Môi trường

Phá rừng làm lan truyền nhanh chóng bệnh sốt rét tại châu Á

Các nhà nghiên cứu đang lo lắng trước tình trạng phát triển nhanh bệnh sốt rét do mức độ trầm trọng của nạn phá rừng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong khoảng thời gian từ 2000 tới 2012, tỉ lệ tử vong do sốt rét đã giảm 42%. Tuy nhiên, năm 2010 vẫn có trên 1,2 triệu người chết, con số này giảm xuống còn 627 nghìn người vào năm 2012. Phần lớn số nạn nhân là trẻ em tại khu vực châu Phi miền nam sa mạc Sahara.

Nghiên cứu công bố tại Tổ chức Y tế Nhiệt đới và Vệ sinh của Mỹ ngày 03/11 vừa qua. Theo đó, bệnh sốt rét ngày càng lan truyền nhanh tại khu vực Đông Nam Á. Theo nhận định của một nhà nghiên cứu, có nhiều khả năng loại ký sinh này đã lây từ người sang người. “Cứ 24 giờ, loài ký sinh gây bệnh nhiễm trùng này tái sinh sản trong máu. Còn nhanh hơn cả những gì quan sát được từ những loài ký sinh khác gây bệnh sốt rét. Chính vì thế, nó là một trong những loại ký sinh nguy hiểm nhất” ông cho biết.

Malaysia là nước có tỉ lệ bệnh sốt rét cao nhất, tại vùng Bornéo của nước này, một trong những vùng bị nặng nhất có đến 68% các ca lây nhiễm bắt nguồn từ một loại ký sinh có tên Plasmodium knowlesi, cho tới nay vẫn được coi chỉ lây lan giữa loài khỉ. Nguyên nhân khiến bệnh sốt rét lây lan nhanh tại Malaysia là do tình trạng phá rừng, từ năm 2000 đến 2012, quốc gia này mất 14% diện tích rừng, nhường chỗ cho các khu trồng cọ dầu. Bệnh sốt rét còn lây truyền nhanh hơn tại các khu vực ven rừng hoặc rừng bị phá và nơi có loài khỉ macao đuôi dài hay đuôi heo sinh sống.

Khoảng 95% bệnh nhân là người lớn, tỉ lệ rất lớn so với những loại ký sinh gây bệnh khác gây ra và muỗi là vật trung gian gây bệnh. Giải thích tại sao người lớn lại bị bệnh sốt rét nhiều hơn, nghiên cứu cho biết do loài muỗi không bay sâu vào khu vực dân cư, chúng thường đốt những người đi làm đồng hoặc thợ săn.

Bệnh sốt rét do loại ký sinh nguy hiểm Plasmodium knowlesi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1930 và ca đầu tiên tại Bornéo (Malaysia) vào năm 1965. Thế nhưng, ngay các nhà khoa học cũng còn có rất ít thông tin về loại ký sinh này, cũng như cách chúng lây lan. Chính vì thế, từ năm 2012, dự án “Monkey Bar” đã được triển khai để hiểu rõ hơn cách truyền bệnh tại hai nước Malaysia và Philippines. Mọi vận động của người và khỉ được theo dõi qua GPS. Còn tập tính của muỗi được nghiên cứu nhờ máy bay điều khiển từ xa ở độ cao từ 300 đến 400 mét. Nhờ đó mà các nhà nghiên cứu mới nhận ra được mức độ trầm trọng của tình trạng phá rừng.

Với hơn 2.000 bệnh nhân nhập viện vào năm 2013 tại Malaysia, bệnh sốt rét do loại ký sinh Plasmodium knowlesi khiến ít người nhiễm bệnh hơn so với bệnh sốt xuất huyết và ít gây tử vong hơn. Hiện nay, dịch bệnh đã được khoanh vùng tại Đông Nam Á nơi loài muỗi trung gian sống nhiều. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu đang lo lắng trước tình trạng phát triển nhanh của bệnh này.

PV/rfi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo