Phạm Công Danh tiết lộ sai lầm khiến mình rơi vào vòng lao lý
Như thông tin đã đưa, ngày 1/8, TAND TP. HCM tiếp tục tuần thứ 3 xét xử vụ án Phạm Công Danh (51 tuổi), Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh cùng 35 đồng phạm trong vụ án thất thoát 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Tại phiên tòa buổi chiều, công tố viên thẩm vấn bị cáo Phạm Công Danh liên quan đến số tiền 900 tỷ ủy thác đầu tư cổ phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Quỹ Lộc Việt. Khoản tiền khoảng 850 tỷ rút ra khỏi VNCB từ hành vi này, Phạm Công Danh dùng để trả nhóm Phú Mỹ (cổ đông cũ của NH Đại Tín).
Liên quan đến việc chuyển khoảng 3.600 tỷ Phạm Công Danh chuyển cho nhóm Phú Mỹ để mua gần 85% cổ phần, thì việc chuyển thêm 850 tỷ này của bị cáo Danh là để sở hữu tài sản của NH Đại Tín. Khoản tiền này chuyển vào tài khoản của nhóm Phú Mỹ.
Sau khi chuyển số tiền này, cựu Chủ tịch VNCB đã nhiều lần gặp bà Hứa Thị Phấn (nhóm Phú Mỹ) tha thiết chuyển trả tài sản nhưng đến tận bây giờ vẫn không chuyển trả tài sản. “Sau này tôi mới biết đó không phải là tài sản của bà Hứa Thị Phấn mà là của gần 30 pháp nhân khác”, bị cáo Danh cho hay.
Bị cáo Danh cho rằng, khi làm xong nghĩa vụ trả nợ thì có quyền lợi đối với những tài sản liên quan, tuy nhiên, sau này cơ quan điều tra có văn bản yêu cầu không được giải chấp tài sản của nhóm Phú Mỹ.
“Việc không lấy được tài sản của NH Đại Tín là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến tôi phải đứng trước HĐXX ngày hôm nay”, bị cáo Danh nói. Bị cáo Danh đề nghị xem xét thu hồi số tiền 3600 tỷ đồng về cho VNCB.
Liên quan đến phần tiền gần 5.500 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Tân Hiệp Phát), bị cáo Danh khẳng định với VKS là mình vay tiền của nhóm bà Bích để trả nợ chứ không phải lấy tiền của ngân hàng để trả nợ.
Danh trình bày lý do vay tiền của nhóm bà Bích mà không dùng tiền cá nhân trả nợ là vì trước đã lấy tiền cá nhân trả 80% cho nhóm Phú Mỹ (cổ đông cũ của Ngân hàng Đại Tín) nhưng không biết tại sao lại không được nhận lại bất kỳ tài sản nào hết.
Sau thời gian ngắn, cơ quan điều tra thông báo tài sản không được lấy ra, không được xử lý bất kỳ hình thức nào, nên quá bế tắc. Đây là hai tài sản bất động sản ở quận 2 và Nhà Bè (TP.HCM) mà Danh cho biết được định giá gần 7.000 tỷ đồng...
Theo báo PLO, sáng 2/8, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi với bị cáo Phạm Công Danh. Tại giờ giải lao, HĐXX đã bố trí cho bị cáo Danh được gặp em trai là Phạm Công Trung (đang giữ vị trí tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và vợ là Quách Kim Chi để bàn về vấn đề khắc phục hậu quả của vụ án.
Cuộc gặp này được bố trí bên hành lang cạnh phòng xét xử của tòa. Ngoài các luật sư bào chữa cho bị cáo còn có sự giám sát của điều tra viên, kiểm sát viên theo đúng quy định trong tố tụng hình sự.
Như đã thông tin, trong phiên tòa chiều qua, bị cáo Danh đã đề xuất có cuộc gặp với người thân để bàn việc có đối tác muốn mua lô đất Sân vận động Chi Lăng. Cuộc gặp kết thúc sau khoảng 30 phút và bị cáo Danh trở lại phòng xử án tiếp tục phần thẩm vấn.
Bị cáo trình bày với HĐXX: Hiện tại đã có đối tác cụ thể mua tài sản bất động sản ở Sân vận động Chi Lăng nhưng tôi không đồng ý mà muốn có nhiều đối tác hơn nữa. Đồng thời, cái giá đưa ra sẽ cao hơn chứng thư thẩm định 2.600 tỷ đồng. Việc thỏa thuận có thể diễn ra trong 2-3 ngày.
Theo phía luật sư của Danh, tất cả tài sản của bị cáo này đã bị kê biên trong vụ án, không còn tài sản nào cất giấu riêng. Luật sư tư vấn pháp luật cho gia đình mọi cách để có thể đảm bảo quyền và nghĩa vụ tốt nhất cho bị cáo Danh. Tuy nhiên bị cáo mới là người đưa ra quyết định cuối cùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo