Quốc tế

Pháp lo ngại thông tin Nga bí mật phát triển tên lửa hành trình

(DNVN) - Nga phải tuân thủ Hiệp ước về hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm gần (INF), Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố.

"Thỏa thuận này cần được tôn trọng. Nếu hiệp ước này bị phá vỡ, chúng ta phải phản ứng càng nhanh càng tốt", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị An ninh Munich.

Ngày 14/2, tờ The New York Times, trích dẫn nguồn tin trong chính quyền Mỹ cho biết Nga đã bí mật triển khai tên lửa hành trình phóng từ mặt đất thuộc loại bị cấm trong hiệp ước kiểm soát vũ khí Mỹ-Nga năm 1987.

Tên lửa Iskander-M của Nga

Tên lửa được thử nghiệm năm 2014 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Nga được cho là có hai sư đoàn tên lửa trong đó một sư đoàn tại bãi thử Kapustin Yar ở tỉnh Astrakhan, sư đoàn thứ hai cuối năm 2016 được chuyển đến địa điểm khác.

Bình luận về bài viết của The New York Times, phát ngôn viên điện Kremlin,  ông Dmitry Peskov chỉ ra rằng chính quyền Tổng thống Mỹ không chính thức cáo buộc Moskva vi phạm Hiệp ước INF. "Nga đã và vẫn cam kết tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình", ông Peskov nhấn mạnh.

Hiệp định về vũ khí hạt nhân tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty/INF hay FNI) được Liên Xô và Mỹ ký ngày 08/12/1987, là một đóng góp quan trọng trong việc chấm dứt cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ giữa hai siêu cường.

Hiệp định do tổng thống Mỹ thời đó Ronald Reagan và chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbachev chủ trì, cam kết phá hủy toàn bộ các tên lửa trên đất liền, có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Thể theo Hiệp ước này, Mỹ và Liên Xô đã phá hủy tổng cộng hơn 2.600 tổ hợp tên lửa như vậy.

Bên cạnh đó, hiện nay, Mỹ và Nga không thể sản xuất, thử nghiệm và triển khai các tên lửa đạn đạo và hành trình tầm trung (1.000 đến 5.500 km) và tầm gần (từ 500 đến 1.000 km) trên đất liền. Moskva đã nhiều lần tuyên bố về khả năng rút khỏi hiệp ước đáp lại việc Mỹ mở rộng phòng thủ tên lửa.

 

Nên đọc
Tùng Bách (theo AFP)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo