Pháp luật

Phá đường dây trộm xăng máy bay quy mô lớn

Ngày 29.1, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45), Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an, người trực tiếp chỉ huy đánh án, cho biết C45 vừa phá chuyên án trộm xăng máy bay quy mô lớn và bắt giữ 7 nghi can.

Các nghi can bị bắt giữ

 

Các nghi can bị bắt giữ để điều tra làm rõ về hành vi trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có gồm: Ngụy Như Thành (49 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), Lê Văn Hùng (34 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp), Đỗ Văn Hưng (31 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, cả 3 đều là nhân viên lái xe của Phòng Kỹ thuật thuộc Công ty CP hàng không Jetstar Pacific Airlines) và Trần Văn Sửu (42 tuổi, ngụ Q.7, chủ cơ sở pha chế xăng dầu trái phép ở Q.7), Huỳnh Đức Dũng (44 tuổi, ngụ Q.3, tài xế của Sửu), Vũ Thế Hưng (51 tuổi, ngụ Q.Tân Bình), Vũ Văn Dũng (47 tuổi, ngụ Q.12).

 

“Rút ruột” xăng máy bay

 

Theo thượng tá Lê Tiến Bình, Phó trưởng phòng 9, C45, cuối năm 2014, C45 đã phát hiện một đầu mối tiêu thụ số lượng lớn xăng Jet A1 (nhiên liệu động cơ phản lực - xăng máy bay) ở Q.7 (TP.HCM) và lần theo đầu mối xác định nguồn cung cấp xăng này từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Đầu tháng 1.2015, C45 xác lập chuyên án khám phá.

 

Qua điều tra, trinh sát đã phát hiện một số tài xế lái xe bồn cung cấp xăng cho máy bay của Jetstar Pacific Airlines tổ chức lấy trộm xăng. Theo quy định, máy bay đỗ qua đêm hoặc đỗ quá 6 giờ trước khi cất cánh đều phải được đội ngũ kỹ thuật tiến hành kiểm tra máy móc, thiết bị, xăng (hút một lượng ít xăng để kiểm tra) nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến bay. Tuy nhiên lợi dụng sơ hở của nhân viên kỹ thuật, Thành, Hùng, Văn Hưng đã hút trộm số lượng lớn xăng Jet A1 của hãng máy bay này trong thời gian khá dài. Sau khi hút trộm xăng, 3 người này đã sang chiết vào can nhựa loại 30 lít cất giấu tại một địa điểm bên trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó gọi điện thoại cho Sửu điều “lính” chạy xe tải đến chở về cơ sở pha chế xăng dầu trái phép (Q.7) để pha chế, tung ra thị trường tiêu thụ. 

 

Khoảng 13 giờ 30 ngày 28.1, C45 phối hợp với Cục Kỹ thuật nghiệp vụ 2, Cục Ngoại tuyến, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động của Bộ Công an và Công an TP.HCM bất ngờ ập vào kiểm tra cơ sở pha chế xăng dầu trái phép của Sửu ở số 206/6 Đào Trí, P.Phú Mỹ, Q.7 và phát hiện 1 bồn chứa khoảng 4.000 lít, 31 can loại 30 lít chứa xăng Jet A1 pha với dầu diesel DO; 5 can loại 30 lít chứa xăng Jet A1. Đến 16 giờ cùng ngày, một tổ công tác khác cũng đã kiểm tra một điểm tập kết xăng Jet A1 do tài xế xe bồn chở xăng cất giấu ở khu vực sân bay và thu giữ thêm 23 can loại 30 lít chứa xăng Jet A1.

 

Tự pha chế xăng dầu đưa đi tiêu thụ

 

Tại trụ sở công an, bước đầu, nhóm người này đã thừa nhận hành vi phạm tội. Một số nghi can khai nhận từ 2 - 3 năm nay đã tổ chức hút trộm từ 600 - 900 lít xăng Jet A1/ngày. Còn Sửu khai đã mua xăng Jet A1 từ các tài xế xe bồn chở xăng Jet A1 bán với giá 350.000 đồng/can loại 30 lít. Sau đó, Sửu mang về pha chế bằng cách lấy 50% xăng Jet A1 pha chế với 50% dầu diesel DO; cung cấp cho nhiều đầu nậu ở TP.HCM, Đồng Nai, Long An với giá 400.000 đồng/can loại 30 lít để bán cho các phương tiện đường bộ, đường thủy sử dụng. Điều đáng nói, cơ sở ở Q.7 của Sửu không trang bị bình chữa cháy.

 

“Đây là vụ trộm xăng máy bay quy mô lớn nhất so với nhiều năm trở lại đây bị triệt phá. Trong quá trình phá án, trinh sát gặp nhiều khó khăn do đối tượng trộm cắp là nhân viên của hãng hàng không, hành vi trộm cắp xảy ra bên trong khu vực sân bay nên rất khó tiếp cận... Tuy nhiên, do xăng máy bay bị trộm cắp mang ra ngoài tự pha chế không theo quy chuẩn gây ảnh hưởng đến máy móc phương tiện giao thông, nguy hại khác cho xã hội nên ban chuyên án quyết tâm phá án trong thời gian sớm nhất. Cơ sở pha chế xăng dầu trái phép này nằm gần khu dân cư nhưng không đảm bảo an toàn PCCC, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả khó lường. Hiện C45 đang khẩn trương mở rộng điều tra”, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết thêm.

 

Đại diện Jetstar Pacific Airlines cho biết hãng đang hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ sự vụ. Việc này không ảnh hưởng đến hoạt động an toàn khai thác của hãng.

 

 PGS-TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm công nghệ lọc hóa dầu, Phòng Thí nghiệm động cơ đốt trong, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết xăng máy bay Jet A1 thực ra là dầu dùng cho động cơ phản lực, được lấy từ phân đoạn hydro carbon nằm giữa xăng và diesel DO, có bổ sung một số chất phụ gia. Do không tương thích với động cơ diesel, nếu pha Jet A1 vào DO với tỷ lệ nhiều thì động cơ sẽ không nổ máy. Nếu pha với tỷ lệ ít thì sẽ làm cho DO nhẹ hơn, động cơ nổ máy nhưng nhiên liệu sẽ cháy không hết, vừa ảnh hưởng đến công suất và tuổi thọ của động cơ diesel, vừa gây ô nhiễm môi trường do khói thải ra nhiều hơn. Nếu đưa vào chạy động cơ xăng thì tệ hại hơn, cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ của động cơ và gây ô nhiễm môi trường. Về mặt cháy nổ thì nhiên liệu này không có khả năng gây ra cháy, nổ cho các động cơ nói trên khi sử dụng.

Theo Thanh Niên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo