Môi trường

Phá nát danh thắng Đà Lạt

Nhiều danh lam thắng cảnh cấp quốc gia ở Đà Lạt đang bị xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là tình trạng bị xâm lấn và ô nhiễm. Hồ Than Thở bị bức tử , ngựa cũng sợ nước thác Cam Ly và thung lũng Tình Yêu rỗng ruột .

Đó là ghi nhận trong báo cáo mới nhất của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lâm Đồng về tình hình quản lý, đầu tư và khai thác kinh doanh danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

 

Bức tử hồ Than Thở

 

Khu du lịch hồ Than Thở nằm cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 6km về phía đông, theo trục đường Quang Trung - Hồ Xuân Hương. Du khách có thể lặng lòng khi đọc những dòng miêu tả về hồ Than Thở trên website lamdong.gov.vn: “Cảnh vật quanh hồ nên thơ, mặt nước hồ luôn phẳng lặng trầm ngâm. Con đường đất ven hồ như mất hút xa xa. Tại đây dường như chỉ còn nghe vi vút tiếng gió nhẹ, tiếng thông reo như thở than, như nức nở”.

 

Đưa chúng tôi ra một bãi bồi của hồ Than Thở, chị Phan Thị Kim Dung - nhân viên quản lý, từng có thâm niên 10 năm công tác tại thắng cảnh này - nói một cách ngậm ngùi: “Bạn ơi, đó là chuyện của hơn 10 năm về trước!”. Trước mặt chúng tôi là một đầm nước xanh đục, lều bều rác và bốc mùi.

 

Nằm cạnh làng hoa Thái Phiên nổi tiếng nhưng khu du lịch này đáng lẽ phải được cộng thêm giá trị của làng hoa nổi tiếng, nhưng bây giờ nó nằm trong nỗi lo nơm nớp rằng có thể bị “nuốt” vào một ngày nào đó trong tương lai.



Chiều 26/5, vợ chồng tôi thuê xe đi một vòng Đà Lạt, và cảm giác đọng lại là một sự thất vọng tràn trề. Đà Lạt mộng mơ đã không còn nữa vì sự tàn phá của con người

Chị Huỳnh Thiên Nga (du khách từ TP. Hồ Chí Minh)

 

Nhân viên quản lý hồ trầm ngâm bảo: “Hồ Than Thở đang bị bao vây!”. Chúng tôi cũng đồng cảm với chị khi đứng tại nơi này và hít phải mùi hăng hắc của thuốc bảo vệ thực vật đang trùm lên từng ngõ ngách khu du lịch. Khu vực lòng hồ đang nổi lềnh bềnh những vỏ chai thuốc trừ sâu, hộp xốp đựng cây giống. Rác thải nông nghiệp còn tập trung thành đống ở những bãi bồi.

 

Chị Dung bảo nhiều khách du lịch hoàn toàn không hài lòng khi thấy những cảnh này. Mặc dù ban quản lý đã ra sức dọn dẹp mà không xuể, cứ sau một cơn mưa lớn là rác từ Thái Phiên đổ về theo nguồn nước với toàn vỏ chai thuốc. Không khí ở đây ô nhiễm một phần nhỏ do vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, nhưng phần căn nguyên hơn chính là từ quả đồi bạt ngàn nhà kính nằm cạnh hồ. Dư lượng phân, thuốc hóa học theo nước ngầm, nước mặt từ bao lâu nay tích tụ dần trong đất, trong nước... và đang từng ngày hủy hoại danh thắng này.

 

Từ 9ha khi được đưa vào khai thác, hiện nay hồ Than Thở chỉ còn 3ha. Có một nguyên nhân thuộc tự nhiên được xác định là do nước từ thượng nguồn đổ về mang theo một lượng đất gây bồi lắng. Nhưng sau cái “thiên tai” là “nhân tai”: sau bồi lắng, những người dân sống lân cận danh thắng đã lặng lẽ xác nhận chủ quyền trên những miếng đất màu mỡ bãi bồi này.

 

Năm 2005, khu du lịch đã đào một hồ lắng để hạn chế đất từ thượng nguồn đổ về, nhưng đến năm 2011 hồ lắng này trở nên quá tải, phải đầu tư 1 tỉ đồng nạo vét. Công ty TNHH Thùy Dương đã có kế hoạch tiếp tục nạo vét để trả lại lòng hồ như nguyên thủy nhưng lo ngại lâm vào cảnh “công dã tràng”.

 

Ông Lê Đình Thành, phó giám đốc Công ty TNHH Thùy Dương, cho biết: lượng đất đổ về từ thượng nguồn ngày càng nhiều, nhất là 2-3 năm trở lại đây là do rừng đầu nguồn bị chặt phá khiến xói mòn ngày càng dữ dội. Nhìn dòng nước đỏ ngầu kéo về trong những ngày mưa, ông Thành tặc lưỡi: “Nếu không có biện pháp khả thi, chuyện hồ Than Thở biến mất chỉ còn là chuyện nhanh hay chậm mà thôi”.

 

 

Hồ Than Thở bị ô nhiễm nên rất ít khách du lịch tham quan. Dịch vụ cho thuê thuyền vịt cũng ế khách ngay trong ngày cuối tuần (26-5) - Ảnh: Mai Vinh

 

Ngựa cũng sợ nước thác Cam Ly!

 

Những số liệu quan trắc mới nhất của Sở Tài nguyên - môi trường Lâm Đồng cho biết thác Cam Ly rơi vào tình trạng ô nhiễm hữu cơ và vi sinh với mức độ ngày càng nặng. Các thông số đánh giá mức độ ô nhiễm đều vượt chuẩn gấp nhiều lần, đáng quan tâm nhất là nguồn nước ở đây nhiễm phân gấp 16,5 lần quy định. Đây là lý do giải thích vì sao chưa vào khu du lịch đã “nghe” mùi của thác Cam Ly!

 

Hiện nay thác Cam Ly nằm trong số những khu du lịch có lượng khách tham quan thấp nhất Đà Lạt. Một cán bộ Sở Tài nguyên - môi trường Lâm Đồng không ngần ngại cho rằng với mức độ ô nhiễm nguồn nước như vậy, thác Cam Ly đã không còn đảm bảo để phục vụ du lịch.

 

Ông Nguyễn Hoàng Thiệu là một cư dân Đà Lạt hiện sống ở Hà Nội. Sáng 24/5, quay trở về thác Cam Ly, ông tần ngần lấy chiếc khăn tay che mũi, đau lòng nói: “Con thác này từng gắn với bao nhiêu kỷ niệm của đời tôi, giờ quay lại với mong muốn một hồi tưởng đẹp nhưng phải che mũi mình lại thì đó là điều làm tôi buồn bã nhất!”.

 

Phía đỉnh thác có xây một cây cầu để tiện cho du khách ngắm cảnh từ trên cao nhưng đa số du khách đi nhanh qua để tránh mùi hôi bốc lên, đặc biệt là vào ngày mùa nắng.

 

Chị Trần Thùy Dương, du khách TP. Hồ Chí Minh, tỏ ra tiếc khi đến thăm Cam Ly: “Bảo đi thác mà tôi toàn né mùi thác, gió thổi lồng lộng mà không dám hít. Tính cả thời gian tôi mua vé đến khi tôi ra xe về thì chỉ khoảng 15 phút”. Một người cho thuê ngựa trong khu du lịch này nói rằng họ không thể múc nước suối cho ngựa uống được nữa bởi đã nhiều lần ngựa bị đau bụng.


Nguy cơ lấn chiếm


Ngoài các khu du lịch hồ Than Thở, thác Cam Ly, thung lũng Tình Yêu, các danh thắng như ga xe lửa Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm, dinh Bảo Đại cũng đang bị người dân xâm hại. Ga xe lửa Đà Lạt có đường ray đi ngang qua khu vực phường 9, 10, 11 và bị người dân ở đây thường xuyên đổ nước, rác thải gây hư hại, đồng thời nguy hiểm cho du khách. Còn tại hồ Tuyền Lâm đang diễn ra nạn khai thác, đánh bắt cá trái phép. Nhiều danh thắng cũng bị người dân lấn chiếm: khu di tích dinh Bảo Đại bị lấn chiếm hơn 10ha, khu du lịch thác Prenn bị lấn chiếm 14ha, thác Cam Ly bị lấn chiếm hơn 34ha.

 

Ông Nguyễn Đức Nhuận, phó giám đốc khu du lịch thác Cam Ly, nói về con thác này với vẻ bất lực. Năm 2011, khu du lịch đầu tư 1,4 tỉ đồng dựng đập cao su điều tiết nước nhưng rốt cuộc lại trở thành đập chắn rác. Nước trước khi đổ về Cam Ly đã đi vòng vèo hơn 10km qua khu dân cư, mang theo một lượng lớn rác và nước thải sinh hoạt. Chỉ tính đoạn suối bắt đầu từ đập hồ Xuân Hương chảy về Cam Ly thì đã có hàng trăm miệng cống to nhỏ đổ nước thải ra đây.

 

Hằng ngày, lòng hồ dưới chân thác phải chịu trận với bao bì, xác động vật chết, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật... Ông Nhuận tính lượng rác vớt từ lòng hồ và đập cao su khoảng 6m3/ngày!

 

Thung lũng Tình Yêu rỗng ruột

 

Thung lũng Tình Yêu, một “thương hiệu” nổi tiếng, góp phần không nhỏ làm nên phần “hồn” cho phố núi Đà Lạt, được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận là danh thắng cấp quốc gia năm 1998. Hiện khu vực danh thắng này (tổng diện tích hơn 137ha) đang được một doanh nghiệp có cùng tên - Công ty CP du lịch Thung Lũng Tình Yêu - quản lý, khai thác kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch như tham quan, ngắm cảnh, giải khát, mua sắm hàng lưu niệm và vui chơi giải trí...

 

Vì là một thắng cảnh được khá nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích, chọn làm điểm đến trong các tour du lịch khi đến với phố núi, nên hằng năm khu du lịch này đón hàng trăm ngàn lượt khách, trong đó chỉ tính riêng năm 2011 khu du lịch thung lũng Tình Yêu đã đón trên 512.000 lượt du khách, với tổng doanh thu hơn 16 tỉ đồng.

 

Nhưng hiện nay danh thắng này đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng do tình trạng “thiếc tặc” khoét ruột thắng cảnh. Tháng 10/2011, mặc dù đơn vị quản lý cùng chủ rừng khi phát hiện “thiếc tặc” đào đường hầm có nhiều cửa ăn thông với nhau, dài hàng trăm mét, bên trong có đầy đủ điện, nước... hướng vào bãi thiếc nằm trong lòng danh thắng và đã báo cho cơ quan chức năng, thế nhưng sự việc không được chính quyền TP Đà Lạt giải quyết rốt ráo khiến danh thắng tiếp tục bị xâm hại.

 

Mới đây, cơ quan chức năng và đơn vị quản lý khu du lịch lại phát hiện thêm một cửa hầm mới nằm ngay trong khu du lịch nối thông với hệ thống đường hầm trong lòng thắng cảnh. Bên trong đường hầm còn phát hiện nhiều xe rùa cùng vật dụng đào đãi thiếc trái phép. Đó là chưa kể đường hầm này có nhiều ngõ ngách, các hầm thiếc bên trong như một ma trận.

 

Theo TT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo