Xã hội

Phá dỡ đình cổ để bán gỗ sưa: Một nửa sự thật không phải là sự thật

Mấy ngày hôm nay tin tức về việc một số người trong Ban khánh tiết đình Cựu quán phá dỡ đình cổ lấy gỗ sưa đem bán làm xôn xao trên mạng. Phóng viên đã về tận nơi tìm hiểu và phát hiện thấy nhiều điều mà một số báo mạng đã đưa tin chưa chính xác.

Trước hết khẳng định việc bán gỗ sưa là có thật và những người có liên quan đã có tường trình với cơ quan chức năng. Cùng với sự đưa tin nhanh nhẹn của một số báo, sự việc đã được đẩy lên cao trào, nhưng qua điều tra của PV thì nhiều thông tin đã đi quá xa sự thật.

1. Phá dỡ mái đình cổ để bán gỗ sưa:

Hiện trạng của đình Cựu quán hiện vẫn còn nguyên vẹn gồm nhà thượng cung (Nơi để Khám thờ thành hoàng- đây là cung cấm, theo phong tục thì chỉ các cụ trong ban khánh tiết mới được ra vào nơi này, trong những ngày lễ chính thì cũng chỉ nam giới mới được vào nơi này) và nhà Đại bái (Nơi để người dân tiến hành các nghi lễ tôn giáo). Phần phá dỡ chính là bán mái nối giữa Thượng cung và nhà Đại bái. Đình Cựu quán có lịch sử lâu đời thờ Thành hoàng làng như bao ngôi đình khác ở làng quê Việt nam, nhưng đình hiện tại thì không phải là cổ mà nó đã được xây dựng lại từ năm 2000 và 2005.

 

     Bán mái đình Cựu quán (vị trí khoanh tròn) bị dỡ bỏ có 4 thanh gỗ sưa không phải là mái đình cổ

 Thượng cung được xây mới từ năm 2000, nhà Đại bái xây mới từ năm 2005. Khi xây mới Thượng cung và nhà Đại bái, những vật liệu gỗ cũ nát dùng làm củi đun cho thợ, những thứ còn tận dụng được đã được sử dụng để sửa chữa cho phần bán mái này, vì vậy những thanh gỗ sưa trên bán mái này có thể là từ mái đình cổ dột nát đã phá dỡ từ những năm trước mà không ai biết. Nay bán mái này đã dột nát, xuống cấp, Ban Khánh tiết của Đình đã thống nhất tu sửa lại và dỡ mái ra, trong số gỗ tháo ra có 4 thanh gỗ được coi là gỗ sưa. Việc nói phá dỡ đình cổ để bán gỗ sưa là việc “giật tít” quá mạnh của một số báo mạng.

2. Đã nhiều lần mất gỗ sưa và có hay không việc bán gỗ sưa để xây chùa:

Đã có lần mất gỗ sưa tại đình, theo tìm hiểu của phóng viên thì cũng chỉ là phát ngôn của một vài người dân trong thôn, chứ không phải là vụ việc có căn cứ xác đáng. Việc này chắc các cơ quan chức năng phải xác minh tiếp.

 

Chùa Cựu quán và các cụ trong Ban Hộ tự Thỉnh sư trong ngày đón Sư Thầy về trụ trì năm 1999

 Việc bán gỗ sưa để xây chùa thì qua tìm hiểu của phóng viên là không đúng. Cựu Quán là một làng quê thuần nông, Chùa Cựu quán (còn có tên là Chùa Nội An) cũng là ngôi chùa có lịch sử lâu đời. Trong những năm chiến tranh, chùa là kho chứa vũ khí, khí tài để phục vụ cho việc đánh trả sự phá hoại của đế quốc Mỹ. Khi hòa bình lập lại, chùa được dùng làm nơi chứa đạm của hợp tác xã phục vụ cho nông nghiệp. Thậm chí có thời gian còn làm lò giết mổ thực phẩm. Đồ thờ tự hầu như đơn sơ và chẳng còn nhiều, tượng Phật khi đó còn làm bằng đất và hư hỏng nhiều.

Đứng trước mong mỏi của bà  con trong thôn có nơi sinh hoạt tâm linh và có người dẫn dắt tu tập, năm 1999, được sự cho phép của Giáo hội Phật giáo Việt nam, các cụ cao niên trong làng mà cụ thể là ban Hộ tự, Thỉnh sư đã rước Thầy Thích Diệu Bản về trụ trì chùa. Từ đó dưới sự hướng dẫn của Thầy, sự đoàn kết, đóng góp công sức, tiền của của nhân dân trong thôn cũng như công đức thập phương, Chùa Cựu Quán đã có cơ sở khang trang như ngày hôm nay. Những khoản đóng góp lớn của các Phật tử, các Đạo tràng còn ghi dấu ấn trên các đồ thờ tự hoặc bia công đức tại chùa, xuất phát từ tâm của các phật tử khắp nơi trên thế giới.

Chùa Cựu quán ngày nay

Chùa được xây dựng lại từ năm 2000, những năm đó chưa ai biết gỗ sưa là gì, vì vậy nói rằng việc xây chùa Cựu Quán từ tiền bán gỗ sưa là hết sức hồ đồ. Hội Phật tử Chùa Cựu Quán được các cụ và Sư thầy tổ chức sinh hoạt rất nề nếp, qui củ, hàng ngày chăm lo, coi sóc bảo quản và hàng năm đều vận động tu bổ. Các cụ trong Hội vãi của Chùa cũng như nhân dân trong thôn rất cung kính và quí trọng Sư Thầy Thích Diệu Bản. Chùa Cựu Quán là ngôi chùa đầu tiên mà Thầy xây dựng kể từ khi xuất gia với bao tình cảm, tâm huyết và công sức. Có lẽ vì vậy mà Thầy đã quá cả nể và đứng ra mua số gỗ sưa và vường vào hệ lụy như báo chí đã nêu. Khi phóng viên đi tìm hiểu viết bài này đã gặp một số cụ vãi trong sân Chùa, các cụ cho biết rất buồn trước sự việc đã xảy ra và nghẹn ngào khóc "không ngờ lại chia tay Thầy như thế này, thật là có lỗi với Thầy quá" 

3.Có phải Sư Thầy bỏ trốn:

Trước thông tin Sư thầy Thích Diệu Bản bỏ trốn khỏi địa phương, Phóng viên đã tìm hiểu và may mắn được tiếp kiến thầy. Vẻ mỏi mệt nhưng vẫn toát lên sự bao dung, lòng nhân ái và sự điềm tĩnh. Thầy cho biết cũng cảm thấy phiền lòng vì một số báo giật tít, câu view nói thầy bỏ trốn. Sự thật là Thầy hàng ngày làm việc tại Học viện phật giáo trên Sóc Sơn, đây là nơi Thầy làm công tác của Giáo hội và có lương. Thầy cũng được Giáo hội giao nhiệm vụ quản lý (Trụ trì) một số chùa nữa, trong đó có Chùa Cựu Quán. Thầy về nhận Chùa Cựu Quán từ năm 1999, năm 2000 thì kiến thiết xây dựng lại chùa, sau đó Thầy lại cùng Phật tử xây dựng và tu bổ Chùa Bát Phúc. Từ năm 2006 Thầy đã không còn ở Chùa Cựu Quán nữa, nơi ở chính của Thầy là chùa Bát Phúc cách chùa Cựu Quán khoảng 1km, bên cạnh khu đô thị Tân tây Đô.

Với sự nhận thức của người tu hành Thầy mong muốn mọi người hãy bình tĩnh trước sự việc đã xảy ra. Những sai phạm sẽ có cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Các nhà báo cũng nên bỏ công sức để tìm hiểu ngọn nguồn cho đúng và Thầy cũng tin rằng Đức Phật sẽ phù hộ độ trì để mang lại sự bình yên cho làng quê này. Thầy cũng tin rằng Thành hoàng làng cũng thấu hiểu và che chở cho dân làng như bao đời nay.

Trước câu hỏi của Phóng viên về việc một vài thông tin giật gân của một số báo, Thầy chỉ nói ngắn gọn: "Kính Phật thì Trọng Tăng", điều này mọi Phật tử đều hiểu, Thầy chưa được trọng có nghĩa là Thầy còn phải phấn đấu tiếp. Nhiệm vụ của Thầy là giác ngộ Phật, Pháp cho chúng sinh, vì vậy có hơi phiền lòng nhưng không sao, Thầy hiểu đó là qui luật của cuộc sống.  

Thùy Dương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo