Bình Dương: Nguyên Giám đốc Sở địa chính cùng thuộc cấp gây thất thoát hơn 131 tỷ đồng
Bình Dương: Tài xế “rút ruột” hàng của công ty đem bán / Bình Dương: Nghi án chồng sát hại vợ rồi tự tử trong phòng trọ
Những người bị đưa ra xét xử gồm bị cáo Cao Minh Huệ (65 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Địa chính, hiện là Sở Tài nguyên và Môi trường), Phan Văn Trung (55 tuổi, nguyên Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thônthị xã Bến Cát) và Đỗ Văn Sâm (61 tuổi nguyên là cán bộ cấp dưới ông Trung).
Theo cáo buộc của Viện KSND, Công ty Chế biến cây Công nông nghiệp xuất khẩu (Sobexco) là doanh nghiệp Nhà nước, có trụ sở tại huyện Bến Cát (Bình Dương) do Nguyễn Thanh Hải làm giám đốc. Trong quá trình hoạt động, Sobexco được tỉnh Bình Dương giao quản lý 706 ha đất vườn điều tại xã An Tây (huyện Bến Cát).
Năm 1997, Sobexco thanh lý 650 ha vườn điều vay vốn để trồng cây cao su nhưng không hiệu quả dẫn đến nợ kéo dài. Khi được sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Dương, Sobexco đã bán 658 ha cao su trong tổng số 706 ha đất được giao. Những người mua vườn cao su được UBND huyện Bến Cát được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) không đúng quy định pháp luật, khiến Nhà nước thất thu tiền thuê đất.
Đến năm 2007, khi Nhà nước tiến hành giải phóng mặt bằng khu công nghiệp An Tây, những người đã mua đất lại được tiền bồi thường về đất, gây thiệt hại kép cho nhà nước. Tổng cộng, trong vụ án này cơ quan điều tra xác định nhà nước thiệt hại hơn 131 tỉ đồng.
Cũng theo cáo trạng, vì động cơ vụ lợi, bị cáo Cao Minh Huệ không thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao trong việc tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo UBND huyện Bến Cát làm thủ tục cho thuê đất vườn cây cao su, không hướng dẫn UBND huyện cấp sổ đỏ đúng quy định pháp luật.
Cơ quan điều tra xác định, tính vụ lợi trong vụ án này thể hiện ở hành vi khi người thân của các bị cáo trên đều được cấp nhiều GCNQSDĐ với hàng chục ha. Trong số này, vợ và con ông Huệ được cấp với tổng diện tích 75ha. Người thân của bị cáo Sâm được cấp 14ha, người thân của bị cáo Trung được cấp 4,2ha.
Đây là vụ án từng 2 lần tạm đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can, sau đó lại phục hồi điều tra. Vụ án sau đó được Bộ Công an điều tra và VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố. Sau đó, VKSD Tối cao ủy quyền cho VKSND tỉnh Bình Dương thực hành quyền công tố trước TAND tỉnh Bình Dương.
VKSND đề nghị thu hồi toàn bộ số tiền thiệt hại do các bị cáo gây ra, thu hồi tiền bồi thường tiền thuê đất, tiền bồi thường cho các hộ được hưởng không có căn cứ pháp luật.
Sau 4 ngày xét xử, chiều 13/5, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng, cả 3 bị cáo đều phủ nhận truy tố của Viện KSND và khẳng định việc làm của các bị cáo đều không sai, đúng theo quy định của pháp luật, các bị cáo mong HĐXX xem xét các tình tiết liên quan đến vụ án, để tuyên án một cách công tâm và khách quan nhất.
Bị cáo Cao Minh Huệ đưa ra các lập luận và hàng loạt các văn bản, phụ lục dẫn chứng để chứng minh cáo buộc của Viện KSND là không đủ căn cứ và thiếu khách, không đúng bản chất vụ việc.
Bị cáo Phan Văn Trung mong HĐXX hãy xem lại các tình tiết liên quan đến vụ án, trong hồ sơ truy tố của Viện KSND còn thiết nhiều văn bản mà theo bị cáo Trung là những văn bản này sẽ chứng minh việc làm của bị cáo là không sai.
Còn bị cáo Đỗ Văn Sâm, thì một mực khẳng định, Viện KSND truy tố không đủ căn cứ. Việc làm của bị cáo là theo sự chỉ đạo của cấp trên và cũng hoàn toàn đúng quy định cả pháp luật tại thời điểm đó. Bị cáo Sâm đề nghị HĐXX tuyên bị cáo vô tội như lời bào chữa từ phía luật sư.
Dự kiến ngày 20/5, TAND tỉnh Bình Dương sẽ tuyên án.
End of content
Không có tin nào tiếp theo