Phạm Công Danh và đồng phạm nghẹn ngào nói lời sau cùng
Sau 22 ngày xét xử, chiều 17/1, phiên tòa phúc thẩm "đại án" xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) kết thúc phần tranh luận. Các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Dự kiến, ngày 24/1 tòa tuyên án, báo NLĐ đưa tin.
Là người đầu tiên nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch VNCB Phạm Công Danh cảm ơn các cơ quan tố tụng tạo điều kiện cho bị cáo chữa bệnh, đối đáp, tranh luận và nêu quan điểm của mình tại tòa.
Phạm Công Danh tái khẳng định quan hệ giữa mình và ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) là quan hệ vay mượn, trong đó Phạm Công Danh là bị hại.
Phạm Công Danh thành khẩn mong tòa xem xét bối cảnh tiếp quản Ngân hàng Đại Tín. “Bị cáo tự hào kế thừa một thương hiệu trên 55 hình thành và phát triển, kế thừa truyền thống của gia đình để tạo dựng Tập đoàn Thiên Thanh danh tiếng, vững mạnh hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Với mong muốn xây dựng đất nước, bị cáo đã mua Ngân hàng Đại Tín để xây dựng lại ngân hàng này. Nhưng khi tiếp quản, ngân hàng nợ xấu rất cao (trên 95% là nợ xấu không có khả năng thu hồi), luôn bị đặt dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Bị cáo đã không lường trước được những khó khăn” - Phạm Công Danh trình bày.
Bị cáo Danh cũng trình bày đã bán hàng chục căn nhà để xây dựng ngân hàng, duy trì thanh khoản. Bị cáo không lấy bất cứ đồng nào của của VNCB. Bên cạnh đó, Phạm Công Danh cũng cảm ơn công tố viên đề nghị truy thu 100% tài sản để khắc phục hậu quả, đến thời điểm hiện tại đã khắc phục được 72%.
Phạm Công Danh nghẹn ngào xin miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ cho các nhân viên của mình. “Do các nhân viên tin tưởng tôi, họ là những con ong chăm chỉ, là những người nổ lực làm việc để xây dựng ngân hàng và không hề hưởng lợi gì. Bị cáo xin lỗi những nhân viên của mình cũng như gia đình của họ vì đã đau khổ, lo lắng cho người thân của mình phải dính vòng lao lý” - Phạm Công Danh nói như muốn khóc.
Nguyên Tổng giám đốc VNCB Phan Thành Mai - bị cáo buộc giúp sức tích cực cho ông Danh cho biết, suốt 30 tháng kể từ ngày bị bắt luôn đau đáu với những hậu quả gây ra với gia đình, xã hội, bạn bè, đồng nghiệp, báo VnExpress đưa tin.
Theo bị cáo, lý do xảy ra vụ án như ngày hôm nay là do ngân hàng trước khi ông Danh tiếp quản nợ xấu quá lớn. Quá trình chuyển giao giữa nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn đại diện và nhóm Thiên Thanh không thành công. Ngân hàng không có nguồn thu nào và chi phí ông Danh bỏ ra chăm sóc khách hàng là quá lớn.
Các bị cáo khác là cựu nhân viên của VNCB cũng cho biết, bản thân không tư lợi trong vụ án, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự.
Ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong thời gian tái cơ cấu VNCB, gây thất thoát 9.000 tỷ đồng. Hồi tháng 9, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt ông 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ông và 26 bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và thu hồi các khoản tiền thất thoát để khắc phục thiệt hại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo