Phá sản ngân hàng: Có luật cũng không dễ "chết"!
Luật Phá sản mới được Quốc hội thông qua đã dành một chương quy định về thủ tục phá sản của tổ chức tín dụng (TCTD). Nhiều người kỳ vọng điều này sẽ thúc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cho phá sản đúng nghĩa một TCTD nào đó ở Việt Nam là điều không hề dễ dàng.
Nhìn lại quá khứ
Từ trước đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận việc một ngân hàng nào bị tòa tuyên bố phá sản. Vào những năm 1990 cũng đã có một đợt tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mạnh mẽ khi hệ thống tài chính gặp khó khăn. Rất nhiều ngân hàng bị sáp nhập, hợp nhất, giải thể và chuyển nhượng. Sau giai đoạn này số lượng ngân hàng thương mại giảm từ 51 xuống chỉ còn 39 vào năm 2001.
Năm 2008, hệ thống tài chính Việt Nam một lần nữa đối mặt với khủng hoảng. Không ít ngân hàng rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt. Nhiều vụ sáp nhập ngân hàng của Việt Nam vừa qua về danh nghĩa là theo tinh thần “tự nguyện” nhưng thực chất là cách duy nhất để cứu những ngân hàng này.
Đơn cử, việc Habubank sáp nhập SHB được xem là cách tốt nhất để cứu ngân hàng này khỏi sụp đổ. Báo cáo giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy vốn chủ sở hữu của Habubank chỉ còn hơn 195 tỉ đồng, trong khi báo cáo tài chính đã được kiểm toán 2011 vẫn ghi nhận vốn chủ sở hữu là 4.051 tỉ đồng. Habubank gần như mất hoàn toàn khả năng thanh toán. Trước đó, ba ngân hàng bị mất thanh khoản trầm trọng gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (FicomBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinnghiaBank) cũng đã hợp nhất để tránh sụp đổ. Ngoài hai thương vụ đình đám này thì cũng có một loạt những cuộc sáp nhập khác diễn ra gần đây.
Liệu ngân hàng Việt Nam có thể thực sự phá sản?
Luật Phá sản sửa đổi năm 2014 đã dành ra một chương quy định về thủ tục phá sản TCTD. Trước đó, dù không có những quy định dành riêng cho TCTD nhưng Luật Phá sản năm 2004 cũng đã bao trùm những quy định việc phá sản của TCTD. Tiếp theo, Nghị định số 05/2010/NĐ-CP ban hành ngày 18-1-2010 hướng dẫn Luật Phá sản 2004 quy định chi tiết thủ tục phá sản TCTD. Như vậy, có thể xem hành lang pháp lý cho việc phá sản ngân hàng cũng đã có từ trước.
Tuy nhiên, từ quy định của pháp luật đến thực thi trên thực tế thường là một khoảng cách rất lớn. Luật Phá sản sau 10 năm chính thức ra đời nhưng số vụ phá sản mà tòa tuyên bố chỉ có 83 trường hợp trong số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng năm 2013 đã có tới 60.737 doanh nghiệp dừng hoạt động. Như vậy, trong 10 năm qua đã có tới hàng trăm ngàn doanh nghiệp về thực chất đã phá sản nhưng số vụ phá sản được tòa tuyên chưa đến 1%. Nguyên nhân, không chỉ do sự hạn chế của hệ thống pháp luật mà còn do sự yếu kém của việc thực thi.
Trong khi đó, so với doanh nghiệp bình thường thì việc phá sản của ngân hàng phức tạp và mức độ ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều. Ngoài ra, thủ tục phá sản, định giá, thanh lý tài sản có thể phức tạp vượt khả năng kiểm soát và kinh nghiệm xử lý của cơ quan quản lý của Việt Nam hiện nay. Do vậy, việc thực thi các thủ tục và xử lý phá sản ngân hàng ở Việt Nam không hề dễ dàng.
Một nguyên nhân nữa khiến cho việc phá sản ngân hàng ở Việt Nam khó diễn ra là sự mập mờ, kém minh bạch. Nếu như số liệu nợ xấu vào khoảng 15% như dự đoán của một số tổ chức nước ngoài thì trên thực tế nhiều tổ chức tín dụng đã âm vốn chủ sở hữu và đã phá sản về mặt kỹ thuật. Trong khi đó, theo số liệu báo cáo của các TCTD, thì nợ xấu hiện nay chưa đến 4%, tức là vẫn an toàn.
Quyền lợi các nhóm lợi ích đan xen và sự thiếu quyết liệt của NHNN đã khiến cho “sức khỏe” thực sự của hệ thống ngân hàng vẫn nằm trong “hộp đen” và chỉ lộ diện khi nào mà NHNN công bố “báo cáo giám sát đặc biệt”. Do đó, không có mấy sức ép để phá sản tái cấu trúc theo cơ chế thị trường đúng nghĩa.
Như vậy, việc phá sản ngân hàng ở Việt Nam là một điều gần như không thể xảy ra. Những ngân hàng yếu kém sẽ tiếp tục được xử lý bằng cách sáp nhập, hợp nhất hoặc tự tái cấu trúc. Tuy nhiên, quá trình này cũng sẽ diễn ra một cách chậm chạp.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo