Phạm Công Danh có quan hệ gì với nữ giám đốc Tân Hiệp Phát?
Ngày 1/8, TAND TP. HCM tiếp tục tuần thứ 3 xét xử vụ án Phạm Công Danh (51 tuổi), Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh cùng 35 đồng phạm trong vụ án thất thoát 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Trong buổi xét xử sáng nay 1/8, Hội đồng xét xử (HĐXX) tập trung hỏi về mối quan hệ giữa Danh và bà Trần Ngọc Bích, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát.
Theo tin trên báo Thanh Niên, tại tòa, Danh khai bị cáo và bà Bích quen biết nhau nhiều năm, từ thời bà Bích gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (năm 2013 đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB).
“Khi tiếp nhận ngân hàng, với suy nghĩ ngân hàng đang khó khăn nên tôi quan tâm, chú ý đến những khách hàng gửi số tiền lớn. Tôi đã nhiều lần chủ động gặp trực tiếp bà Bích”, bị cáo Danh khai.
Ngoài ra, bị cáo Danh khai thêm, giao dịch gửi/vay tiền của nhóm bà Bích và VNCB được bị cáo Danh giao bị cáo Quyết làm việc vì Danh còn phải lo chạy tiền cho ngân hàng.
“Theo bị cáo mối quan hệ của VNCB và bà Bích liên quan tới Phạm Thị Trang (Trang “phố núi”), còn giữa bà Bích và Trang quan hệ tới đâu bị cáo không rõ. Tại VNCB, Trang là người trực tiếp phụ giúp ngân hàng tìm kiếm khách hàng, quản lý tiền và chăm sóc khách hàng. Còn chức Danh của Trang tại VNCB là gì thì bị cáo không nhớ rõ. Bị cáo biết bà Bích thông qua Trang giới thiệu. Nhóm bà Bích gửi tiền tại VNCB - chi nhánh Sài Gòn cũng do Trang trực tiếp giới thiệu”, bị cáo Danh khai trước HĐXX.
Bị cáo Danh thừa nhận không có kinh nghiệm trong việc điều hành tổ chức quản lý tại VNCB nên chỉ biết làm mọi việc để có nguồn tiền duy trì cho ngân hàng.
Trả lời HĐXX, bị cáo Danh khai: “Áp lực của tôi đối với nhóm bà Bích là ngày nào không trả tiền lãi thì tất cả mọi giao dịch đều ngưng trệ, một khoản tiền của bà Bích chúng tôi phải trả tới 4 lần gồm tiền vay, tiền lãi, tiền lãi ngoài. Cũng vì không thu được nợ của nhóm vay cũ từ thời nhóm cổ đông cũ là nhóm Phú Mỹ cho nên bị cáo phải đi vay tiền của nhóm bà Bích với lãi suất 7-8%/tháng.
Về việc chuyển sang tài khoản của mình và một số tài khoản khác số tiền 5.490 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích, bị cáo Danh cho biết mình không chỉ đạo trực tiếp anh em làm việc đó, mà do nhóm cán bộ của ngân hàng tự làm, theo báo Tuổi Trẻ.
Liên quan đến mối quan hệ giữa Phạm Thị Trang và Phạm Công Danh, Danh khai rằng, trước khi quen nhóm bà Bích thì Danh đã làm ăn với Trang vì Trang có khả năng huy động vốn và tìm kiếm các nguồn vốn nhàn rỗi cho ngân hàng.
Khi đó Trang không có chức vụ gì ở Thiên Thanh, Trang cũng không được hưởng lương mà sau mỗi vụ việc thành công thì được Danh trả theo phần trăm vụ việc. Hiện giữa Trang và Danh không có quan hệ nợ nần gì.
Theo cáo trạng, trong tổng số hơn 9.000 tỷ đồng thiệt hại đã gây ra cho Ngân hàng VNCB có khoản tiền là 5.490 tỷ đồng của khách hàng gửi vào ngân hàng nhưng Phạm Công Danh và các đồng phạm lại tự rút ra mà không có chữ ký của người gửi.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, khi HĐXX hỏi có gì chứng minh về việc chi vượt trần lãi suất, bị cáo Danh nói rằng, Danh không trực tiếp trả lãi, nhưng Doanh là người trực tiếp đi huy động vốn đối với khách hàng lớn.
Việc trả tiền lãi ngoài do một tổ của ngân hàng thực hiện chi trả cho khách hàng là thật và bị cáo không có gì tư lợi. Bị cáo cũng khẳng định tiền chi ra, không có giấy tờ, nhưng có cơ sở chứng minh. Bởi việc chi tiền lãi ngoài này các bị cáo phải họp liên tục.
“Bởi nếu không trả thì chúng tôi không huy động vốn được, ngân hàng đổ vỡ, do đó chúng tôi trả tiền chăm sóc khách hàng liên tục. Cụ thể, chi tiết thế nào thì HĐXX hỏi trực tiếp anh Mai. Tôi cũng mong HĐXX thấy được bản chất sự việc”. Bị cáo Danh đề nghị.
Đồng thời, bị cáo Danh cũng cho rằng, nếu chậm trả lãi cho nhóm bà Bích thì họ gọi suốt ngày. Bị cáo cũng khẳng định, các khoản giao dịch trước đó cũng là giao dịch vay mượn chứ không có đầu tư gì.
Bị cáo Danh thắc mắc trước tòa rằng, không hiểu tại sao bà Bích lại cho rằng không quen biết Danh, có thể bà Bích lợi dụng bối cảnh khó khăn của ngân hàng để giữ chứng từ lại, đề nghị HĐXX làm rõ.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục.
End of content
Không có tin nào tiếp theo