Phải xử lý yếu kém của cả NH quốc doanh, NH nước ngoài
Tái cơ cấu ngân hàng phải được giải quyết đồng bộ và phải gắn với mục tiêu tái cơ cấu chung của nền kinh tế...
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình trao đổi với chúng tôi về việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH) hiện nay.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém hiện nay?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Nói chung, việc xử lý các ngân hàng yếu kém đã cơ bản rồi, về mặt sáp nhập, cho tham gia cổ phần, xử lý tài sản, xử lý nhân sự, tạo nên những yếu tố mới đã bắt đầu làm được rồi. Bây giờ chỉ có hai việc nữa: Tiếp tục giải quyết các tồn tại, như việc sáp nhập ngân hàng mạnh với ngân hàng yếu, sáp nhập để cho khỏi đỗ vỡ là tốt nhưng giờ phải giải quyết được tồn tại, như nợ xấu, các tồn tại cũ thì giải quyết thế nào, lộ trình ra sao, bản thân ngân hàng đó giải quyết như thế nào. Các ngân hàng khác hỗ trợ thế nào và NHNN chi viện cái gì.
Thứ hai, các ngân hàng này phải xây dựng chiến lược kinh doanh mới, khắc phục những tồn tại cũ và đảm bảo được những yếu tố, chiến lược mà ngân hàng đó thấy phải sửa chữa để nâng chất lượng lên.
PV: Thời gian qua, việc tái cơ cấu, sáp nhập dường như chưa có động tĩnh gì ở những NH có vốn của Nhà nước. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Hệ thống các ngân hàng yếu kém này không phải độc lập mà cần có sự đổi mới, cải cách, sắp xếp lại toàn bộ thì mới đảm bảo được yếu tố cạnh tranh lành mạnh và mới có tính bền vững. Các NH quốc doanh, các NH nước ngoài cũng phải được xử lý những yếu kém vì ngân hàng mang tính hệ thống rất cao, chỉ cần một chỗ tắc lại hoặc một chỗ nào đó bị chi phối thì sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống. Vậy nên phải có một sự giải quyết đồng bộ nữa và phải gắn với mục tiêu tái cơ cấu chung của nền kinh tế, ví dụ như với bất động sản, thị trường chứng khoán, bảo hiểm… Hay như việc nới room để cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia… tất cả phải làm đồng bộ thì việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng mới có kết quả và hiệu quả mới vững chắc. Nếu không, làm được cái này nhưng khi có yếu tố tác động không cùng chiều lại bị tụt xuống.
PV: Hiện tại, một loạt các ngân hàng xin mở phòng giao dịch, chi nhánh và đã được NHNN chấp thuận. Nhiều người lo rằng, NH lại mọc lên “như nấm sau mưa” và chúng ta lại đi vào vết xe đổ của mấy năm trước. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Sự phát triển các phòng giao dịch, thêm các chi nhánh là sự sắp xếp lại. Nếu để phòng giao dịch thì những yếu tố đảm bảo cho hoạt động có thể không an toàn hoặc những tiêu chuẩn quản lý, kiểm soát không đầy đủ. Đây không phải cho mở rộng mà là sắp xếp lại. Anh nào đủ tiêu chuẩn thì sắp xếp lại cho có sự phân bổ hợp lý hơn để có một khả năng cạnh tranh lành mạnh hơn, đảm bảo yếu tố an toàn hơn.
PV: Nhiều đại biểu đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ so với 6 tháng đầu năm đã có đột phá hơn nhiều. Ông có chung nhận xét này?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Một số ngành qua kiểm điểm nhiều năm đã tập trung vào những điểm bức xúc, những vấn đề nổi lên để sửa chữa, giải quyết, trong đó có hệ thống ngân hàng. Về chính sách cũng có sự đổi mới theo nguyên tắc của thị trường, đi theo hướng của nền kinh tế như nông nghiệp nông thôn, DNNVV, quản lý chất lượng tín dụng, …Hay là những vấn đề bức xúc nhất là vấn đề quản lý vàng, ngoại tệ, chống đô la hóa, vàng hóa cũng đã đi vào những điểm cơ bản. Quan trọng nhất là những giải pháp này đã đi vào vấn đề bức xúc của nền kinh tế và bám sát hướng chỉ đạo của Chính phủ và của Quốc hội. Điều quan trọng là những giải quyết này đi theo hướng thị trường, hướng tới việc kiến tạo một nền kinh tế phát triển bền vững. Đây là một điểm mới của hoạt động chính sách tiền tệ, qua đó hy vọng sẽ tạo cho chúng ta một hướng phát triển đúng mức, hội nhập sâu hơn với thế giới và đảm bảo những yếu tố bền vững.
PV: Đến thời điểm này, nếu đưa ra một nhận xét về hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông sẽ nói gì?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Hệ thống ngân hàng Việt Nam trong nhiều thời kỳ cũng đã có những đột phá, đi đầu, có những tác động lôi cuốn nền kinh tế. Tất nhiên, trong quá trình kinh doanh thì có một số lĩnh vực, một số ngân hàng quản lý không tốt ảnh hưởng tới tính bền vững của hệ thống, sức khỏe đi xuống. Và chúng ta phải có những sắp xếp cụ thể như tôi đề cập. So với thế giới, với khu vực, chúng ta đang dần dần tiếp cận, dần dần hội nhập nhưng vẫn còn có khoảng cách, kể cả nhân sự, nghiệp vụ phục vụ cũng như cách quản lý.
PV: Trở lại với việc bơm tín dụng, vốn vào nền kinh tế. Theo ông, cần có sự phân bổ như thế nào cho hợp lý?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Việc phân bổ lại vốn, bây giờ chưa có đề án mà chúng ta mới đang thực hiện theo Nghị định của Chính phủ, hay cải tiến hệ thống ngân hàng cũng chỉ mới tập trung vào những ngân hàng yếu kém. Còn những vực khác của hệ thống ngân hàng thì chúng ta chưa làm được.
Hay lĩnh vực sắp xếp lại doanh nghiệp, vừa qua chúng ta định tập trung vào các DNNN và các tập đoàn. Thế nhưng, với các tập đoàn bây giờ Chính phủ mới duyệt từng đề án một hoặc chúng ta mới làm được vài cái ban đầu mà cũng đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Tất cả những chậm trễ là bởi lý do: đề án, cơ chế, chính sách điều kiện, yếu tố để chúng ta đảm bảo cho tiến trình này chưa được đồng bộ, chưa phối hợp nhịp nhàng với nhau. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chúng ta cũng phải tính đến yếu tố vật chất, cơ sở để thực hiện một cách đồng bộ và mạnh mẽ.
Ví dụ như bây giờ, chúng ta muốn sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp, ngân hàng đòi hỏi phải có chi phí, có một sự tổn thất, một sự chi tiêu mà những cái này chúng ta không thể làm mà không có những yếu tố này. Nếu không có những yếu tố này thì quá trình làm sẽ chậm trễ. Và những đề án cụ thể mà không có sự kết hợp đồng bộ thì việc thực hiện sẽ rời rạc, được chố này mất chỗ khác. Tất cả các hệ thống sắp xếp, cơ cấu lại có sự hỗ trợ lẫn nhau, nếu chúng ta sắp xếp lại ngân hàng mà không cùng đồng thời sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp thì sẽ rất khó thực hiện. Hay chúng ta sắp xếp ngân hàng, doanh nghiệp nhưng phân bổ vốn không rõ ràng, không có thay đổi cơ bản sẽ không tạo động lực, tạo sự kết quả có tính chất đồng chiều. Đó là những tồn tại, thiếu xót mà chúng ta đang phải trực tiếp cải cách trong cơ cấu lại nền kinh tế.
PV: Vậy theo ông, để việc sắp xếp lại DN, hệ thống NH hiệu quả thì cần tiến hành những công việc cụ thể nào?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi có 3 điều cần phải làm theo thứ tự. Thứ nhất chúng ta phải hoàn chỉnh các hệ thống, đề tài, chương trình cơ cấu lại tổng thể cũng như các chi tiết phải đồng bộ với nhau và phải có sự phối hợp.
Thứ hai, sau khi có đề án rồi, chúng ta phải có những thể chế, quy định kể cả về việc giải quyết lao động, tài sản, những thất thoát, chi phí tăng lên.
Thứ ba là phải đào tạo một hệ thống nhân lực. Ví dụ như muốn sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp, nhưng những con người đó không được đào tạo, không được trang bị những nhận thức mới, cách làm mới mà thực hiện theo phương thức cũ thì chắc chắn chúng ta sẽ gặp khó khăn.
Đây là những việc cụ thể mà chúng ta phải làm ngay , làm đồng thời và cũng phải làm có hiệu quả mới hy vọng đạt được những yêu cầu đặt ra, để nhiệm vụ cơ cấu nền kinh tế tiến triển từng bước có kết quả.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo VOV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động
Cột tin quảng cáo