Đắk Lắk: Những án mạng đau lòng từ tranh chấp đất rừng
NHỮNG VỤ ÁN RÚNG ĐỘNG DƯ LUẬN TUẦN QUA: Sát hại bé gái 10 tuổi rồi chôn trong chậu xi măng, thiếu niên mang súng nhựa đi cướp ngân hàng / NHỮNG VỤ ÁN RÚNG ĐỘNG DƯ LUẬN TUẦN QUA: Giết bố đẻ vì không xin được tiền mua xe
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ tranh chấp đất khiến 1 người chết, 7 người bị thương tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. |
Hàng loạt án mạng vì tranh chấp đất rừng
Thời gian gần đây, tình trạng tranh chấp đất rừng, mua bán trái phép đất rừng tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Không ít lần những vụ tranh chấp đất nơi đây đã xảy ra đổ máu, thậm chí là án mạng gây chấn động dư luận địa phương.
Điển hình, vào khoảng 15h ngày 08/11/2017, người dân phát hiện anh Lê Văn Tài (SN 1989; thường trú thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) đã tử vong tại tiểu khu 267 xã Ea Bung (huyện Ea Súp) nên trình báo cho chính quyền sở tại.
Sau khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cơ quan điều tra (CQĐT) phát hiện trong thi thể nạn nhân Tài có một đầu đạn. Bước đầu, CQĐT nhận định Tài bị sát hại vì những mâu thuẫn do tranh chấp đất đai. Nhiều trinh sát dày dạn kinh nghiệm đã được cử vào hiện trường điều tra, thu thập manh mối nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra hung thủ gây án.
Cũng tại địa bàn xã Ea Bung, vào ngày 16/12/2017 đã xảy ra một vụ hỗn chiến vì tranh giành đất đai trên tiểu khu 263 khiến anh Phạm Thế Văn (SN 1991, ngụ thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) tử vong và 7 người khác bị thương.
Sau khi vào cuộc, CQĐT đã bắt khẩn cấp một số đối tượng liên quan và triệu tập nhiều người đến làm việc để lấy lời khai, làm rõ vụ án.
Kết quả điều tra bước đầu thể hiện, trong một thời gian dài, Đặng Công Hải (SN 1987, ngụ thị trấn Ea Súp) cùng một nhóm người xảy ra tranh chấp 8ha đất với gia đình bà Phạm Thị Phượng (SN 1973) tại tiểu khu 263, xã Ea Bung.
Đến chiều 16/12/2017, Hải cùng 7 đối tượng khác mang theo hung khí kéo vào tiểu khu 263 tranh giành đất. Sau đó, phía bà Phượng cũng huy động gần 30 người mang theo dao, rựa… ra ngăn cản.
Khi hai nhóm lời qua tiếng lại, Hải đã dùng súng bắn một phát về nhóm của bà Phượng nhưng không trúng ai. Tuy nhiên, sau tiếng súng đó, cả hai nhóm lao vào đánh nhau. Hậu quả của vụ hỗn chiến khiến 1 người tử vong tại chỗ, 7 người khác bị thương nặng.
Hiện Công an tỉnh Đắk Lắk đang mở rộng điều tra vụ án này để xử lý theo quy định của pháp luật.
"Giang hồ tứ xứ" về "quậy phá" địa phương
Nhiều cánh rừng đã bị "cạo trọc", chỉ còn sót lại vài cây nhỏ và bụi cỏ. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực tranh chấp xảy ra vụ trọng án nói trên là đất lâm nghiệp, đã được giao cho UBND xã Ea Bung quản lý. Tuy nhiên, khu vực này đã bị người dân xâm chiếm, canh tác từ nhiều năm nay để trồng cao su, hoa màu.
Do đất có nguồn gốc từ việc lấn chiếm trái phép, người dân mua đi bán lại nhiều lần nên tại xã Ea Bung việc tranh chấp đất đai diễn ra rất phức tạp. Đặc biệt, những năm gần đây, người dân từ các tỉnh như Long An, Tây Ninh... đến mua đất đã khiến tình hình thêm căng thẳng.
Theo phản ánh của một số người dân gần hiện trường vụ việc, thời gian qua có một số nhóm người lạ thường xuyên đi tranh chấp đất với người dân. Nhóm người này chủ yếu vào uy hiếp những gia đình mới “chân ướt chân ráo” tới mua đất nhằm mục đích chiếm đoạt hoặc lấy tiền “bảo kê”.
Một người dân cho biết: “Lúc đầu, chúng đi khoảng 3-4 người ai nấy đều xăm trổ, trông rất "giang hồ", đến nói chuyện và vòi vĩnh. Ai sợ thì đưa tiền cho chúng để yên thân canh tác; ai yếu vía thì "bỏ của chạy lấy người"; còn ai chống lại thì chúng kéo thêm mấy chục người, đi trên xe ô tô, mang theo hàng nóng như dao, mã tấu để giải quyết. Tùy theo diện tích đất canh tác mà người dân phải nộp tiền cho đám giang hồ, vài triệu cũng có mà vài chục triệu cũng có”.
Tương tự, ở xã Cư M’lan (huyện Ea Súp), tình hình lấn chiếm, mua bán trái phép đất rừng vẫn đang có chiều hướng diễn biến rất phức tạp. Cơ quan chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Theo ông Phạm Văn Dân, Phó chủ tịch UBND xã Cư M’lan, các đối tượng thường thực hiện việc lấn chiếm vào ban đêm hoặc các ngày nghỉ. Ngoài ra, mỗi lần chặt cây, lấn đất, các đối tượng luôn cho người canh chừng dọc các tuyến đường để cảnh giới. Do đó, lực lượng chức năng của xã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, khó bắt quả tang, lập biên bản đối với những đối tượng vi phạm.
Cũng theo ông Dân, mới đây, UBND xã đã phát hiện có việc mua bán đất rừng trái phép xảy ra tại tiểu khu 286 giữa 4 đối tượng ở địa phương khác và các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số.
Chòi rẫy của ông Hiền bị các đối tượng xấu cưa sập và đốt vì tranh chấp đất. |
Được biết, phần đất mà các đối tượng thực hiện việc mua bán là đất rừng, có diện tích khoảng 14ha. Vào năm 2011, phần đất này do ông Nguyễn Tất Hiền (trú tại thôn 6, xã Cư Mlan, huyện Ea Súp) bao chiếm để cho cây rừng (chiêu liêu, căm xe) tái sinh và trồng cây tràm.
Đến đầu 2018, các đối tượng gồm Đặng Công Thận, Đặng Công Hùng, Đặng Văn Quyền và Nguyễn Văn Doanh (cư trú tại thôn 8, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) đã đưa máy móc, nhân công vào san ủi, cày xới phần đất mà gia đình ông Hiền đang quản lý. Ngoài ra, căn chòi ông dựng trên đất để trông coi cây cối cũng bị các đối tượng cưa sập, đốt cháy để "dằn mặt".
Bức xúc, ông Hiền làm đơn tố cáo gửi lên UBND xã Cư M’lan và các phòng ban chuyên môn tại huyện Ea Súp. Khi tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng xã Cư M’lan đã tịch thu 02 giấy bán đất (viết tay) có tổng trị giá 130 triệu đồng của 4 đối tượng nói trên với 2 hộ người đồng bào Mông để xử lý.
Do cả 4 đối tượng đều là người địa phương khác nên UBND xã Cư M’lan đã giao cho cơ quan công an cùng cấp tiến hành báo cáo lên Công an huyện Ea Súp để phối hợp, xử lý theo quy định.
Vè vụ việc này, ông Dân cho biết: “Mảnh đất xảy ra tranh chấp và bị các đối tượng đem bán là đất rừng, bất kỳ ai xâm chiếm, canh tác đều vi phạm. Tuy nhiên, trong thời gian bao chiếm, ông Hiền vẫn giữ nguyên hiện trạng cây rừng, khoanh nuôi và chăm sóc các cây rừng lớn lên. Ngược lại, 4 đối tượng nơi khác đến đã cho máy san ủi, hủy hoại để lấy đất bán cho các hộ đồng bào canh tác. Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng lực lượng của xã mỏng, công cụ hỗ trợ thiếu nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh với các đối tượng xấu, có hành vi lấn chiếm, mua bán đất rừng trên địa bàn”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo