'Đắng lòng' gã buôn người nhìn vợ bế con đi lấy chồng
Vụ Hưng “kính”: Nữ tiểu thương khai đã 2 lần tự tử vì bị chèn ép / Đắk Nông: Thấy người mình yêu đăng ảnh hạnh phúc, nam thanh niên nhiều lần dọa giết
Một năm 3 lần bán người sang Trung Quốc
Một ngày giữa tháng 5, gặp Trương Văn Tiến (sinh năm 1987, trú tại xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) tại trại giam Nam Hà, chúng tôi ngỡ ngàng không thể tin người thanh niên có dáng dấp thư sinh này lại dùng lợi thế về hình thức của mình để làm quen với những cô gái cùng quê, dụ dỗ họ đi chơi rồi lừa bán sang Trung Quốc.
Khuôn mặt điển trai, nước da trắng, dáng người cao ráo, đôi mắt lanh lợi, lại khéo ăn khéo nói nên dù đã có cô vợ xinh xắn, trẻ trung, Tiến vẫn dễ dàng "ghi điểm" với các cô nàng mới lớn ở quê nhà. Thế là chỉ trong 1 thời gian ngắn, Tiến đã cùng đồng bọn rủ rê và đưa được 4 cô gái xinh đẹp "ra Hà Nội làm thuê" - nhưng thực tế là lừa tất cả vào nhà chứa của Hà Thị Vân (sinh năm 1981) ở Pò Chài - Trung Quốc.
Phạm nhân Trương Văn Tiến. |
Theo lời Tiến thì anh ta học hết lớp 9, thi lên cấp 3 không đỗ nên đành phải đi làm tự do, rồi trụ lại với nghề thợ xây. Tiến cưới vợ khi vừa 21 tuổi. Cuộc sống gia đình riêng của Tiến tuy không khá giả nhưng cũng khá hạnh phúc. Chồng làm nghề xây dựng, vợ làm nghề may, thu nhập không nhiều song cũng đủ chi tiêu. Ngôi nhà nhỏ ấy càng vui hơn khi cô con gái đầu lòng chào đời. Cả hai vợ chồng Tiến có thêm động lực để lao động.
Những tưởng cuộc sống êm đềm đó cứ thế trôi qua, nhưng cuộc sống gia đình có những chuyện không mong muốn vẫn bất ngờ xảy đến. Công việc làm ăn của Tiến đang thuận lợi thì gặp trục trặc. Khi con gái lên 2 tuổi, Tiến thất nghiệp, đành phải ở nhà. Cuối năm 2010, Tiến đưa vợ con về quê vợ ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) chơi.
Thời điểm Tiến ở chơi nhà ngoại cũng đúng dịp Hà Thị Vân, một phụ nữ bỏ quê sang Trung Quốc làm ăn về thăm nhà. Giữa vợ Tiến và Vân có dây mơ rễ má với nhau nên khi Vân hỏi xin số điện thoại, Tiến đã cho người chị họ này số điện thoại của mình. Kể từ đó, hai người thường xuyên điện thoại liên lạc với nhau. Khi đã trở nên thân thiết hơn, Vân đặt vấn đề hợp tác làm ăn với Tiến.
Chị ta nhờ Tiến tìm người, đưa sang Trung Quốc làm việc tại quán của chị ta, nếu được sẽ trả công thích đáng. Lúc đầu Tiến cũng chần chừ, nhưng rồi cảnh thất nghiệp và lời hứa sẽ trích phần trăm tiền công lao động hàng tháng của những người này coi như lương tháng thì Tiến đã đồng ý. Theo thỏa thuận, nếu Tiến đưa được 1 người sang thì ngoài tiền công ban đầu giới thiệu người là 5 triệu, những tháng về sau, Tiến còn được hưởng thêm 2 triệu đồng tiền phần trăm nữa.
Thời điểm đó Tiến có quen 1 cô gái tên là Đinh Thị H, sinh năm 1992, ở huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam). H lúc đó đã nghỉ học, đang cần có việc làm, gia cảnh khó khăn vì bố mất sớm, chỉ có mình mẹ nuôi 2 chị em. Thấy Tiến nói sẽ thu xếp để H. làm tại quán cắt tóc gội đầu của người chị họ trên Hà Nội, cô gái này đã đồng ý.
Tuy nhiên, sau khi đón xe khách cùng Tiến lên Hà Nội, H. đã nhận lời Tiến lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) nhận lô thuốc nhuộm cho cửa hàng. Đến cửa khẩu Tân Thanh, Tiến gọi điện bảo Vân đưa người lên đón. Vân thuê Phùng Thị Hiệp (sinh năm 1957, ở huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) đi đón. Hiệp dẫn Tiến và H. đi theo đường đồi sang Trung Quốc, đến nhà chứa của Vân. Chuyến đi ấy, Tiến được Vân trả cho 3 triệu đồng.
Một lần ngồi nhậu với bạn bè, Tiến có quen biết với Nguyễn Văn Công đang học trung cấp nghề ở tỉnh Hà Nam. Công thấy Tiến có tiền ăn nhậu, lại chi tiêu rất "ga lăng" nên đã hỏi Tiến làm nghề gì mà xài sang thế. Tiến bảo Công có muốn tham gia không, việc nhẹ nhàng mà tiền cũng kha khá. Công đồng ý, mấy ngày sau được Tiến cho số điện thoại của Vân và người phụ nữ này đã bày cho Công kiếm tiền bằng cách lừa các cô gái sang bán cho Vân.
Theo hồ sơ vụ án thì lần thứ nhất là ngày 15/7/2011, Công rủ Trần Mai A. (sinh năm 1993 ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đi bán quần áo. Công đưa cô gái này lên Hà Nội gặp Tiến, sau đó hai tên đưa A đến nhà nghỉ Trang Linh của mẹ đẻ Vân ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) ngủ qua đêm. Sáng 16/7, Tiến nhờ Hà Thị Nam, em gái Vân đưa Công và A. lên cửa khẩu Tân Thanh rồi gọi điện cho Vân bảo cho người sang đón. Chuyến đi này, Công được Vân trả cho 3 triệu đồng.
Lần thứ 2, ngày 16/8/2011, với thủ đoạn tương tự, Công và Tiến lại lừa bán Nguyễn Thị T., sinh năm 1992, ở huyện Lý Nhân sang nhà chứa của Vân. Trước khi về, Công được Vân trả cho 3 triệu đồng. Hai tháng sau, Công và Tiến lại đưa Tạ Thị Thùy N., sinh năm 1995 ở huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) lên bán cho Vân.
Lần này Tiến được Vân trả cho 2 triệu đồng, Công được Vân trả cho 5 triệu đồng. Cuối tháng 11-/2011, Tiến lại lừa bán Đỗ Thị T, sinh năm 1989 và Nguyễn Thị Thanh M, sinh năm 1990 cùng ở huyện Kim Bảng sang bán cho Vân. Chuyến đó, Tiến được Vân trả cho 9 triệu đồng.
Sau khi bị bán sang Trung Quốc để ép bán dâm, cuối năm 2011, cả 6 nạn nhân đã trốn được về Việt Nam và đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam, trình báo vụ việc. Chỉ một thời gian ngắn sau, cả nhóm buôn người bị bắt. Là đối tượng cầm đầu vụ án nên Tiến bị xử phạt mức án cao nhất 14 năm tù.
Thèm nghe tiếng gọi "Bố ơi"
Kể lại việc làm của mình, Tiến bảo, lần đầu tiên làm điều thất đức cũng thấy run, nhất là khi phải đi đường mòn vượt biên trái phép sang Trung Quốc, trong đầu lúc nào cũng nơm nớp sợ bị bắt. Nhưng rồi tiền đã khiến anh ta không còn cảm thấy áy náy nữa.
Những lần sau, Tiến tích cực tìm người để lừa bán hơn, thậm chí anh ta còn cảm thấy vui khi nhận được món tiền công mà Vân thanh toán. Tiền kiếm không phải từ sức lao động nên cũng nhanh đi như khi đến.
Khi Tiến bị bắt, con gái được gần 3 tuổi. Vào trại giam, Tiến ân hận vì tội lỗi của mình, nhiều đêm không ngủ được vì nhớ vợ con. Nỗi buồn chưa nguôi thì mấy tháng sau, khi đang thụ án tại trại giam Nam Hà, vợ Tiến lên trại và mang theo đơn xin ly dị.
Cái ngày Tiến bị Công an tra tay vào còng số 8, cả xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng đều bàng hoàng, không ai tin vào tai mình khi nghe cái tin Tiến bị bắt do tội buôn người. Vì ở đó xưa nay chưa bao giờ xảy ra chuyện động trời như vậy, mọi người trong làng chỉ biết làm ăn bằng công việc đồng áng, ruộng vườn, chăn nuôi con lợn con gà...
Các cô gái lớn lên, không dỗ đại học thì đi học may, hoặc bán hàng ở chợ. Tiến làm cho cả làng sợ hãi. Mẹ Tiến thì không thể chịu được khi nhìn thấy cảnh con trai bị bắt đi. Bà đã ngất lịm và mấy ngày sau không thể ăn uống được gì. Vợ Tiến cũng sốc, chỉ biết ôm con khóc.
Theo lời Tiến kể, từ khi anh ta bị bắt, người mẹ đã hơn 70 tuổi của Tiến suy sụp hẳn. Con dâu ôm con bỏ về Bắc Giang, còn lại mình bà trong gian nhà hiu quạnh nên mặc dù con trai được cải tạo gần nhà nhưng do sức khỏe yếu nên bà mới 2 lần vào thăm con.
Các phạm nhân được quản giáo hướng dẫn cách gieo trồng, chăm sóc rau ăn. |
Mỗi lần gặp, bà không hề nhắc tới chuyện con dâu bỏ đi, nhưng Tiến cảm nhận được điều đó. Anh ta bảo bạn tù cùng quê kể rằng được người thân cho biết vợ Tiến đã xây dựng gia đình với một người cùng quê trên Bắc Giang. Tiến bảo, nỗi ân hận lớn nhất của anh ta là đã làm cho nhiều người phải khổ mà người đau khổ nhất lại chính là mẹ mình.
"Tôi đã 2 lần được giảm án, nếu chăm chỉ lao động, chấp hành tốt nội qui thì năm nào cũng được giảm án, ngày mãn hạn cũng không còn xa nữa", Tiến tâm sự. Anh ta cho biết điều mong mỏi nhất bây giờ là còn cơ hội chuộc lỗi với mẹ và đi thăm con gái, đón về nhà chăm sóc.
Tiến bảo, từ ngày vào trại, Tiến chưa một lần được gặp lại con gái. Những khi thấy bạn tù quê ở xa nhưng cũng có vợ con vào thăm, Tiến càng thấy mình là kẻ bất hạnh, cô đơn. Và Tiến bảo, những lúc đó lại thấy nhớ con vô cùng, thèm được nghe tiếng gọi "Bố ơi". Tiến không mong con tha thứ cho mình mà chỉ mong đứa trẻ lớn lên trong sự bình yên, sau này nếu có điều kiện sẽ bù đắp lại cho con.
End of content
Không có tin nào tiếp theo