Phạm Công Danh và thuộc cấp "đấu tố" nhau tại tòa việc rút ruột 5.490 tỷ
Ngày 1/8, TAND TP. HCM tiếp tục tuần thứ 3 xét xử vụ án Phạm Công Danh (51 tuổi), Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh cùng 35 đồng phạm trong vụ án thất thoát 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Tại phiên tòa, HĐXX truy vấn Phạm Công Danh, Hoàng Đình Quyết, Mai Hữu Khương, Phan Thành Mai về các vấn đề liên quan 5.190 tỷ “rút” không có chữ ký khách hàng, 300 tỷ “rút” không có hồ sơ vay.
Theo bị cáo Hoàng Đình Quyết, Quyết thực hiện chuyển 3.100 tỷ ngày 21/8, 2.090 tỷ ngày 26/8/2013 từ tài khoản bà Trần Ngọc Bích sang tài khoản của Phạm Công Danh theo chỉ đạo của ông Danh, báo Petrotimes đưa tin.
Cũng nghe chỉ đạo của Danh, Quyết thực hiện hồ sơ cho nhóm bà Bích vay 300 tỷ, cho khách hàng nợ chữ ký. Sau khi cho vay, chuyển tiền về tài khoản những người vay, sau đó chuyển vào các tài khoản do Phạm Công Danh chỉ định (không chuyển vào tài khoản bà Bích). Theo Hoàng Đình Quyết sai phạm là cho khách hàng nợ chữ ký.
Ngược lại, bị cáo Phạm Công Danh một mực khẳng định: “Thưa HĐXX, anh Quyết khai thực hiện chuyển tiền do tôi chỉ đạo, là mâu thuẫn. Tôi chưa bao giờ thông qua ai chỉ đạo anh Quyết, bà Bích cho nợ chứng từ. Tôi mong HĐXX xem xét lại sự việc”.
Cũng theo báo này, tại phiên tòa, đáp lại câu trả lời của Phạm Công Danh, bị cáo Hoàng Đình Quyết tiếp tục cho rằng lỗi thuộc về thượng cấp của mình là ông Phạm Công Danh.
Được phép trả lời, Phạm Công Danh dứt khoát khẳng định: “Thưa HĐXX, tôi xin khẳng định lại một lần nữa, tôi không hề chỉ đạo cho nợ chứng từ”.
Ông Danh phân tích, việc điều hành ngân hàng ông giao toàn quyền cho TGĐ Phan Thành Mai. Ông Danh không quen biết bà Bích, chỉ biết bà Bích qua lời giới thiệu của Hoàng Đình Quyết. Bởi vì bà Bích là khách hàng từ VNCB từ khi còn là Đại Tín, khi đó Hoàng Đình Quyết đã làm ở Đại Tín.
“Hoàn toàn tôi không có chỉ đạo anh Quyết, anh Mai rằng cho nợ chứng từ nhóm bà Bích. Anh Quyết đã thừa nhận sai là do cho khách hàng nợ chữ ký, có thể việc sai này do chủ quan của anh ta”, Phạm Công Danh nhấn mạnh.
Cũng theo Phạm Công Danh, trước khi chính thức sở hữu ngân hàng Đại Tín, ông Danh đã rót hơn 2.000 tỷ đồng chi chăm sóc khách hàng. Đến khi sở hữu thực sự, khó khăn bủa vây bốn bề, vừa phải trả nợ, chi chăm sóc khách hàng nhóm cổ đông cũ, vừa phải lo tiền duy trì thanh khoản của ngân hàng khiến ông lâm vào vũng lầy tài chính.
Do quen biết Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi) từ trước, biết Trang quan hệ rộng ông Danh đã mời Trang cộng tác, giúp tiếp cận, huy động, xử lý với các khách hàng lớn của ngân hàng. Mỗi khi có vấn đề lớn, ông Danh chỉ đạo Trang triển khai. Trang không hưởng lương, được ông Danh trích % các giao dịch khách hàng chi trả, nhưng không nhiều.
Phạm Công Danh xác nhận, nhóm khách hàng Trần Ngọc Bích đã có quan hệ tín dụng với ngân hàng VNCB từ khi còn là Đại Tín. Ông Danh đã để ý tới nhóm khách hàng có tiềm lực lớn này. Khi Phạm Thị Trang được nhờ tiếp cận các nhóm khách hàng lớn, Trang chính là người trực tiếp tiếp xúc, giao dịch với nhóm khách hàng Trần Ngọc Bích.
“Thưa HĐXX, xin HĐXX làm rõ. Tôi không hề cho nhóm bà Bích nợ chứng từ, hoặc chỉ đạo anh Quyết chuyển tiền từ nhóm bà Bích sang tài khoản của tôi”.
Bị cáo Danh cũng khẳng định, trước khi vụ án bị khởi tố (26/7/2014), ông Danh và Phạm Thị Trang không còn có bất kỳ giao dịch gì. Không có nợ nần tiền bạc. Điều này phù hợp việc bà Bích khẳng định không có quan hệ tín dụng với Phạm Công Danh, chỉ cho Phạm Thị Trang vay tiền.
Các khoản vay đã tất toán trước thời điểm bà bị “rút trộm” tổng 5.490 tỷ đồng từ tài khoản tại VNCB. Cũng có nghĩa, lời khai của Hoàng Đình Quyết có vấn đề…
Theo cáo trạng, trong tổng số hơn 9.000 tỷ đồng thiệt hại đã gây ra cho Ngân hàng VNCB có khoản tiền là 5.490 tỷ đồng của khách hàng gửi vào ngân hàng nhưng Phạm Công Danh và các đồng phạm lại tự rút ra mà không có chữ ký của người gửi.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, khi HĐXX hỏi có gì chứng minh về việc chi vượt trần lãi suất, bị cáo Danh nói rằng, Danh không trực tiếp trả lãi, nhưng Doanh là người trực tiếp đi huy động vốn đối với khách hàng lớn.
Việc trả tiền lãi ngoài do một tổ của ngân hàng thực hiện chi trả cho khách hàng là thật và bị cáo không có gì tư lợi. Bị cáo cũng khẳng định tiền chi ra, không có giấy tờ, nhưng có cơ sở chứng minh. Bởi việc chi tiền lãi ngoài này các bị cáo phải họp liên tục.
“Bởi nếu không trả thì chúng tôi không huy động vốn được, ngân hàng đổ vỡ, do đó chúng tôi trả tiền chăm sóc khách hàng liên tục. Cụ thể, chi tiết thế nào thì HĐXX hỏi trực tiếp anh Mai. Tôi cũng mong HĐXX thấy được bản chất sự việc”. Bị cáo Danh đề nghị.
Đồng thời, bị cáo Danh cũng cho rằng, nếu chậm trả lãi cho nhóm bà Bích thì họ gọi suốt ngày. Bị cáo cũng khẳng định, các khoản giao dịch trước đó cũng là giao dịch vay mượn chứ không có đầu tư gì.
Bị cáo Danh thắc mắc trước tòa rằng, không hiểu tại sao bà Bích lại cho rằng không quen biết Danh, có thể bà Bích lợi dụng bối cảnh khó khăn của ngân hàng để giữ chứng từ lại, đề nghị HĐXX làm rõ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo