Hà Nội: Trả hồ sơ vụ “buôn bán mì chính giả” để điều tra theo tội danh khác
Kịch bản lừa đảo hoàn hảo của kẻ bán số đề "ảo" qua mạng xã hội / Vụ trộm 430 lượng vàng trong 6 năm ở Quảng Nam: Củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án
TAND Thị xã Sơn Tây tiếp tục mở lại phiên toà xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đào Thị Lương (SN 1961, trú tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” quy định tại khoản 1, điều 193, Bộ luật Hình sự 2015 sau 4 tháng tạm hoãn vào sáng qua 22/1.
Trình bày trước Hội đồng xét xử, đại diện Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho biết, khi tiếp nhận tang vật của vụ án để tiến hành giám định, quan sát bằng mắt nhận thấy không có biểu hiện gì bất thường. Đối tượng giám định được mô tả giống với biên bản niêm phong kèm theo.
Tuy nhiên không thể xác định được chữ ký trên giấy niêm phong có phải của bị cáo Lương và chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (con dâu bà Lương) hay không.
Còn điều tra viên Lê Văn Phước cho biết, để tiến hành các biện pháp tố tụng đối với Đào Thị Lương, cơ quan điều tra sẽ căn cứ trên kết luận giám định về các gói mì chính đã thu giữ là giả.
Hồ sơ vụ án thể hiện thời điểm bắt giữ bị cáo Lương từ 15-16h ngày 19/12/2016, được đại diện chính quyền địa phương chứng kiến, ký vào biên bản. Cơ quan điều tra đã “thi hành lệnh bắt khách quan, đúng quy trình”. Toàn bộ quá trình điều tra vụ án được diễn ra thế nào thì cơ quan điều tra sẽ lập biên bản thể hiện đúng như vậy.
Để làm rõ các tình tiết của vụ án, Hội đồng xét xử đặt câu hỏi về thời điểm khám xét nơi ở của bị cáo Đào Thị Lương đối với ông Nguyễn Hữu Vị (chồng Lương) - với tư cách người làm chứng.
Trình bày trước tòa, ông Vị cho biết, cơ quan điều tra tiến hành khám xét nơi ở của gia đình, đồng thời tiến hành bắt giữ bà Lương vào ngày 18/12.
Ông Vị không hiểu vì sao trong biên bản bắt giữ bị can không thể hiện chữ ký của mình, lại còn diễn ra vào ngày 19/12/2016.
Trình bày trước tòa, đại diện viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm như cáo trạng đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị Đào Thị Lương mức án từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo đại diện viện kiểm sát, việc điều tra, truy tố đối với vụ án được tiến hành đúng thẩm quyền. Kết luận giám định là hoàn toàn khách quan.
Đối với hành vi của bà Nguyễn Thị Tuyên (là người bán mì chính giả cho bà Lương), cơ quan điều tra đã tiến hành tách riêng để tiếp tục củng cố hồ sơ, làm rõ người này có phạm tội hay không, nên không thể khẳng định là “bỏ lọt tội phạm” như quan điểm của các luật sư đã đưa ra.
“Viện kiểm sát khẳng định quan điểm của viện kiểm sát là Đào Thị Lương có tội. Việc viện kiểm sát truy tố đối với Đào Thị Lương về tội buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm theo quy định tại khoản 1, điều 193, Bộ luật Hình sự 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng pháp luật” - vị này cho hay.
Trong khi đó, các luật sư Trương Tiến Dũng - bào chữa cho bị cáo Đào Thị Lương - lại cho rằng, cáo trạng truy tố theo khoản 1, điều 193, Bộ luật Hình sự 2015 là không chính xác vì hành vi của bà Lương xảy ra cuối năm 2016.
“Không thể áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 được. Thời điểm nào áp dụng Bộ luật Hình sự 1999, áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 đã được Quốc hội quy định rất rõ. Nếu hành vi của bà Lương xảy ra sau ngày 1/1/2018 thì mới có đủ dấu hiệu phạm tội buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” - luật sư Dũng nhìn nhận.
Theo luật sư, cần phân biệt mì chính là thực phẩm hay phụ gia thực phẩm vì đây là căn cứ để xác định hành vi của bà Lương có được Bộ luật Hình sự 1999 quy định là tội phạm hay không?
Luật An toàn thực phẩm 2010 cho biết, thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn uống ở dạng tươi sống. Còn mì chính là điều vị, một trong các chất phụ gia được quy định trong Thông tư số 27/2012/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm.
"Việc cơ quan tư pháp của Thị xã Sơn Tây vào cuộc điều tra vụ án trong gần 2 năm, đã 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, phiên tòa phải tạm hoãn, tạm dừng 4 lần và thay đổi 3 vị thẩm phán với một người nông dân số bán hàng có tổng trị giá 234 nghìn đồng, được lãi 10 nghìn đồng liệu có hợp tình người?"- ông Dũng đặt vấn đề và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Đào Thị Lương không phạm tội như bản cáo trạng của viện kiểm sát truy tố.
Được nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Đào Thị Lương cho rằng gia đình có mua mì chính về cưới con trai, còn thừa nên cất giữ trong nhà để ăn dần. Do tiếc của nên bị cáo Lương mang vài gói ra chợ phiên để bán và không đó là mì chính giả. Vì vậy, bị cáo mong rằng, Hội đồng xét xử sẽ xem xét công minh đối với hành vi của bị cáo.
Trước những thông tin đó, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ vụ án cho VKSND Thị xã Sơn Tây để điều tra bổ sung, xác định tội danh đúng với hành vi phạm tội mà bị cáo Đào Thị Lương đã thực hiện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo