OPEC nhất trí cắt giảm khoảng 750.000 thùng dầu mỗi ngày
Thương vụ Việt Nam tại An-giê-ri cho biết, với chủ đề “Chuyển tiếp năng lượng thế giới: Vai trò cần phải được tăng cường thông qua đối thoại năng lượng”, Diễn đàn có sự tham dự của 54 quốc gia. Ngoài Bộ trưởng năng lượng của các nước thành viên Diễn đàn, còn có các cán bộ phụ trách, chuyên gia, công ty dầu khí và các tổ chức quốc tế như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Cơ quan Năng lượng quốc tế (AIE) và Diễn đàn các nước xuất khẩu gas (FPEG). Đoàn Việt Nam gồm ông Nguyễn Việt Hà, Đại biện lâm thời (dẫn đầu), ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria và ông Vũ Minh Đức, Tổng giám đốc Liên doanh dầu khí Việt Nam-Algeria đã tham dự sự kiện này.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Algeria ông Abdelmalek Sellal đã nhấn mạnh cần có sự nhất trí giữa các tác nhân chính trong lĩnh vực năng lượng nhằm “đi đến một sự thỏa thuận về các mức sản xuất để củng cố giá dầu một cách bền vững.” Thiếu điều đó, “thị trường sẽ bị rối loạn nghiêm trọng có thể làm cho ngành công nghiệp dầu lửa gặp nguy hiểm, kéo nền kinh tế thế giới vào một chu kỳ suy thoái lâu dài.” “Chưa bao giờ nhu cầu về đối thoại và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tác nhân năng lượng trong khu vực cũng như trên thế giới lại quan trọng đến như vậy.”
Ông cũng bảo đảm: “Algeria đấu tranh cho việc hình thành một giá dầu công bằng và hợp lý, cho phép vừa có thể đầu tư vào chuỗi năng lượng, vừa có lợi cho những nhà sản xuất, đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng cho người tiêu dùng và ổn định thị trường.” Thủ tướng cũng nhắc lại rằng quan điểm của Algeria đã được thể hiện bằng tất cả các nỗ lực của nước này trong những tuần qua nhằm làm cho quan điểm của các nước sản xuất dầu, đặc biệt là Ả rập Xê út và Iran xích lại gần nhau, tiến tới sự bình ổn về giá.
Tại Diễn đàn, hàng trăm đại biểu đại diện cho các nước sản xuất và các nước tiêu thụ đã tập trung thảo luận về những vấn đề năng lượng lớn như thị trường dầu lửa, thị trường khí và năng lượng tái tạo cũng như việc điều hành năng lượng.
Cụ thể, trong các phiên họp, các đại biểu đã xem xét viễn cảnh và thách thức của việc ổn định thị trường gas, khí tự nhiên, chuỗi khí hóa lỏng và việc tham gia vào cấu trúc thị trường, năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng, triển vọng và thách thức sau COP21, việc điều hành và đối thoại năng lượng, khả năng tiếp cận năng lượng bền vững-yếu tố chủ yếu để phát triển con người và vai trò của công nghệ trong việc tăng cường an ninh năng lượng.
Tuyên bố bế mạc Diễn đàn nhất trí khí hydrocacbua sẽ tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong hỗn hợp năng lượng trong thời gian dài nữa, đồng thời nhấn mạnh không để tình trạng hiện nay làm tổn hại đến việc chuyển tiếp năng lượng đang diễn ra.
Tuyên bố cũng giải thích giá năng lượng hiện nay không khuyến khích các nhà đầu tư tăng năng lực sản xuất, điều này là một mối nguy đối với việc bảo đảm cung ứng năng lượng lâu dài. Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Diễn đàn, Bộ trưởng Năng lượng nước chủ nhà Algeria, ông Noureddine Bouterfa đã chỉ rõ đầu tư thế giới trong lĩnh vực khí hydrocacbua năm 2016 đã giảm 50% so với năm 2015. Ông cũng cho biết thêm Algeria đã hoãn việc gọi thầu thứ năm về việc thăm dò và khai thác khí hydrocacbua do bối cảnh không thuận lợi. Theo ông, việc gọi thầu hiện tại sẽ đem lại những thiệt hại. Ngược lại, Algeria đã có các cuộc thảo luận với các công ty về những cơ hội thiết lập quan hệ đối tác vì việc thu hút đầu tư vào thời điểm này là rất khó khăn.
Các đại biểu cũng nhất trí Diễn đàn năng lượng quốc tế lần thứ 16 sẽ diễn ra tại Ấn Độ vào năm 2018. Đồng tham gia tổ chức còn có hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc.
Sau khi kết thúc Diễn đàn, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã có cuộc họp không chính thức vào chiều ngày 28/9/2016 tại Alger để tìm kiếm sự đồng thuận nhằm giúp bình ổn thị trường dầu lửa hiện đang liên tục lao dốc. Kết quả 14 nước thành viên đã nhất trí cắt giảm khoảng 750.000 thùng dầu mỗi ngày. Sau khi quyết định này được đưa ra, giá dầu thế giới đã tăng thêm 6%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước