Peter Chou: Cứu tinh hay người cản đường HTC?
Ở năm thứ 10 tại vị ghế Tổng Giám đốc HTC, Peter Chou được xem là kiến trúc sư làm nên những smartphone thành công của hãng. Nhưng nhiều người cũng cho rằng, ông đang là "chướng ngại vật" cản đường sự phát triển của HTC.
Trong hàng tá cựu lãnh đạo và lãnh đạo hiện thời của HTC được hãng tin Reuters phỏng vấn, nhiều người cho rằng chính phong cách lãnh đạo cũ kĩ và tầm nhìn chiến lược yếu của ông Chou đã khiến HTC thụt lùi, trái ngược hẳn với Apple và Samsung.
Trước công chúng, ông Chou từng khẳng định không có ý định từ chức. Những người được phỏng vấn tiết lộ một phần trong những yếu kém của HTC là không có người kế nhiệm trong nội bộ. Tuy nhiên, phản bác lại những thông tin từ Reuters, đại diện HTC khẳng định toàn thể nhân viên công ty đều hài lòng với sự lãnh đạo của ông Chou. “Gia đình HTC One – dòng sản phẩm nhận được tán dương từ báo chí và người tiêu dùng – là kết quả của tầm nhìn và tài lãnh đạo của Peter”.
Đôi mắt ám ảnh về sản phẩm
Sinh ra tại Myanmar song được nuôi dạy như một kĩ sư điện tại Đài Loan, Chou gia nhập HTC năm 1997. Đồng nghiệp mô tả ông là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo với đôi mắt luôn ám ảnh về vật liệu và thiết kế phần cứng. Nhân viên có thể xếp hàng dài nguyên mẫu điện thoại để ông kiểm tra và phê duyệt, săm soi từng góc cạnh và điểm nối. Điện thoại xếp thành từng chồng trên bàn, thậm chí tràn cả ra sàn phòng làm việc của ông.
Sự chú tâm tới từng chi tiết và thiện chí của Chou trong việc ra quyết định đã xây dựng được văn hóa mau chóng giải quyết nhu cầu thị trường bên trong HTC.
Ví dụ, trong cuộc họp nội bộ 2 năm trước, đội ngũ HTC nhận ra cần thêm thiết bị cho danh mục sản phẩm của mình. Ông Chou nhanh chóng vẽ lên bảng, phác thảo nét chính của một thiết bị, tầm giá và cả ngày ra mắt 3 tháng sau đó. Phần lớn nhà sản xuất cần tới 18 tháng cho dự án tương tự như vậy.
“Sở hữu năng lực lên kế hoạch và chốt: OK, đây là thứ mới mẻ và chúng ta phải hoàn thành nhanh. Đó chính là Peter”, một cựu giám đốc cấp cao người nước ngoài của HTC hồi tưởng.
Lối tiếp cận nhanh chóng tỏ ra hiệu quả vào thời điểm thị trường smartphone phát triển thần tốc. Rút ngắn giai đoạn ra mắt thị trường đồng nghĩa với HTC có thể thay đổi kế hoạch tới phút chót để tận dụng lợi thế của linh kiện mới hay rẻ hơn. Tuy nhiên, khi thị trường gần bão hòa, rất khó để khác biệt hóa sản phẩm so với đối thủ, cách tiếp cận này lại khiến HTC dễ bị tổn thương hơn. Theo lời một cựu quan chức, điểm yếu của HTC là họ không thực sự có chiến lược dài hạn, không có hướng đi rõ ràng.
Phong cách quản lí đi vào lối mòn
Chỉ 3 năm trước, HTC còn xuất xưởng tới 25 triệu smartphone mỗi năm. Ông Chou khi đó mời về nhiều giám đốc ngoại quốc từ Sony Ericsson, Apple, Motorola và Microsoft vì muốn cạnh tranh với Apple.
HTC được xướng tên “Nhà sản xuất thiết bị của năm” tại Hội nghị thế giới di động tháng 2/2011. Giá trị thị trường của hãng thậm chí còn vượt lên trên cả RIM (hiện là BlackBerry) và Nokia.
Song, vào thời Apple và Samsung cùng nhau chia sẻ ngôi vương, lượng xuất xưởng hàng năm của HTC chưa bao giờ đạt tới mốc 50 triệu máy. Cuối năm 2012, HTC rơi xuống vị trí thứ 10 trong số các hãng smartphone toàn cầu.
HTC One – “người hùng” của HTC – được ca ngợi khắp thế giới. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm chính ở khâu bán hàng.
Lãnh đạo HTC cho rằng sự thất bại trong doanh số One một phần là vì phong cách quản lí của ông Chou. Sau khi tuyển một loạt giám đốc nước ngoài, ông không giữ được lời hứa về một văn hóa cởi mở hơn và phân quyền hiệu quả hơn. Ông thường nhiếc móc những giám đốc và không chịu nghe quyết định của họ.
Bầu không khí như thế đã gây tổn hại tới tinh thần của mọi người, khiến các giám đốc cảm thấy bất an về vai trò của họ. Ông Chou vẫn để các giám đốc bán hàng, sản phẩm, tiếp thị, thiết kế hoạt động riêng lẻ. Trong một số trường hợp, các nhóm làm việc còn được lập ra song song chỉ để làm cùng một công việc. Ông không tổ chức cuộc họp lãnh đạo các phòng ban khác nhau để giải quyết vấn đề khi HTC gặp khó khăn.
HTC không thể thiếu Peter Chou
Sự khó khăn của ông Chou trong việc phát triển mẫu điện thoại toàn cầu và tạo ra hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ làm dấy lên câu hỏi về khả năng phục hồi của HTC dưới quyền của ông vào thời điểm mà doanh số điện thoại cao cấp đang chững lại.
Nhiều giám đốc ngoại quốc đã từ bỏ HTC. Những người cũ lại lên nắm quyền, chịu trách nhiệm tất cả mọi khâu từ thiết kế. Như vậy, cả nội bộ lẫn bên ngoài HTC đều có vấn đề.
Dù những căng thẳng về lãnh đạo có thể nhẹ bớt, cách tiếp cận kiểu địa phương không giúp được HTC trở thành thương hiệu toàn cầu. Những gì đang hoạt động tại Đài Loan khác hẳn so với các thị trường khác. Giám đốc tiếp thị Benjamin Ho biện hộ HTC luôn tập trung cho một số khu vực then chốt song không quên bản thân là công ty quốc tế.
Ông cũng cho rằng Tổng Giám đốc Chou vẫn là trái tim của công ty và thật khó tưởng tượng HTC có thể cho ra sản phẩm tuyệt vời nào nếu thiếu ông.
Trên con đường tìm lại vận may, HTC đã ra mắt vài mẫu điện thoại giá rẻ tại Trung Quốc và phiên bản One Mini nhỏ hơn, rẻ hơn. Hãng cố khôi phục lại mảng kinh doanh tại Mỹ bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với nhà mạng và lập ra nhóm làm việc mới. HTC còn kí hợp đồng với “người thép” Robert Downey Jr – ngôi sao đứng lên từ nhà giam và cai nghiện chất kích thích hơn thập kỉ trước – làm “nguồn cảm hứng”. Là một phần trong ngân sách tiếp thị gần 1 tỉ USD hàng năm của HTC, quảng cáo đầu tiên có sự góp mặt của Downey vừa xuất hiện tuần trước.
Theo ICTNews
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo