Ông Trump nắm trong tay tương lai thỏa thuận hạt nhân của Iran
Ngày 16/1 năm ngoái, phần lớn các biện pháp của quốc tế trừng phạt Iran đã được dỡ bỏ đổi lấy việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân, theo như dự trù của thỏa thuận được ký kết cách đó 6 tháng giữa một bên là Teheran và bên kia là 6 cường quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh Quốc, Pháp và Đức ).
Thỏa thuận về hạt nhân Iran mừng sinh nhật một tuổi chỉ vài ngày trước khi nhà tỷ phú New York lên nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/01/2017. Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã liên tục chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran và đã hứa là một khi lên nắm quyền, ông sẽ xóa bỏ bản thỏa thuận này.
Ông Trump cũng đã giao các chức vụ chủ chốt trong chính quyền của ông cho những nhân vật có lập trường chống Iran, như Ngoại trưởng được chỉ định, Rex Tillerson. Bản thân ông Tillerson đã tỏ ý muốn xét lại toàn diện thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trả lời phỏng vấn hai nhật báo Bild ( Đức ) và Times ( Anh ) ngày 16/1, tổng thống tân cử Mỹ đã một lần nữa xem thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất được ký kết cho tới nay, tuy vẫn từ chối nói rõ là ông có sẽ xét lại thỏa thuận này hay không.
Đối với các chuyên gia Iran như Fouad Izadi, một giáo sư đại học ở Teheran, được AFP trích dẫn hôm nay, với việc một tổng thống Cộng hòa lên nắm quyền, chắc chắc thái độ của Mỹ đối với Teheran sẽ cứng rắn hơn.
Ông Abbas Araghchi, trưởng phái đoàn thương lượng Iran về thỏa thuận hạt nhân, hôm qua cũng đã cho rằng, một năm sau khi thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực, thái độ thù nghịch của Mỹ gia tăng từng ngày. Theo ông Araghchi, Mỹ đã làm đủ mọi cách để làm chậm lại tiến bộ của Iran sau khi đạt thỏa thuận.
Tuy nhiên, các chuyên gia không dự đoán là chính quyền Trump sẽ xóa bỏ hoàn toàn một thỏa thuận mà phải mất nhiều năm thương lượng gay go và phức tạp quốc tế và Iran mới đạt được.
Dẫu sao, nếu ông Donald Trump có hành động gì đối với thỏa thuận hạt nhân Iran, ông sẽ gặp phản ứng mạnh từ các nước châu Âu, Nga và Trung Quốc, những quốc gia đã bày tỏ sự hài lòng về thỏa thuận.
Tại Bruxelles, lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini vừa tuyên bố rằng khối này sẽ tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, vì đây là một thỏa thuận cực kỳ quan trọng, nhất là đối với an ninh của lục địa này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo