Pháp luật

Phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo thực phẩm

Đây là một trong nhiều nội dung được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, đang được Bộ Công Thương phổ biến tại khu vực phía Nam.

(VOV) Hôm nay (12/7), Bộ Công Thương tổ chức hội thảo phổ biến pháp luật về An toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng khu vực phía Nam, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là chương trình nằm trong kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật năm 2013 của Bộ Công Thương tổ chức trên toàn quốc.


Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011, thay thế Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 với nhiều quy định mới. Theo đó, Luật quy định trách nhiệm trước tiên về an toàn đối với thực phẩm do cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Điều kiện an toàn thực phẩm là một trong những nội dung quan trọng nhất của Luật. Các loại thực phẩm phải đáp ứng điều kiện an toàn cơ sở sản xuất, kinh doanh và điều kiện về tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm. Điều kiện an toàn phải được cấp giấy chứng nhận. Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.

Luật An toàn thực phẩm cũng phân công rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của 3 Bộ: Y tế, Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong đó, Bộ Y tế có trách nhiệm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quản lý an toàn thực phẩm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ;

Bộ Công Thương quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối; quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối.

Đặc biệt, Luật cũng quy định nghĩa vụ phải thực hiện đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo trước khi quảng cáo thực phẩm. Việc đăng ký quảng cáo sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ nào thì thực hiện theo quy định của Bộ đó.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mặc dù không có quy định riêng về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, từ các quy định chung về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trong kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các quy định về ghi nhãn, niêm yết giá, cảnh báo nguy cơ mất an toàn đến sức khỏe của con người.

Theo đó, Luật An toàn thực phẩm và Nghị định quy định chi tiết có quy định cụ thể về việc ghi nhãn thực phẩm, theo đó phải ghi đúng bản chất sản phẩm và ghi rõ thời hạn sử dụng và các thông tin cần thiết tùy vào loại thực phẩm hay thực phẩm chức năng.

Ngoài ra, Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định trách nhiệm của các Ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại định kỳ sáu (06) tháng một lần thông báo, phối hợp với các cơ quan chức năng về thương mại, quản lý thị trường, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng trong việc kiểm soát chất lượng, số lượng, nguồn gốc, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại.../.
 
 
Xuân Thân
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo