Pháp luật

Câu chuyện pháp luật: Kiếm hàng chục tỷ đồng từ bán lô đề giả

Tự nghĩ ra các con số lô đề, sau đó nhóm đối tượng tung lên mạng xã hội rao bán, với thủ đoạn này, chúng đã lừa đảo, chiếm đoạt của hàng ngàn người với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Ngoài rao bán lô đề, các đối tượng còn rao bán cá độ bóng đá có 3 mức: Mức thứ nhất là chính xác 90%, mức VIP chính xác 95%, mức siêu VIP chính xác 99,9%.

Giải mã tâm lý tội phạm: Châu Việt Cường 'trừ tà' bằng tỏi khiến cô gái thiệt mạng / Giải mã tâm lý tội phạm: Giết 5 người trong gia đình ông chủ vì bị chửi

Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An vừa kết thúc chuyên án triệt xóa đường dây sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mạo nhận chuyên gia dự đoán rao bán kết quả lô đề và rao bán cá độ trên mạng xã hội, bắt 12 đối tượng.

Trước đó, ngày 17/1/2019, đơn vị phá thành công Chuyên án bắt giữ 8 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Nguyễn Văn Thường (SN 1995), Trần Văn Toàn (SN 1993), Nguyễn Văn Hiếu (SN 1994), Hồ Văn Thành (SN 1999), Nguyễn Xuân Toản (SN 1996), Nguyễn Đức Nhật (SN 1995), Hồ Đình Tài (SN 1995), Nguyễn Xuân Trung (SN 1991), cùng trú tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố 8 đối tượng, 8 vụ án khác nhau để điều tra.

Việc rao bán kết quả số lô đề được các đối tượng công khai trên facebook.

"Chúng tôi lấy làm buồn là, tất cả những đối tượng này đều đang ở độ tuổi rất trẻ, từ 20 - 26 tuổi, không nghiện hút ma túy, nhưng có máu đam mê cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá" Đại tá Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Trưởng Ban chuyên án nói.

Với mong muốn đổi đời và nướng vào các chiếu bạc, chơi cá độ bóng đá, chúng đã nghĩ ra thủ đoạn là mạo nhận các "chuyên gia" phân tích kết quả số lô, số đề, sử dụng các trang mạng xã hội lập ra dịch vụ soi cầu, lấy số, bạch thủ lô đề rao bán giá từ 1 triệu đến hàng chục triệu đồng.

Thủ đoạn của bọn chúng là nhắn tin, thậm chí lên trang web nạp tiền, nạp mã thẻ vào tài khoản của các đối tượng. Trang web này cũng tự động gửi số cho người mua. Mỗi con đề chúng bán ra với giá ít nhất 10-15 triệu đồng, thậm chí một trong những đối tượng trên rao bán số ba càng giá 100 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng này khẳng định, các số lô, số đề cung cấp cho khách hàng là do chúng tự nghĩ ra, không có căn cứ nào cả. Người dân mua số lô đề của các đối tượng này sẽ chuyển tiền bằng cách nạp thẻ trực tiếp trên các trang web hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng.

Với những tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Công an đã chứng minh số tiền các đối tượng lừa đảo là 26 tỷ đồng. Ngoài rao bán lô đề, các đối tượng còn rao bán cá độ bóng đá gồm có 3 mức: Mức thứ nhất là chính xác 90%, mức VIP chính xác 95%, mức siêu VIP chính xác 99,9%.

Từ lời khai của các bị can, kết hợp với đơn thư tố cáo của hàng trăm bị hại trong và ngoài tỉnh, Ban chuyên án nhận định ngoài 8 bị can bị bắt tạm giam còn nhiều đối tượng khác liên quan cũng thực hiện hành vi phạm tội trên. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng, Trưởng ban Chuyên án, chuyên án được mở rộng điều tra giai đoạn hai.

Các trinh sát hình sự và trinh sát chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong Ban chuyên án lại lặng lẽ cơm đùm khăn khói lên đường, hết vào Nam lại ra Bắc, thậm chí đánh đường vào tận các tỉnh miền Tây Nam bộ để lần theo dấu chân đen của nhóm đối tượng cực kỳ manh động này.

"Vấn đề quan trọng mà Ban chuyên án chúng tôi đưa ra phải khẩn trương bắt hết các đối tượng liên quan nằm trong diện điều tra mở rộng. Bởi, nếu để bọn chúng ở ngoài xã hội ngày nào thì việc gây ra các vụ lừa đảo khác là có thể nhất là những người thường chơi lô đề" Đại tá Nam nói.

"Cái khó khăn là, sau khi 8 đối tượng trên bị lực lượng Công an Nghệ An bắt tạm giam, những đối tượng khác trong đường dây sử dụng công nghệ cao để lừa đảo đã tạm ngừng các giao dịch trên mạng xã hội, xóa hết facebook cá nhân, hoặc thay facebook khác.

"Quá trình điều tra, mở rộng, các trinh sát báo về cho biết, một số đối tượng đã đi sang Lào, Đài Loan nhằm trốn sự vây bắt của cơ quan Công an, đồng thời tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng bằng thủ đoạn trên, gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy xét, bắt giữ", Đại tá Nam nói.

Đối tượng Đinh Văn Linh.

Tuy nhiên, đối với những đối tượng ở trong nước thì cũng hết sức cảnh giác, chúng vẫn thực hiện hành vi lừa đảo nhưng hết sức tinh vi, manh động. Chúng thường thay đổi phạm vi hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau nên các trinh sát phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, thậm chí mất ăn, mất ngủ để thu thập, xác minh các chứng cứ, tài liệu liên quan. Ngày hôm nay ở Hà Nội, nhưng hôm sau chúng đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh khiến các trinh sát trở tay không kịp.

"Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, bọn chúng không chỉ thay đổi địa điểm hoạt động, thay đổi chỗ ở, giọng nói… các đối tượng này cùng lúc lập nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, đồng thời đăng ký sử dụng dịch vụ Smartbanking trên điện thoại di động. Với việc làm này, các đối tượng cung cấp số tài khoản ngân hàng cho người chơi tự động chuyển tiền vào tài khoản, nên khi có giao dịch, tiền vào, tiền ra đều thông báo trên điện thoại.

Tiền mua số lô, đề được người chơi chuyển cho đối tượng bằng cách cào thẻ các nhà mạng rồi gửi mã số thẻ cho các đối tượng hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng", Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói.

Sau gần 6 tháng kiên trì điều tra, theo dõi, nắm bắt di biến động của từng đối tượng, kết hợp với việc sử dụng đồng bộ, linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, huy động tối đa lực lượng tham gia phá án, Ban chuyên án đã nhanh chóng xác định nơi lẩn trốn của các đối tượng. Theo đó, Ban chuyên án đã tiến hành đồng loạt bắt khẩn cấp 4 đối tượng khi đang có mặt tại bốn địa phương khác nhau, gồm Nguyễn Xuân Đoàn (SN 1998), Đinh Văn Linh (SN 1994), cùng trú tại xã Quỳnh Lâm; Trần Văn Trung (SN 1990) và Trần Văn Tiến (SN 1983), cùng trú tại xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Qua sao kê tài khoản ngân hàng của các đối tượng, phát hiện đối tượng đã lừa đảo hàng trăm người từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tổng số tiền mỗi đối tượng lừa đảo lên đến hàng tỷ đồng. Cụ thể, theo thống kê của các ngân hàng, Nguyễn Xuân Đoàn thực hiện hành vi lừa đảo số tiền 1,6 tỷ đồng; Trần Văn Trung 2 tỷ đồng; Đinh Văn Linh 4 tỷ đồng và Trần Văn Tiến 700 triệu đồng.

Tuy nhiên, đây chỉ là những con số mới xác minh được, trên thực tế, các đối tượng này đã thực hiện hành vi lừa đảo nhiều người ở các tỉnh, thành trên cả nước với số tiền có thể lên tới hàng chục tỷ đồng. Tại cơ quan Công an, các đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Cơ quan Công an đã tìm được 5 bị hại, chứng minh số tiền bị lừa đảo của những người này là 93 triệu đồng, trong đó mỗi người mất từ 3 - 6 triệu đồng cho các đối tượng.

Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết thêm: "Nhận thấy việc kiếm tiền bất chính một cách khá dễ dàng, các đối tượng này đã truyền tai nhau, chia sẻ kinh nghiệm để học nhau làm.

8 đối tượng bị bắt ngày 17/1/2019

Mỗi đối tượng lập một trang web riêng để lừa đảo, câu kéo người bị hại. Khi người chơi bị thua nhiều thì chúng giới thiệu sang trang web của đối tượng khác. Nhiều người chơi đã không ngại chi hàng chục triệu đồng để mua những con số, ôm mộng đổi đời. Cái khó trong công tác điều tra đó là các đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo, số điện thoại khuyến mãi để hoạt động".

Trong khi đó, ở chiêu lừa đảo này, bị hại sau khi đọc được những thông tin trên mạng đã trực tiếp liên lạc với các đối tượng để mua. Bị hại không chỉ là người trên địa bàn tỉnh mà rải rác ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước nên công tác xác minh mất nhiều thời gian và gặp khó khăn. Chưa kể các nạn nhân phần vì tâm lý xấu hổ, phần vì biết việc đánh lô, đề là vi phạm pháp luật nên không dám trình báo. Với hình thức này, có ngày các đối tượng thu về 4 - 5 triệu đồng.

Vì vậy, các đối tượng trong đường dây này mặc dù không có việc làm nhưng lại giàu lên một cách nhanh chóng, có nhà lầu, xe hơi. Điều này đã tạo ra hệ lụy nguy hiểm cho xã hội, nhiều thanh niên ở địa phương đã theo các đối tượng học hỏi "cách làm giàu" phi pháp này; từ đó, tạo ra một bộ phận thanh niên lười lao động, thích hưởng thụ cuộc sống, đam mê kiếm tiền bất chính. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An cũng thông báo những ai là bị hại của các đối tượng hãy báo về cho Phòng CSHS Công an Nghệ An để cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra, xử lý.

Vụ án đang được Công an Nghệ An tiếp tục mở rộng, điều tra.

Theo H.Trọng - H. Thương/cstc.cand
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm