Bác sĩ Hoàng Công Lương, ép tội nào cũng không vừa
(DNVN)-Việc liên tục thay đổi tội danh đối với BS Hoàng Công Lương cho thấy các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình đã rất khó khăn để tìm ra được chứng cứ buộc tội.
Sáng 14/1/2019, HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận nhân tạo làm 9 người tử vong, xảy ra tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.
Quang cảnh phiên xét xử sơ thẩm sáng 14/1/2019.
Sau sự cố, ngày 22/6/2017 BS Hoàng Công Lương đã bị khởi tố điều tra về tội “Vi phạm quy định về khám, chữa bệnh” (theo Điều 242 Bộ Luật HS 1999). Tuy nhiên, sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình hoàn thành cáo trạng thì BS Hoàng Công Lương bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (theo Điều 285)…
Sau một tháng xét xử (từ 7/5/2018 – 5/6/2018), HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Hòa Bình đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại. Ngày 24/8/2018, BS Hoàng Công Lương bị đổi tội danh sang tội “Vô ý làm chết người” (theo Điều 98).
BS Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị thuộc Đơn nguyên lọc máu, Khoa Hồi sức tích cực, BV Đa khoa Hòa Bình.
Theo Cáo trạng số 01/CT-VKS-P2 ngày 5/12/2018 của Viện KSND tỉnh Hòa Bình, vào khoảng 7h ngày 29/5/2017, điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp thông báo với tất cả mọi người tại Đơn nguyên lọc máu là, Phòng Vật tư thiết bị y tế thông báo đã sửa chữa, bảo dưỡng xong hệ thống nước RO số 2. Lúc này BS Hoàng Công Lương và 2 BS khác tiến hành thăm khám các bệnh nhân.
Sau khi xác định bệnh nhân đã đủ chỉ số để tiến hành lọc máy, BS Lương đã ký xác nhận y lệnh tiến hành lọc máu. “Lúc đó nước ở tank RO số 2 vẫn còn tồn dư hóa chất Axit Flohydric (HF) được truyền đến hệ thống đường nước nối với 18 máy chạu thận truyền vào 18 bệnh nhân”. Hậu quả làm 9 bệnh nhân tử vong.
Bác sĩ Hoàng Công Lương luôn khẳng định: "Tôi học chuyên môn để cứu chứ không phải giết bệnh nhân". Ảnh Dân trí
Cáo buộc của Viện Kiểm sát cho rằng: “Bị can Hoàng Công Lương là người có chuyên môn,… Với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, bị can phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng, sau khi sửa chữa, bảo dưỡng “Tẩy rửa màng RO và các đường ống của hệ thống” phải có việc xét nghiệm xác định chất lượng nguồn nước và biết trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước thuộc Trưởng khoa (theo Quy chế khoa lọc máu ban hành kèm QĐ số 1895/1997 của Bộ Y tế)”.
Tuy nhiên, khi mới chỉ nghe Điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp (là người không có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước) nói về việc Phòng Vật tư thiết bị y tế thông báo hệ thống nước RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường, chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước đảm bảo và thực tế chưa có việc bàn giao hệ thống RO số 2 để đưa vào sử dụng nhưng bị can đã chủ quan ra y lệnh điều trị đối với 18 bệnh nhân.
Theo “Quy chế công tác khoa lọc máu” được ban hành kèm QĐ số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/09/1997 của Bộ Y tế, “nhằm tăng cường pháp lý công tác quản lý bệnh viện, cụ thể hoá chức năng nhiệm vụ, chức danh công tác và quy chế quản lý chuyên môn kỹ thuật”, trưởng khoa phải có trách nhiệm: “Nước sử dụng trong lọc máu bảo đảm chất lượng và đủ theo quy định”.
“Quy chế công tác khoa lọc máu” quy định bác sĩ lọc máu có trách nhiệm: “Thăm khám lại người bệnh, tổ chức hội chẩn liên khoa để xác định loại bệnh có chỉ định lọc máu; Làm đầy đủ hồ sơ bệnh án, các xét nghiệm liên quan bảo đảm an toàn lọc máu; Giải thích cho người bệnh và gia đình người bệnh biết về khả năng và diễn biến xấu có thể xảy ra và kí vào giấy đề nghị được lọc máu; Lựa chọn quả lọc, thời gian lọc, dịch lọc, thuốc chống đông và chống chảy máu; Thực hiện các thủ thuật đường vào mạch máu;…”.
Như vậy, theo “Quy chế công tác khoa lọc máu” không có quy định nào bắt buộc BS Hoàng Công Lương phải biết, phải có “căn cứ xác định chất lượng nguồn nước đảm bảo” thì mới được ký y lệnh lọc máu cho bệnh nhân.
Chỉ cần căn cứ vào “Quy chế công tác khoa lọc máu”, cũng có thể hiểu tại sao Viện KSND tỉnh Hòa Bình phải bỏ tội danh “Vi phạm quy định về khám, chữa bệnh” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với BS Hoàng Công Lương.
Thế còn với tội “Vô ý làm chết người” đang được Viện Kiểm sát đề nghị truy tố đối với BS Lương? Theo các luật sư, tội “Vô ý làm chết người” là trường hợp “người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể xảy ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.
Đối chiếu với trường hợp của BS Hoàng Công Lương, việc thăm khám và ra y lệnh lọc máu cho 18 bệnh nhân của BS Hoàng Công Lương là hoàn toàn đúng theo “Quy chế công tác khoa lọc máu”. Việc lọc máu (trong trường hợp mọi thứ đều hoàn hảo) đương nhiên là vẫn có rủi ro, chính vì vậy bác sĩ lọc máu có trách nhiệm “giải thích cho người bệnh và gia đình người bệnh biết về khả năng và diễn biến xấu có thể xảy ra và kí vào giấy đề nghị được lọc máu”.
Tuy nhiên BS Lương “không thể thấy” và buộc “phải thấy” rằng hệ thống lọc nước không đảm bảo an toàn, như vậy không thể cáo buộc BS Lương phải chịu trách nhiệm hình sự về 9 cái chết của bệnh nhân.
Đỗ Văn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo