Pháp luật

Phạm Công Danh "chối bỏ" việc chỉ đạo rút ngàn tỷ của khách hàng

(DNVN) - Tại phiên xét xử sáng nay 1/8, Phạm Công Danh đã kiên quyết không nhận đã chỉ đạo cấp dưới rút tiền mà các cán bộ ngân hàng tự rút tiền.

Ngày 1/8, TAND TP. HCM tiếp tục tuần thứ 3 xét xử vụ án Phạm Công Danh (51 tuổi), Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh cùng 35 đồng phạm trong  vụ án thất thoát 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), theo tin tức từ báo Tuổi Trẻ.

Cung theo báo này, tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã xét hỏi Phạm Công Danh liên quan đến quan hệ vay mượn của bị cáo này với nhóm bà Trần Ngọc Bích.

Bị cáo Danh khai, giữa bị cáo và nhóm Phạm Ngọc Bích đã có quan hệ từ rất lâu, thông qua một người cộng tác của Danh đó là Phạm Thị Trang (Trang phố núi, hiện đã xuất cảnh). Khi đó, ngân hàng cần huy động vốn để duy trì thanh khoản của ngân hàng nên đã vay tiền của nhóm Trần Ngọc Bích.

Và việc vay tiền này đã được thực hiện từ lâu với số tiền vay lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng chứ không phải chỉ gần 6.000 tỷ thể hiện trong 124 sổ tiết kiệm.

Các bị cáo tại tòa sáng 1/8. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Bị cáo Danh cũng nói ngoài việc trả lãi suất theo quy định của ngân hàng thì ngân hàng phải trả tiền cho nhóm bà Bích với lãi suất lên đến 4%, việc trả lãi suất do nhóm các cán bộ tín dụng thực hiện chứ không phải do Danh thực hiện.

Cũng đưa thông tin về phiên xử, báo Viettimes đưa tin, cũng theo ông Danh, vụ rút 5.490 tỉ đồng không có chữ ký của nhóm bà Trần Ngọc Bích, bà Trang thỏa thuận, thống nhất với bà Bích việc cầm cố sổ tiết kiệm, điều chuyển dòng tiền vào các tài khoản do Trang chỉ định. Đến hạn trả nợ, bà Bích thống nhất với bà Trang chuyển trả tiền vào tài khoản do bà Bích chỉ định.

Lời khai này khá thống nhất với lời khai của bà Bích trong các ngày xét xử trước đó. Cụ thể, bà Bích khai không có mối quan hệ tín dụng với ông Danh, chỉ có quan hệ vay mượn tiền với bà Trang Phố Núi.

Đáng lưu ý, giải thích về việc phải trả lãi ngoài khi huy động, ông Danh khai rõ: "Tôi khẳng định 3-4%/tháng chứ không phải là năm". Lý do huy động lãi ngoài, trong các ngày trước, ông Danh cho rằng…bị lừa. Vì khi nhận chuyển nhượng và nhận chức tại VNCB, ông Danh mới biết tình hình tài chính ngân hàng đã quá be bét.

Trong khi đó tài sản nhóm Phú Mỹ (của bà Hứa Thị Phấn) lại không bán đi được để hình thành nguồn tiền phục vụ hoạt động, trong đó có tiền để “chăm sóc khách hàng”, nên ông Danh phải đi vay lãi cao để trả lãi ngoài.

 

Cũng theo lời khai của ông Danh, ông không có ý định mua lại VNCB mà chỉ chi tiền mua các bất động sản là tài sản đảm bảo của ngân hàng với dự định bất động sản lên giá bán đi sẽ có lãi.

Cụ thể, theo lời khai của ông Danh phiên trước thì ông đã chi tiền để mua cổ phần ngân hàng từ phía nhóm Phú Mỹ, mục đích không phải mua ngân hàng,tuy nhiên khi mọi việc trục trặc thì cổ phần ngân hàng mới được tính tới như là một giải pháp để đảm bảo việc thanh toán của nhóm bà Phấn với ông Danh.

Cụ thể, bà Hứa Thị Phấn nói với ông Danh là đang đại diện cho 30 công ty, nhưng nhóm công ty này lại không chuyển quyền sở hữu tài sản cho ông Danh nên vì thế các bất động sản cũng không bán được. Khi mọi việc đã bế tắc, ông Danh mới dừng việc trả nợ cho nhóm Phú Mỹ. Khi ấy, ông Danh đã trả cho nhóm này tới 3.700 tỉ đồng và về cơ bản đã sa chân hẳn vào VNCB.

Tiền đã chi cho nhóm bà Phấn, đã nắm hẳn ngân hàng đang mất thanh khoản trầm trọng, lựa chọn đi vay lãi và trả lãi vượt trần huy động, theo giải thích của ông Danh – là lựa chọn có tính bất khả kháng.

"Để trả được lãi ngoài có lúc tôi phải vay 3-4%/ tháng. Tôi khẳng định 3-4%/tháng chứ không phải là năm", ông Danh khai trước tòa về việc huy động vốn vượt trần lãi suất theo quy định như vậy.

 

Tình tiết này thực ra không mới, vì đã thể hiện ngay trong cáo trạng kết tội nhóm các bị cáo tại VNCB. Trước tòa, ông Danh nhiều lần xác nhận lại thực tế này, riêng với nhóm của bà Bích, ông Danh khai đã chi trả lãi suất ngoài lên đến 2.500 tỉ đồng.

Như vậy, lời khai của bị cáo Phạm Công Danh những ngày qua đã dần đụng chạm tới những góc khuất trong sự xuất hiện của ông Phạm Công Danh tại VNCB và hoạt động huy động vốn của VNCB dưới thời ông Danh chèo lái.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo