Pháp luật

Đồng Nai: Lão nông 20 năm “đội đơn” đi kiện

Vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng nhận khoán hồ nuôi cá ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, trải qua 6 phiên tòa kéo dài gần 20 năm nhưng vẫn chưa kết thúc.

Nghệ An: Đánh chết bạn rồi kéo ra đường để tạo hiện trường giả / TP.HCM: Thay tên đổi họ trốn truy nã 25 năm, kẻ giết người đã sa lưới

Thành quả từ việc thuê, cải tạo…
Năm 1992, ông Trần Hữu Sỹ (năm nay 78 tuổi, ngụ Ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) ký hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ Du lịch thuộc Lâm trường Mã Đà để thuê khoán bảo vệ, đầu tư nuôi trồng và khai thác thủy sản hồ vườn ươm với diện tích 27ha. 3 năm sau, trung tâm này giải thể, ông Sỹ lại ký tiếp “Hợp đồng nhận khoán hồ vườn ươm” với Lâm trường Mã Đà để tiếp tục được cải tạo, nuôi trồng và khai thác du lịch...
Hợp đồng bắt đầu từ ngày 1/5/1995, thời hạn 20 năm, mỗi năm ông Sỹ phải đóng tiền thuê 5 triệu đồng. Theo đó, định kỳ 5 năm hai bên sẽ phải ngồi lại để xem xét sự thay đổi, điều chỉnh vì lợi ích chung.
Ông Sỹ tại khu vực hồ vườn ươm do ông bỏ công cải tạo từ rừng ngập nước rộng 27ha nhưng không được đền bù thỏa đáng.

Ông Sỹ tại khu vực hồ vườn ươm do ông bỏ công cải tạo từ rừng ngập nước rộng 27ha nhưng không được đền bù thỏa đáng.

Trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 1997, ngoài đầu tư cải tạo hồ với tổng số tiền hơn 1,37 tỷ đồng, ông Sỹ còn thả hơn 3 triệu con cá bột và 650kg cá thịt.
Thế nhưng năm 1998, Lâm trường Mã Đà yêu cầu ông Sỹ thu hoạch cá nhưng không cho tát cạn để giữ nước phòng chống cháy rừng, đồng thời không cho thả cá nữa để thanh lý hợp đồng và yêu cầu nộp tiền thuê hồ còn thiếu là 5 triệu đồng.
Đến tháng 6/2000, khi ông Sỹ trả hết tiền thuê thì cũng là lúc Lâm trường đơn phương thanh lý hợp đồng để tổ chức đấu thầu và cho Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP HCM thuê hồ với giá 75 triệu đồng/năm. Bản thanh lý hợp đồng do vợ ông Sỹ là bà Trần Thị Điểm ký.
4 tháng sau, ông Sỹ khởi kiện Lâm trường Mã Đà ra tòa yêu cầu bồi thường khoản tiền đã đầu tư nêu trên và lãi suất theo quy định của pháp luật.
Hành trình 20 năm với 6 phiên tòa
Phiên tòa sơ thẩm đầu tiên diễn ra vào ngày 29/8/2003.
Theo phán quyết của TAND huyện Vĩnh Cửu thì trách nhiệm của Lâm trường Mã Đà phải bồi thường các khoản chi phí là hơn 906 triệu đồng, trong đó có cả lãi suất ngân hàng. Riêng lượng cá và loại cá được tính theo thời điểm giá năm 1997-1998 là 110 triệu đồng.
Đến ngày 8/6/2004, TAND tỉnh Đồng Nai quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ lại cho TAND huyện Vĩnh Cửu điều tra, giải quyết theo thủ tục chung.
Ngày 18/9/2006, TAND huyện Vĩnh Cửu mở phiên tòa sơ thẩm lần 2. Theo quan điểm của Tòa thì ông Sỹ đòi bồi thường số tiền hơn 1,37 tỷ đồng nhưng không có hóa đơn, chứng từ hoặc hợp đồng thuê mướn nhân công, máy móc… Tuy nhiên, thực tế ông Sỹ có đầu tư cải tạo, thả cá giống, thuê nhân công, do đó cần xem xét tính toán thực tế theo cung cấp của cơ quan chuyên môn gồm: Chi phí đắp đập và tát cạn hồ do Công ty Tư vấn Xây dựng Đồng Nai cung cấp theo thời điểm năm 2006 là 630 triệu đồng. Từ căn cứ trên, bản án sơ thẩm tuyên buộc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (Lâm trường trước đây) phải bồi thường cho ông Sỹ 630 triệu đồng.
1 năm sau, TAND tỉnh Đồng Nai xét xử lại theo đơn kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn. Lần này, Tòa vẫn căn cứ vào tính toán của Công ty Tư vấn Xây dựng Đồng Nai, giữ nguyên mức bồi thường như phiên tòa sơ thẩm.
Sau 4 phiên tòa, ông Sỹ làm đơn gửi lên Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao.
Ngày 17/9/2010, Viện KSND Tối cao có quyết định kháng nghị, hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đó của Tòa huyện Vĩnh Cửu và tỉnh Đồng Nai.
Đến ngày 17/12/2010, Tòa Dân sự TAND Tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị trên của Viện KSND Tối cao, hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án lại cho TAND huyện Vĩnh Cửu xét xử sơ thẩm lại vụ án.
Theo Hội đồng thẩm phán, các cấp tòa trước căn cứ vào bảng dự toán của Công ty Tư vấn Xây dựng Đồng Nai cung cấp gồm chi phí: Đắp đập và bơm nước ra khỏi lòng hồ theo số liệu năm 2006 để bồi thường cho ông Sỹ hơn 630 triệu đồng là không chính xác.
Ngoài ra, theo ông Sỹ, ông còn phải bỏ chi phí ra để dọn chà, gốc cây, lấp hố bom, san phẳng 27ha lòng hồ là 275 triệu đồng; Thả 3 triệu con cá bột và 650kg cá thịt nhưng chưa được thu hoạch, cộng những khoản chi phí khác như: Mua thức ăn cho cá, làm 4 lán trông cá, mua đường ống và máy bơm nước, do đó ông Sỹ yêu cầu được Lâm trường thanh toán. Đó là những khoản chưa được hai cấp tòa xem xét là chưa đảm bảo quyền lợi của đương sự.
Vụ án dân sự trải qua 6 phiên tòa kéo dài gần 20 năm nhưng vẫn chưa kết thúc.

Vụ án dân sự trải qua 6 phiên tòa kéo dài gần 20 năm nhưng vẫn chưa kết thúc.

Sau quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao vào năm 2010, mãi đến 9 năm sau, tức tháng 5/2019, TAND huyện Vĩnh Cửu mới mở lại phiên tòa sơ thẩm lần 3. Sau vài lần hoãn để xem xét lại chứng cứ, đến ngày 3/10/2019, Tòa tuyên Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Lâm trường cũ - PV) phải hoàn trả cho ông Sỹ hơn 1,231 tỷ đồng. Theo bản án, do việc chấm dứt hợp đồng không phải lỗi của Lâm trường trước đây nên bị đơn không phải chịu tiền lãi.
Về yêu cầu hoàn trả số tiền thả 3 triệu con cá bột, 650kg cá thịt,… Tòa cho rằng, vì thời điểm mua cá, ông Sỹ không có hóa đơn mua bán, việc ươm cá bột thành cá con tỷ lệ hao hụt bao nhiêu? Thời điểm thả cá không thông báo cho Lâm trường biết nên không có căn cứ để hoàn trả tiền mua cá.
Những vấn đề còn bỏ ngỏ
Trước phán quyết của Tòa sơ thẩm trên, ông Sỹ - người theo đuổi vụ kiện gần 20 năm nay, rất bức xúc: “Công sức tôi, tiền của tôi bỏ ra cải tạo, rồi chẳng lẽ cải tạo hồ để chơi, không thả cá? Tôi cải tạo làm đẹp cho Lâm trường Mã Đà, làm tăng giá trị của Lâm trường nhưng đến bây giờ tòa chỉ tuyên là trả tiền vốn cho tôi, không tính tiền lãi. Như thế là không công bằng!”.
Theo Luật sư Trần Đình Dũng (Công ty Luật TNHH MTV Đông Pháp, thuộc Đoàn Luật sư TP HCM) thì việc TAND huyện Vĩnh Cửu không xem xét hoàn trả tiền mua cá là đi ngược lại với quan điểm của TAND Tối cao. Đồng thời, trong vụ án này, ngay khi làm đơn khởi kiện, ông Trần Hữu Sỹ đã yêu cầu trả lãi suất theo ngân hàng, nhưng Tòa không xem xét là thiếu sót.
Nghĩa vụ thanh toán số tiền hoàn trả cho ông Sỹ phải thực hiện sau khi hai bên dừng hợp đồng từ năm 2000, nhưng từ đó đến nay bị đơn vẫn chưa thanh toán cho nguyên đơn nên phải có trách nhiệm bồi thường lãi suất. Tòa án cấp sơ thẩm không tính toán khoản tiền này cho nguyên đơn là đã tước đi quyền lợi chính đáng của nguyên đơn.
Lâm trường Mã Đà nay là Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (bị đơn của vụ kiện).

Lâm trường Mã Đà nay là Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (bị đơn của vụ kiện).

Cũng theo Luật sư Trần Đình Dũng, về việc tính số tiền cá, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 3/10, Kiểm sát viên Nguyễn Tất Đắc cũng đưa ra quan điểm cho rằng, cần phải xem xét các mặt tổng thể như: Tổng số tiền ông Sỹ đầu tư vào cải tạo hồ nuôi cá là bao nhiêu? Mua cá giống của ai? Trong thời gian nào? Số lượng bao nhiêu? Mật độ chủng loại cá thả thế nào? Lượng thức ăn nuôi cá là gì, mua ở đâu?Ai là người chăm sóc cá? Kết quả chăm sóc cá như thế nào? Xác định tỷ lệ hao hụt cá là bao nhiêu? Trọng lượng các loại cá như thế nào? Căn cứ để xác định trọng lượng cá và giá thành là bao nhiêu?... Theo quan điểm của Viện Kiểm sát thì Tòa đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong xác minh, thu thập chứng cứ.
Theo hồ sơ vụ án có xác nhận của Trại sản xuất và bán sỉ - lẻ các loại cá giống Bàu Cá 2 là vào năm 1997 đã bán cho ông Trần Hữu Sỹ 650kg cá với giá 25 triệu đồng; Trại cá giống Bình An (Thị xã Dĩ An, Bình Dương) bán cho ông Sỹ 3 triệu con có bột với giá 4,5 triệu đồng. Thế nhưng, khi đưa ra phán quyết, Tòa sơ thẩm cho rằng cần phải có hóa đơn mua bán thì mới có căn cứ để xem xét.
Theo quan điểm của Luật sư Trần Đình Dũng và nhiều chuyên gia pháp lý, việc yêu cầu phải có hóa đơn cho một giao dịch cách đây 22 năm thì không khác nào Tòa đang đánh đố đương sự.
Nguyên đơn - ông Trần Hữu Sỹ đã theo đuổi vụ kiện với Lâm trường Mã Đà (nay là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) từ khi 59 tuổi, nay ông đã bước sang tuổi 78 mà vụ án này vẫn chưa được giải quyết xong. Ông bày tỏ mong muốn, trong phiên phúc thẩm mọi việc sẽ được xem xét toàn diện, có tình, có lý để ông được nhận lại những gì xứng đáng thuộc về mình.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm