Pháp luật

Cảnh giác kẻo ‘ăn quả lừa’, chiêu giả danh luật sư đang quay lại và lợi hại hơn xưa

DNVN - Một cuộc điện thoại từ người tự xưng là “luật sư” có thể là khởi đầu cho một vụ lừa đảo tinh vi. Bạn hoàn toàn có thể là nạn nhân tiếp theo nếu không đủ tỉnh táo.

Nghỉ hưu trước tuổi theo quy định mới, mức lương hưu tối thiểu là bao nhiêu? / Buông cả hai tay khi lái xe máy, bị phạt bao nhiêu tiền?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sáng ngày 10/4/2025, Công an xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) nhận được tin báo từ bà L. (sinh năm 1971, trú tại thôn Kỳ Đông, xã Cổ Đạm) về việc một người lạ gọi điện tự xưng là luật sư, “ngọt ngào” nói rằng sẽ hỗ trợ giải quyết một vụ án liên quan đến bà và yêu cầu bà chuyển gấp 25 triệu đồng. Rất may là lực lượng công an xã đã kịp thời vào cuộc, tuyên truyền, giải thích và ngăn chặn hành vi này. Sau khi hiểu rõ sự việc, bà L. đã cảm ơn lực lượng chức năng vì đã “kéo” mình ra khỏi bẫy lừa đảo trong gang tấc.

Câu chuyện của bà L. chỉ là một trong vô số những chiêu lừa đang “nở rộ” thời gian gần đây – trong đó nổi bật là hình thức giả danh luật sư. Các đối tượng đánh trúng vào tâm lý hoang mang của người dân khi gặp rắc rối pháp lý hoặc bị treo tiền trên nền tảng online, khiến họ dễ mất cảnh giác và làm theo yêu cầu trong sợ hãi. Nạn nhân thường là người không rành công nghệ, ít tiếp cận báo chí, truyền thông, hoặc đơn giản chỉ là đang lo lắng nên "mềm lòng".

Không chỉ gọi điện thoại với kịch bản chuẩn chỉnh, những kẻ lừa đảo còn có cả một bộ sưu tập “đạo cụ” như thẻ luật sư giả, chứng chỉ hành nghề rởm, con dấu giả và hàng loạt tài liệu trông cực kỳ chuyên nghiệp. Chúng còn xây dựng tài khoản giả mạo, lập fanpage, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, tự xưng là đang công tác tại các tổ chức pháp lý nổi tiếng, thậm chí gửi cả địa chỉ thật để tạo sự tin tưởng. Kinh khủng hơn, nhiều đối tượng còn yêu cầu nạn nhân “giữ bí mật” về cuộc gọi và không được nói với ai – một chiêu cực hiểm nhằm khiến người bị hại không kịp kiểm tra thông tin hay báo công an.

 

Nhiều người dù không vi phạm pháp luật nhưng vì bị đe dọa dồn dập, họ hoảng sợ và không phân biệt nổi thật – giả. Kết quả là tiền mất, danh dự bị đe dọa, còn thủ phạm thì “bốc hơi” nhanh như một cơn gió.

Vậy cần làm gì để tránh “sập bẫy”? Trước hết, tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kỳ ai tự xưng luật sư mà bạn chưa xác thực rõ ràng. Nếu cần tìm dịch vụ pháp lý, hãy vào trang web chính thức của Đoàn Luật sư các tỉnh thành để tra cứu. Nếu có thể, hãy đến trực tiếp văn phòng để ký hợp đồng dịch vụ trước khi chuyển khoản tiền công. Trong trường hợp không tiện đi lại, có thể nhờ người quen xác minh giúp. Và quan trọng nhất: đừng im lặng – nếu phát hiện hành vi đáng ngờ, hãy trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Xã hội số ngày càng phát triển thì chiêu trò lừa đảo cũng ngày càng “lên trình”. Chỉ một phút thiếu cảnh giác, bạn có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của những màn lừa đảo tưởng như “trên phim”. Vậy nên, nhớ kỹ: thấy người lạ tự xưng luật sư gọi điện – tỉnh táo ngay và luôn!

 

NH (tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm