Phản đối việc khai thác cát ven biển: Hàng ngàn người dân Quảng Ngãi “cắt” QL 1A
Từ việc tụ tập đông người, phản ứng tập thể, nhiều người dân đã quá khích, dùng dây, vật cản để chặn ôtô trên QL1 A khiến lưu thông bắc Nam bị tắc nghẽn hoàn toàn nhiều giờ liền. CSGT đã huy động lực lượng phân luồng, thông tuyến.
Ngay chiều 27.10, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức họp báo về vụ việc này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành chủ trì. Ông Thọ khẳng định, dự án nạo vét, thông luồng tận thu cát nhiễm mặn tại Cửa Đại thuộc xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa và xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh là chủ trương đúng, có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương. Dự án bắt nguồn từ tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương trước tình trạng luồng lạch bị bồi lấp nên nạo vét, khơi thông tạo thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cửa biển an toàn, neo trú bão.
Việc người dân xã Nghĩa An tụ tập đông người kéo đi trên đường gây cản trở giao thông là do người dân… hiểu lầm từ vụ việc các công nhân của Cty TNHH Trường Phát Lộc triển khai việc nạo vét bồi lấp ở sông Kinh xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Việc nạo vét sông Kinh và sông Phú Thọ do UBND tỉnh giao cho UBND 2 huyện Tư Nghĩa và Sơn Tịnh thực hiện nhằm khắc phục tạm thời tình trạng sóng biển làm bồi lấp cát ở 2 khúc sông này để tàu thuyền của ngư dân ra vào đánh bắt được thuận lợi.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có mặt để mời người dân vào một địa điểm để giải thích, nhưng người dân không chấp hành. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa cũng đã lên loa kêu gọi người dân bình tĩnh, đề nghị giải tán. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cũng khẳng định, đến giờ phút này UBND tỉnh vẫn chưa cho phép khái thác trở lại dự án nạo vét, thông luồng tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu. UBND tỉnh đã và đang có chỉ đạo quyết liệt giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa. Về lâu dài sẽ làm thế nào để đầu tư kè, đê để đảm bảo việc ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân một cách bền vững.
Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong vòng 1 tháng, người dân địa phương này tụ tập đông người, phản ứng tập thể về việc chính quyền cho phép các DN hút cát, xuất khẩu, gây sạt lở bờ biển và ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất của người dân. Trước đó, liên tiếp trong 2 ngày 22 và 23.9, hàng trăm người dân ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa đã kéo về địa điểm khai thác cát thuộc bờ biển Cửa Đại nằm cuối thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An ngăn cản việc khai thác. Một số người kéo đến các trường học gây mất an ninh trật tự.
Theo ông Phạm Thuận, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, sở dĩ người dân phản ứng tập thể và có hành động quá khích, vượt kiểm soát như vậy vì dồn nén bức xúc lâu nay. Kiến nghị nhiều lần mà chính quyền không giải quyết thấu đáo. Việc chính quyền cho các DN khai thác cát thời gian qua đã khiến nhiều căn nhà cùng những hồ tôm bị sóng biển đánh sạt.
Trước kia bờ biển cách khu dân cư hơn 300m, nhưng từ khi khai thác cát, sóng biển ngày càng ăn sâu vào đất liền. “Đã có 5 hồ nuôi tôm và một vài căn nhà của người dân bị sóng biển đánh sạt, đổ xuống biển, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Bà con lo ngại, cứ đà này, chỉ trong chừng vài tháng nữa, cả thôn Phổ Trường và xã Nghĩa An cũng sẽ bị trôi xuống biển”- ông Thuận bức xúc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo