Pháp luật

'Giang hồ mạng' thích rao giảng đạo đức đã 'sa cơ' như thế nào?

Ăn theo thời đại công nghệ 4.0, các “yêng hùng” bàn phím thích chia sẻ những clip hoặc livestream (phát trực tiếp), đem lại sự tò mò, hiếu kỳ cho người xem. Trong số các “giang hồ mạng” có không ít kẻ vi phạm pháp luật, khác xa với những lời rao giảng hay hành động nghĩa hiệp thường được livestream của mình.

"Giang hồ mạng" - Giá trị ảo, hậu quả thật / Giải mã tâm lý tội phạm: Con gái thuê giang hồ 'dằn mặt' bồ nhí của bố vì nỗi uất hận

“Cần câu” kiếm like của giang hồ

Vài năm trở lại đây, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt những “giang hồ mạng” gồm toàn các dân chơi, đại ca giang hồ, đại gia lắm tiền nhiều của... thường xuyên quay clip, livestream những nội dung chẳng ra đâu vào đâu, thậm chí phản cảm nhưng lại được không ít người tung hô, trở nên nổi tiếng chẳng khác gì những ngôi sao của giới showbiz. Những cái tên có thể kể tới như Khá bảnh, Huấn hoa hồng, Trường con, Dũng trọc Hà Đông, Quang Rambo... đã cùng nhau tạo nên một khái niệm mới dành riêng cho chính mình, là giang hồ mạng.

Còn nhớ, trong phiên xét xử Khá bảnh (Ngô Bá Khá), cả trăm “anh em giang hồ” bu đông nghịt ngay trước cửa tòa từ sáng sớm với điện thoại xịn, wifi tốc độ cao để sẵn sàng livestream. Sau đó hớn hở khoe nhau: “Em được 50 nghìn mắt xem (số người xem cùng lúc)”, “Em được 5k like rồi!”,… khi lượng like (thích) tăng vù vù. Trong phòng xét xử, nhân vật chính Khá bảnh nói gì, có lãnh án bao nhiêu năm thì cũng “mắc- kê - nô” (mặc kệ nó).

Một loạt những “anh em” khác như Phú Lê, Phúc XO, Trường con… khi bị bắt cũng trở thành “cần câu” kiếm like của giang hồ sống ảo khác. Bất cứ lúc nào livestream, các huynh đệ đều gắn từ khóa là tên tuổi các “tay anh chị online” đã “bóc lịch” vào để tăng lượt xem càng nhiều càng tốt. Bên cạnh khoe mẽ giàu có, thành đạt, “giang hồ mạng” còn lên mạng rao giảng đạo đức, khuyên răn “anh em” rời xa tệ nạn nhưng thực tế khác xa bài giảng khiến “fan” ngỡ ngàng.

Đặc biệt, nhiều giang hồ mạng đã “sa cơ”, vướng vòng lao lý nhưng điều đó không khiến cho các huynh đệ của “giang hồ mạng” ngừng đầu độc giới trẻ bằng những video độc hại, những hành vi lệch chuẩn tạo ra những hình mẫu xấu xí.

Điển hình như mới đây, Phòng CSHS CA TP Hà Nội đã phối hợp cùng đơn vị này bắt giữ vợ chồng Lê Văn Phú (biệt danh Phú Lê, 40 tuổi, trú tại quận Hà Đông) và Lã Thúy Kiều (35 tuổi, quê huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích. Bước đầu, vợ chồng Phú Lê đã thừa nhận có liên quan đến vụ hành hung 2 phụ nữ ở huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Phú Lê xây dựng hình ảnh của bản thân trên mạng xã hội theo phong cách giang hồ nghĩa hiệp, tôn trọng tình anh em, hiếu thảo với cha mẹ. Trong MV “Vì con”, Phú Lê hát về nội dung ca ngợi sự hiếu thảo, báo đáp công ơn cha mẹ, tôn trọng người lớn tuổi, đạt 33 triệu lượt xem.

giang ho mang thich rao giang dao duc da sa co nhu the nao
Thời gian qua, Phú Lê và nhiều "giang hồ mạng" đã bị pháp luật nghiêm trị. Ảnh: Q.Doanh

YouTube phải thay đổi chính sách sao cho chặt chẽ hơn

Là người phản đối mạnh mẽ lối sống, cách hành xử của “giang hồ mạng”, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, một đặc điểm rất đặc thù của mạng xã hội là người sử dụng rất thích tìm kiếm những thông tin độc lạ, quái dị để thỏa mãn tính hiếu kỳ, tò mò. Nắm bắt tâm lý này, nhiều đối tượng tự biến mình thành những kẻ “quái, độc”, thực hiện những hành vi lệch chuẩn. Họ xăm mình, khoe chiến tích, chửi thề, đe dọa đánh nhau... tạo ra hình tượng có tính chất giang hồ. “Dù kết thúc của mọi “giang hồ mạng” đều không có hậu nhưng không ít kẻ vẫn bất chấp. Nhiều người còn quan niệm thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt…”, luật sư Thái nói.

Luật sư Thái cho rằng, ai cũng có cái tôi riêng, muốn mình vượt trội, được nhiều người ngưỡng mộ. Với người có tri thức, có nhân cách, họ đạt điều mình muốn bằng cách cố gắng học tập và lao động. Còn đối với kẻ lười biếng nhưng tham vọng giàu có, nổi tiếng chớp nhoáng lại tìm cách xưng hùng xưng bá trên mạng xã hội, làm clip bạo lực câu view dẫn dụ người vào xem để kiếm tiền và danh tiếng ảo.

“Các hành vi bạo lực trên mạng dần dần sẽ được các bạn trẻ nhập tâm, thành một phần trong tiềm thức. Khi gặp một tình huống trong đời thực tương tự như những thứ đã xem, các em sẽ diễn lại các hành vi đó một cách rất bột phát. Điều này hết sức nguy hiểm cho xã hội, có thể dẫn đến lệch lạc về nhân cách của thế hệ trẻ, gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng xã hội”, luật sư Thái nhìn nhận.

Theo vị luật sư này, nhiều giang hồ mạng đã bị bắt, nhưng sẽ còn nhiều giang hồ mạng kiểu mới ra đời nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng. Do đó, cùng với việc áp dụng pháp luật để xử lý mạnh tay với trường hợp này thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần kiến nghị, có cơ chế phối hợp để YouTube phải thay đổi chính sách sao cho chặt chẽ hơn, phù hợp với pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm