Phạm Công Danh xin bán khu đất 250 triệu USD để khắc phục hậu quả
Theo báo VnExpress, ngày 29/7, sau hơn hai tuần xét xử đại án gây thất thoát 9.000 tỷ đồng, lần đầu tiên ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) được TAND TP. HCM thẩm vấn nhằm làm rõ nhưng sai sót trong quá trình điều hành ngân hàng.
Cựu Chủ tịch VNCB cho biết, bản cáo trạng truy tố ông về những hành vi sai phạm "có những điều đúng nhưng cũng có hành vi cần phải xem xét lại" vào hoàn cảnh và bối cảnh phạm tội.
Trả lời việc đưa hơn 20 người và một tổ chức không có khả năng tài chính, trình Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, để tham gia tái cơ cấu ngân hàng, ông Danh cho biết đã nhiều lần mang hồ sơ trả lại Ngân hàng Nhà nước nói không làm được vì tình hình tài chính của ngân hàng lúc tiếp quản luôn đặt trong tình trạng đặc biệt. Bản thân ông đã bán nhà, đất, xe… bỏ vào ngân hàng không dưới 2.000 tỷ đồng với mong muốn vực dậy ngân hàng nhưng không làm nổi.
"Tôi đã báo cáo không có khả năng làm dù đã bỏ vào số tiền lớn, việc này chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới làm được. Nhưng khi mang hồ sơ ra báo cáo thì được chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước lúc đó động viên, nói rằng không phải lập ngân hàng mới mà chỉ là tái cơ cấu ngân hàng. Lúc đó, tôi đấu tranh không nổi", ông Danh nói.
"Gần như tôi không có hiểu biết gì tài chính tín dụng, trong khi lúc đó có nhiều người hiểu về ngân hàng và đã từng làm ngân hàng... Đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến vụ án này. Tôi thành thật xin lỗi các đồng nghiệp của tôi ở Tập đoàn Thiên Thanh vì tin vào tôi mà họ phải đến tòa", ông Danh trình bày thêm.
"Họ chỉ phân tích, động viên, hay ép buộc bị cáo", chủ tọa hỏi liên quan đến Ngân hàng Nhà nước.
"Họ không ép được tôi nhưng động viên tôi rất nhiều lần", ông Danh đáp lại. "Như vậy là bị cáo không thắng nổi bản thân mình đấy chứ", thẩm phán phân tích.
Lý giải về việc đưa nhiều người không có tài sản vào danh sách cổ đông, ông Danh cho là để "có người hậu thuẫn, có động lực". "Nếu không đưa những người này vào thì cũng không ai vào", ông nói và cho biết việc này nhằm hợp thức hóa thủ tục với Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Danh, ông từng học quản trị kinh doanh hệ vừa học vừa làm "nhưng không nhớ học ở đâu, ai là người đào tạo". Ông bật khóc và đề nghị HĐXX xem xét điều kiện sức khỏe không được tốt nên trí nhớ rất yếu.
Theo báo PLO, tại phiên xét xử buổi chiều, Danh khai: "Tôi sử dụng không quá 5% thời gian ở Tập đoàn Thiên Thanh. Thời gian còn lại tôi dành cho việc tái cơ cấu ngân hàng. Trong suốt thời gian đó ngân hàng VNCB ở dưới dạng kiểm soát đặc biệt, không được tăng trưởng tín dụng. 95% không thu hồi được nợ. Áp lực dồn hết lên chúng tôi và chúng tôi không được tăng trưởng nên việc lỗ là tất yếu".
Giải thích nguyên nhân tại sao có sự thua lỗ đó, Danh cho biết có hai nguyên nhân là do trả lãi và một số khoản nợ khó đòi. "Trách nhiệm điều hành lớn nhất là ở tôi. Tôi thừa nhận trách nhiệm ở đây. Tuy nhiên, việc điều hành có chức danh là Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc) nên mong tòa tạo điều kiện cho anh Mai nói thêm về vấn đề này" - ông Danh bày tỏ.
Đáng chú ý là phần thẩm vấn liên quan đến hành vi cho 14 công ty vay (trong đó 12 công ty của Danh) bằng việc cầm cố tài sản Sân vận động Chi Lăng và khu đất lân cận (Đà Nẵng) vay 5.000 tỷ đồng gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Theo bị cáo Danh, hành vi này chưa có thiệt hại vì liên quan đến vấn đề thẩm định giá.
Chủ tọa đặt vấn đề: Đối với việc thẩm định giá trong vụ án, Hội đồng Thẩm định giá Đà Nẵng định giá dự án đó là 1.260 tỷ đồng. Còn công ty thẩm định giá Miền Nam định giá 2.600 tỷ đồng. Chúng tôi lấy con số có lợi nhất cho bị cáo là 2.600 tỉ đồng. Như vậy, cấn trừ khoản tiền mà các bị cáo đã rút ra thì gây thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng. Bị cáo muốn con số nào?
Danh đáp: "Khi chưa có bên khác thẩm định lại giá trị đất ở Chi Lăng thì mong HĐXX khoan hãy xem đó là khoản gây thất thoát. Tài sản đó là công sức, trí tuệ của tôi và bằng nhiều năm kinh nghiệm trong nghề thì tôi rất hài lòng với lô đất ở đó... Lúc nãy quan tòa đã bảo sẽ tạo điều kiện cho tôi khắc phục hậu quả nhưng tôi chưa có cơ hội để khắc phục. Đã có đối tác trả giá cho tôi để mua khu đất của tôi 250 triệu đô cách đây ba năm. Nếu bị cáo có cơ hội khắc phục, bị cáo xin bán các tài sản này".
Chủ tọa yêu cầu Danh cung cấp địa chỉ để mời đối tác này đến tòa làm rõ đúng quy định của pháp luật. Tại tòa, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Danh khẳng định đối tác hỏi mua sân Chi Lăng từ Tập đoàn Thiên Thanh là có thật. Việc thỏa thuận bị ngừng khi vụ án bị khởi tố.
Đồng thời, luật sư cũng như bị cáo Danh đều cho rằng cần định giá lại giá trị tài sản trên. Trước đề nghị này, chủ tọa quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định giá độc lập. Việc thẩm định giá sẽ không ảnh hưởng đến quá trình xét xử phiên tòa.
Thứ Hai ngày 1/8, phiên xử sẽ tiếp tục.
End of content
Không có tin nào tiếp theo