nhóm bốn người thợ lặn chuyên đi mò trai. “Bố già” Lê Đình Phúc, nay đã xấp xỉ thất thập, lúc ấy là trùm thợ lặn trên đảo, nói với Thủy: “Mày mới học việc chỉ ngồi trên thuyền cầm dây, khi nào tụi tao giật giật thì kéo lên. Ngoài ra mày còn phải lo nấu cơm, nước và sai vặt”.
Tiền công được chia theo sản phẩm hằng ngày. Bán được mười đồng thì Thủy được một đồng. Thủy xác định chủ yếu là kiếm cơm ăn và học nghề. Lúc thợ lặn nghỉ trưa, trong bình còn ít oxy, Thủy tranh thủ tập lặn, mỗi lần được khoảng 5 phút thì hết khí phải ngoi lên. Mãi tới ba tháng sau, Thủy mới chính thức được “biên chế” thành thợ lặn.
Khu vực quần đảo An Thới, là một vùng biển có mực nước sâu nhất trên biển tây Nam của tổ quốc, khoảng 80m. Thủy kể: dân thợ lặn hồi đó khá đông và chủ yếu là mò trai, sau này trai cạn kiệt mới chuyển sang mò hải sâm, mò phế liệu. Mò trai mục đích chính vẫn là lấy vỏ để bán cho thợ làm đồ mỹ nghệ. Một thợ lặn thời ấy bình quân mò được khoảng sáu cặp trai mỗi ngày, loại một kg, bán được một chỉ vàng 24k.
Tỷ lệ có ngọc trong trai là rất ít, bình quân từ 1.000 đến 1.500 con trai tự nhiên mới có một con có ngọc. Vì thế, việc mò được một con trai có ngọc là may mắn như… trúng số. Viên lớn bằng đầu ngón tay trị giá 5 đến 6 cây vàng. Nhỏ bằng hạt đậu cũng bán được vài chỉ. Có lần Thủy lặn được một con trai có tới 4 viên ngọc, bán được 4,7 cây vàng cho một Việt kiều Mỹ.
Thủy kể: Hồi đó tôi thường lặn ở khu vực kinh Một, đoạn từ núi Đèn ra hòn Dứa của An Thới. Đây là một dòng chảy của biển, mực nước từ năm mươi đến tám mươi mét. Có những khe đá lởm chởm và trai thường trú ẩn ở đó.
Một thợ lặn bình thường chỉ dám xuống ở độ sâu năm mươi mét, nhưng hồi đó tôi đã mò tới đáy của biển An Thới với độ sâu 80m. Ở những độ sâu như thế tôi chỉ dám ở dưới nước khoảng 50 phút là cùng, còn độ sâu vài chục mét thì lặn cả ngày chẳng sao.
Thủy cho biết, thời kỳ đó, dưới đáy biển khu vực An Thới là một thế giới với những chiếc tàu buôn bị đắm từ cách đây mấy thế kỷ. Tàu bị đắm trong thời kỳ chiến tranh, thậm chí có cả xác máy bay; súng đạn vương vãi như một bãi chiến trường.
Mấy chục năm qua dân lặn phế liệu dọn sạch hết rồi. Đồ cổ của những con tàu bị đắm cũng đã được trục vớt.
Bỏ nghề lặn trai để… nuôi trai
Năm 1994, một liên doanh của Nhật Bản đến vùng biển An Thới mở cơ sở nuôi cấy ngọc trai. Lúc này trai tự nhiên ở An Thới cũng gần như cạn kiệt. Thủy quyết định bỏ cái nghề cực nhọc nguy hiểm nói trên, xin làm thuê cho người Nhật. Ba năm sau, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, cơ sở nuôi cấy ngọc trai tại Phú Quốc của Nhật phải tháo chạy về nước.
Thủy đã may mắn mua lại được một số thiết bị nuôi cấy ngọc trai của Nhật với giá rẻ, chỉ vài trăm triệu đồng, và anh đứng ra thành lập Doanh nghiệp ngọc trai Ngọc Hiền từ đó. Cái may mắn nữa của Thủy là trước khi về Nhật, chuyên gia nuôi cấy ngọc trai, ông Horikiri đã truyền lại cho anh một vài bí quyết, kinh nghiệm nuôi cấy ngọc trai.
Tuy nhiên mọi việc không đơn giản chút nào, khi một anh chàng nhà quê, chuyên đi làm thuê làm mướn, nay bỗng trở thành ông chủ của cơ sở nuôi cấy ngọc trai với hàng chục lao động. Thủy phải chạy ngược chạy xuôi lo vốn kinh doanh, lo tổ chức sản xuất, lo tiền lương, đối ngoại, thậm chí phải chống lại “trai tặc” trên biển.
Để làm ra được một hạt ngọc trai long lanh nằm ở những vị trí “mặt tiền” trên cơ thể, chủ yếu là phụ nữ, không đơn giản chút nào. Từ con giống ban đầu chỉ bằng sợi tóc, phải nuôi khoảng 15 tháng thì mới có thể cấy phôi vào bộ phận sinh sản của trai, và phải cần ít nhất chừng đó thời gian nữa mới có thể thu ngọc.
Chu kỳ của nuôi trai lấy ngọc là 7 năm. Sau thời gian này trai hết chất xà cừ, có nuôi cũng không lớn nữa. Nếu sóng to, gió lớn sẽ ảnh hưởng đến phát triển của trai, vì thế mỗi năm phải di chuyển 2 lần. Mùa khô đưa trai từ vùng Nam đảo lên Bắc đảo và mùa mưa thì đưa về lại. Việc cùng lúc di chuyển hàng vạn con trai cùng các thiết bị kèm theo là một công việc đầy gian nan.
Là ông chủ nhưng Thủy hầu như thường xuyên có mặt trên biển, trực tiếp lăn lộn với công nhân, lăn lộn với một nghề tưởng chừng như ngon ăn nhưng đầy sóng gió. Những con trai sau khi thu hoạch được rửa bằng nước suối tinh khiết, lấy khăn sạch lau khô, phân loại, chế tác...
Khi đã thành công trong nuôi cấy rồi thì việc bán sản phẩm cũng vô cùng khó khăn. Thị trường trong nước tiêu thụ không đáng kể, lại đối mặt với ngọc trai giả của Trung Quốc bán tràn lan. Trong lúc khó khăn, Thủy lại nhớ đến ông thầy Horikiri, và thật may mắn cho cả hai khi thị trường Nhật đang có nhu cầu tiêu thụ ngọc trai.
Sau đó, Thủy đã mạnh dạn thuê luôn ông Horikiri qua Phú Quốc phụ trách kỹ thuật nuôi cấy. Từ một anh chàng làm thuê cho người Nhật, nay Thủy lại thuê ngay chính ông sếp ngày xưa về làm việc.
Ngoài ra Thủy còn thuê hai ông tây khác “ở đợ” cho mình. một ông người Thụy Sỹ chuyên đứng chào hàng trước phòng trưng bày và một ông người Úc chuyên giới thiệu quy trình sản xuất nuôi cấy ngọc trai lấy ngọc cho du khách nước ngoài.
Ông Michae Ramsdenr từng có 16 năm làm nghề ngọc trai ở Úc. Năm 1997 ông qua Phú Quốc với tư cách là chuyên gia nuôi cấy ngọc trai. Khi công ty ngọc trai Úc giải thể, “chàng trai” 56 tuổi sống độc thân này đã ở lại Phú Quốc làm việc cho Thủy.
Michae Ramsdenr nói: “Công việc ở đây rất tốt. Tôi tâm đắc với chất lượng ngọc trai ở đây và quyết ở lại với nghề. Chúng tôi từng nuôi ngọc trai ở PhuKet (Thái Lan) nhưng thất bại. Ở đảo Phú Quốc chỉ có ông Thủy mới có cơ sở nuôi cấy ngọc trai như thế này”.
Viên ngọc lớn nhất mà Thủy nuôi được trong “sự nghiệp ngọc trai” có đường kính 20,6 li. Phía công ty Nhật đã mua lại viên ngọc này với giá 1 tỷ 12 triệu đồng. Thủy đang nuôi tham vọng sẽ cho ra đời viên ngọc trai lớn, đẹp nhất Việt Nam và mang tầm thế giới.
Hiện anh đang nuôi trên 50 ngàn con trai cấy ngọc đã được 4 năm, dự kiến năm 2017 sẽ thu hoạch. Hi vọng 50 ngàn con ngọc trai nuôi đầy đủ chu kỳ ấy sẽ cho “những hạt ngọc trong ngọc” lấp lánh cho đời.
Từ một anh chàng làm thuê cho người Nhật, nay Thủy lại thuê ngay chính ông sếp ngày xưa về làm việc.
Bây giờ ra Phú Quốc hỏi “Thủy Ngọc Trai” thì ai cũng biết. Cái anh chàng thợ lặn năm nào bây giờ sử dụng gần 300 lao động; thâu tóm được tổng cộng ba công ty ngọc trai của nước ngoài.Tại đảo Phú Quốc, ngoài việc mua lại cơ sở của người Nhật nói trên, Thủy còn mua lại Công ty ngọc trai Phú Quốc - Việt Nam của Úc đầu tư và Công ty ngọc trai Côn Đảo (bà Rịa - Vũng Tàu) cũng của Nhật Bản đầu tư. Tổng sản lượng ngọc trai năm 2014 đạt khoảng 700kg, trong đó 70% được xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo