Chồng mua nhà cho 'nhân tình', vợ phát hiện có được đòi lại hay không?
Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, 3 cửa hàng tại Big C Thăng Long bị xử phạt / Đội lốt tiểu thương thu mua nông sản để buôn hàng vạn viên ma túy
Nói chung, hầu hết các chuyện ngoài luồng đều phải liên quan đến tiền bạc, nhưng chúng ta cũng thấy rằng trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, chúng ta chưa nghiêm khắc trong việc trấn áp những hiện tượng xấu xí này.
Vậy trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, chúng ta có biện pháp xử lý kỷ luật nào không? Ngoài ra còn có một số trường hợp, ví dụ, chồng mua nhà cho nhân tình thì vợ có thể lấy lại ngôi nhà mà chồng đã mua cho tình nhân không?
Ảnh minh họa
Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:
Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Theo đó, tài sản chung của vợ chồng bao gồm:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng.
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản riêng của vợ chồng được quy định như sau:
Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Theo đó, tài sản riêng của vợ chồng bao gồm:
- Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn.
- tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân
- Tài sản được chia riêng cho vợ chồng khi thực hiện chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ chồng.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ chồng.
Chồng mua nhà cho nhân tình, vợ có được đòi lại hay không?
Chồng mua nhà cho nhân tình, vợ có đòi được hay không?
(i) Trường hợp chồng mua nhà cho nhân tình bằng tài sản riêng.
Căn cứ khoản 1 Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
Theo đó, trường hợp người chồng mua nhà cho nhân tình bằng tài sản riêng thì đây là tài sản riêng của người chồng, vợ không có quyền đòi chia căn nhà đó khi ly hôn.
Lưu ý: Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
(ii) Trường hợp chồng mua nhà cho nhân tình bằng tài sản chung của vợ chồng.
Căn cứ khoản 2 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Theo đó, trong trường hợp này, người vợ có quyền sử dụng, định đoạt tài sản này. Do đó, người vợ có quyền đòi lại căn nhà.
Trường hợp chồng mua nhà cho nhân tình bằng tài sản chung, vợ có thể đòi như thế nào?
Trường hợp, nhà đứng tên chồng thì đây đương nhiên là tài sản chung của vợ chồng. Khi ly hôn, căn nhà đó được chia theo thoả thuận hoặc yêu cầu toà án phân chia.
Trường hợp, nhà đứng tên nhân tình. Theo Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Đồng thời căn cứ Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
….
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Ngoài ra tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:
Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Mặt khác tại Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP có quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng như sau:
Điều 13. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng
1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.
Như vậy, việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng phải do vợ chồng thỏa thuận với nhau.
Cho nên nếu chồng dùng tài sản chung của hai vợ chồng mua nhà cho nhân tình thì người vợ có thể khởi kiện đòi tài sản vì chồng sử dụng tài sản chung của vợ chồng mà không phải vì nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Khi đó, giao dịch dân sự bị vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo