Thị trường

Phải kiểm soát chặt nâng trần bội chi

Trước tình hình hụt thu ngân sách, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội về việc tăng bội chi, theo đó nâng mức bội chi từ 4,8 lên 5,3% GDP. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cho rằng, nếu thông qua đề nghị nới trần bội chi của Chính phủ thì Quốc hội cũng phải kiểm soát được số tiền ấy dùng cụ thể vào các dự án nào, hiệu quả ra sao, và phải gắn trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc sử dụng vốn ngân sách.

Tăng bội chi đi kèm với kiểm soát chặt chẽ số tiền bội chi, nhất là tại các công trình hạ tầng lớn.

TS. Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, nếu Quốc hội đồng ý nâng trần bội chi thì phải quan tâm hai điều kiện: Thứ nhất, kiểm soát chặt chẽ phần chi này, trong đó ưu tiên một số công trình mà Chính phủ đã nêu như mở rộng Quốc lộ 1A; Quốc lộ 14 đang xuống cấp quá nghiêm trọng. Thứ hai, nếu từ năm 2015, khi nền kinh tế hấp thụ được tín dụng và có thể huy động được nhiều nguồn lực khác thì phải giảm bội chi ngân sách xuống. Nghĩa là có nâng và có cắt trên cơ sở vận động của nền kinh tế.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan băn khoăn: Chính phủ thực sự cần xem xét lại, năm 2013 bội chi phải tăng do chi thường xuyên chiếm tỷ lệ quá cao, kêu là hụt về đầu tư nên phải nâng trần bội chi ngân sách để có tiền đầu tư.

Nếu cứ như năm nay thì sẽ tạo ra tiền lệ, mỗi năm lại xin thêm bội chi ngân sách. Nguyên tắc về ngân sách sách là phân bổ 2 phần chính, một là chi thường xuyên, một cho đầu tư. Khi chi quá nhiều cho một mục, thiếu hụt mục còn lại, và lại đòi bổ sung tiền cho mục bị thiếu đó là chuyện không thể được. Bội chi ngân sách tóm lại là gánh nặng đổ đầu người dân, là đóng thuế chứ không thể là việc gì khác.

“Chính phủ đề xuất nhưng Quốc hội phải giám sát thật chặt, tôi cho rằng năm nay Quốc hội đã phần nào buông lỏng giám sát của mình, đẩy mức chi thường xuyên lên đến hơn 70% là không thể chấp nhận được. Nếu cứ lâu dài, bộ máy cứ phình ra, Nhà nước cứ việc chi tiêu thật nhiều, rồi gánh nặng đổ đầu người dân thì e là không thể tiếp tục mãi được” – bà Lan nhấn mạnh.

Đưa ra ý kiến xung quanh vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2014 cần phải nâng trần bội chi ngân sách lên mức 5,8%.

“Sở dĩ vậy để Chính phủ có phương tiện cân bằng ngân sách. Còn vấn đề tiền lấy ở đâu để bù, vay mượn ở đâu thì thực ra trong 1 quốc gia, Chính phủ có một quyền lực cung tiền vô hạn, có thể phát hành trái phiếu, sau đó bán ra và ngân hàng trung ương đẩy một lượng tiền vào tiêu. Về nợ công, dự đoán khoảng cuối năm nay ở mức 54%, vẫn còn room (trần nợ công cho phép là 65% GDP), nhưng theo tôi, kiểm soát nợ công qua tỷ lệ của GDP là không ổn bởi GDP ngày càng phình ra. Chúng ta phải khống chế, phải hãm mức con số tuyệt đối về trần nợ công” – TS Hiếu nhận định.

Bội chi ngân sách là bắt buộc, khi thu không đủ, chi phí ngày càng tăng lên, thì bội chi là hiển nhiên. Nếu tăng thu, giảm chi không được thì không còn cách nào khác là Chính phủ tự cho vay hoặc vay nước ngoài.

Còn dưới góc nhìn của mình, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng tăng bội chi cũng đồng nghĩa với tăng nợ công, nếu không sử dụng hiệu quả sẽ để lại gánh nặng trả nợ cho các thế hệ sau. Bấy lâu nay chúng ta quen bao cấp….động vấn đề là cầu cứu, đề xuất tăng bội chi.

Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, kích thích tăng trưởng thông qua đầu tư công có tác dụng rất hạn chế vì hiệu quả đầu tư công của Việt Nam thấp. Khi Chính phủ rót tiền vào đầu tư xây dựng cơ bản có thể tạo ra sức tiêu thụ hàng hóa và tạo việc làm cho ngành vật liệu xây dựng nhưng đây cũng là lĩnh vực thất thoát, lãng phí chưa thể đo đếm được. Nguồn nhận đầu tư khác từ Chính phủ là doanh nghiệp nhà nước cũng là khu vực kinh tế làm ăn hiệu quả thấp hơn so với khu vực khác.

Một số chuyên gia kinh tế khác cho rằng nới trần bội chi chỉ là giải pháp tạm thời giúp nền kinh tế tạm vượt qua khó khăn trước mắt. Khi không còn “thuốc kích thích”, tình trạng yếu kém sẽ tiếp tục bộc lộ. Bài học này đã được rút ra từ gói kích cầu 1 tỉ USD năm 2009. Thay vào đó, cần giảm mạnh các khoản chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.

Giải pháp đi kèm với tăng bội chi là phải kiểm soát chặt chẽ số tiền bội chi, nhất là tại các công trình hạ tầng lớn. Khi nền kinh tế hấp thu được tín dụng thì phải giảm ngay bội chi, đồng thời rà soát lại toàn bộ nguồn lực nhà nước đang nắm giữ, thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước không cần giữ vai trò chi phối để tạo nguồn lực mới, giảm áp lực bội chi ngân sách.

Tham luận về vấn đề này tại Quốc hội, đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) cho rằng: Chưa có kỳ họp nào Quốc hội buộc phải đưa ra quyết định về nới bội chi, tăng một lượng rất lớn phát hành trái phiếu Chính phủ, trong bối cảnh lần đầu tiên ngân sách hụt dự toán đến 63.000 tỷ đồng. Đây là quyết định rất khó khăn nhưng lại càng nan giải hơn khi báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá hết mức độ “ốm yếu” của nền kinh tế.
Đoàn Huế (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo