Phá rừng để... bảo vệ rừng
Khai thác trắng hơn 6.700ha rừng thông
Ngày 16.12, một nguồn tin đáng tin cậy từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cho biết: Tỉnh này đang cần một nguồn vốn khá lớn để chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng từ nay đến 2020 là gần 7.178 tỉ đồng. Trong đó, ngoài các nguồn vốn của trung ương, vốn doanh nghiệp, vốn chi trả dịch vụ môi trường, vốn tín dụng thương mại và vốn ODA thì nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương chiếm phần rất đáng kể: 3.504 tỉ đồng (gần 50%). Điều đáng lưu ý là, vốn ngân sách địa phương này chủ yếu lấy từ nguồn bán gỗ khai thác tại chỗ.
Ở nội dung “khai thác rừng”, kế hoạch mà tỉnh đưa ra và nhận được “sự thống nhất cao” đó là, từ nay đến 2020, ngoài khai thác lâm sản ngoài gỗ (lồ ô, tre nứa... khối lượng 54.727 tấn và 13.432 tấn nhựa thông), khai thác gỗ tận thu (556.825m3) và khai thác gỗ rừng tự nhiên theo kế hoạch hằng năm (307.281m3) thì cùng với khai thác trắng rừng trồng với khối lượng 1.696.620m3, Lâm Đồng còn mạnh dạn đưa ra kế hoạch khai thác trắng rừng thông ba lá tự nhiên với diện tích lên đến 6.720ha (tương đương 1.173.107m3 gỗ).
Theo số liệu thống kê mới nhất, Lâm Đồng hiện có 598.192ha đất lâm nghiệp có rừng; trong đó, rừng tự nhiên chiếm 89% (532.598ha), còn lại là rừng trồng. Trong tổng diện tích 65.794ha rừng trồng (11%), rừng mới trồng ở giai đoạn 1 hiện có 7.688ha nên chưa được tính vào độ che phủ của rừng. Như vậy, tổng diện tích rừng được tính độ che phủ của Lâm Đồng là 590.504ha, tương đương độ che phủ 60,4%. Theo quy hoạch 3 loại rừng, Lâm Đồng hiện có 342.175ha rừng sản xuất, chiếm 57,13% diện tích đất lâm nghiệp, còn lại là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
Phép tính... thuyết phục
Cũng theo quy hoạch này, Lâm Đồng phấn đấu đưa độ che phủ của rừng từ 60,4% hiện nay lên 61% năm 2015 và 61,6% năm 2020. Cụ thể, đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ sử dụng đất lâm nghiệp theo hướng: Tăng diện tích rừng đặc dụng từ 83.674ha hiện nay lên 84.153ha (tăng từ 13,97% lên 14,2%); giảm diện tích rừng phòng hộ từ 173.148ha (28,9%) hiện nay xuống còn 172.800ha (29,2% - diện tích giảm nhưng tỉ lệ tăng) vào năm 2020; và cũng giảm diện tích rừng sản xuất từ 342.175ha (57,13%) hiện nay xuống còn 334.523ha (56,6%) năm 2020.
Điều quan trọng khác, nếu cân đối nguồn vốn thì tổng nguồn thu lâm nghiệp của Lâm Đồng đến năm 2020 sẽ vượt xa con số về nhu cầu vốn để đầu tư quản lý bảo vệ rừng: Gần 14.944 tỉ đồng so với 7.178 tỉ đồng. Trong tổng nguồn thu theo tính toán, ngoài các nguồn thu từ tỉa thưa nuôi dưỡng rừng trồng, khai thác gỗ tận dụng, lâm sản phụ, mủ caosu, dịch vụ môi trường rừng, nguồn thu từ các dự án và thu từ khai thác chính rừng tự nhiên thì hai nguồn thu đặc biệt quan trọng là nguồn thu từ khai thác trắng rừng thông tự nhiên là gần 3.031 tỉ đồng và thu từ khai thác trắng rừng trồng 2.982 tỉ đồng.
Như vậy, về lý thuyết mà nói thì theo cách tính này của tỉnh Lâm Đồng, lợi nhuận thu được từ dự án quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020 lên đến con số gần 7.766 tỉ đồng (sau khi đã trừ 7.178 tỉ đồng đã chi), trung bình mỗi năm thu được gần 777 tỉ đồng.
Về lý thuyết, việc chặt trắng 8.417ha rừng (trong đó có 6.720ha rừng thông ba lá tự nhiên) so với 598.192ha rừng hiện có sẽ là điều không quá... to tát, bởi tỉ lệ rừng được chặt trắng là khá nhỏ. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm đó là trong xu thế hiện nay, vẫn biết rằng việc đóng của rừng kiểu “kín bưng” hẳn chưa phải là hoàn toàn tích cực, nhưng kiểu “mở toang” như thế liệu có ngăn được những tiêu cực phát sinh như thực tế lâu nay?
Thạch Thảo (Theo LĐ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo