Phải cứu sông Mê Kông!
Tổ chức Sông ngòi quốc tế cho rằng Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) quyết định vận mạng của thủy điện Don Sahong nên tổ chức này phải có trách nhiệm cứu sông Mê Kông
Ngày 28-1, MRC sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt tại Vientiane - Lào để tổng kết quá trình tham vấn trước đối với dự án thủy điện Don Sahong.
Hạn chế thời gian nghiên cứu
Tại cuộc họp này, đại diện chính phủ 4 nước thành viên là Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan sẽ trình bày kết quả quá trình tham vấn trước được thực hiện tại mỗi nước và quan điểm đối với dự án thủy điện gây nhiều tranh cãi này.
Trước đó, chính phủ các nước đã lên tiếng quan ngại về thời gian nghiên cứu quá hạn chế trong khi dự án có nhiều tác động xuyên biên giới. Do vậy, các nước đều đề nghị có thêm thời gian nghiên cứu tác động của dự án đến mỗi nước thành viên. Theo tinh thần của Hiệp định Mê Kông 1995, Lào phải làm rõ những quan ngại này nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của các nước thành viên trong quá trình thực hiện dự án.
Bà Ame Trandem, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Tổ chức Sông ngòi quốc tế, nhấn mạnh: “Tương lai sông Mê Kông phụ thuộc vào quyết định của MRC và các nước thành viên trong cuộc họp quan trọng này. Các nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam cần đề cập rằng dự án phải được kiểm soát chặt chẽ ngay lập tức và nghiên cứu đầy đủ các tác động.
Bên cạnh đó, cũng cần tiến thêm một bước quan trọng nữa là đề cập hàng loạt vấn đề có tính chất phán quyết của lịch sử sẽ xảy ra một khi đã quyết định xây hay không xây con đập. Dự án thủy điện Don Sahong chỉ có thể tiếp tục nếu được sự đồng thuận của người dân 4 nước”.
Tổ chức Sông ngòi quốc tế cho rằng MRC quyết định vận mạng của thủy điện Don Sahong nên phải có trách nhiệm cứu sông Mê Kông.
Yêu cầu giữ nguyên hiện trạng
Dư luận quốc tế cho rằng việc Lào chấp nhận tiến hành tham vấn trước đối với dự án thủy điện Don Sahong không có ý nghĩa thực sự mà chỉ là cách để xoa dịu thái độ của người dân các nước thành viên. Bởi lẽ, trong thời gian 6 tháng tham vấn trước, những thủ tục và hoạt động liên quan đến dự án vẫn được tiếp diễn.
Tuy nhiên, theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Phát triển xanh - một trong những đơn vị đồng hành tổ chức tham vấn cộng đồng cùng Ủy ban Mê Kông Việt Nam, quá trình tham vấn này rất có ý nghĩa với Việt Nam. Thứ nhất, đây là một quy trình để các nước có ý kiến và các bên liên quan được tham gia, nếu Việt Nam làm tốt hoạt động tham vấn thì sẽ là cơ hội pháp lý được thừa nhận bởi các quốc gia thành viên. Thông qua quá trình này, Ủy ban Mê Kông Việt Nam đã có tiếng nói khoa học và chỉ ra những lỗ hổng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án về đường di cư của cá, các giải pháp giảm thiểu chưa minh chứng được có khả thi hay không...
Thứ hai, quyết định đối với dự án này tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm việc tuân thủ cam kết chung giữa các chính phủ, vấn đề lợi ích quốc gia, quyết tâm chính trị... Trong đó, áp lực từ dư luận và cộng đồng là một yếu tố quan trọng.
“Không thể tách riêng dự án thủy điện Don Sahong hay bất cứ con đập đơn lẻ nào mà phải xem xét tất cả các tác động tích lũy của chuỗi 12 đập đã và dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành dự án nghiên cứu tổng thể về tác động của các đập thủy điện đối với ĐBSCL, dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ có kết quả chính thức. Trong thời gian này, Việt Nam cùng đồng lòng với Campuchia và Thái Lan yêu cầu Lào giữ nguyên hiện trạng” - bà Khanh nói.
Thái Lan phản đốiTờ Bangkok Post cho biết tại buổi tham vấn cộng đồng ở thủ đô Bangkok - Thái Lan mới đây, Cục trưởng Cục Tài nguyên nước, ông Chatuporn Buruspat, khẳng định sẽ phản đối dự án thủy điện Don Sahong vì lợi ích của người Thái.Theo một số nguồn tin, chính phủ Lào cũng đang kêu gọi đầu tư đối với dự án thủy điện Pak Beng, dự án thứ 3 trên dòng chính sông Mê Kông.
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo