Hồ sơ

Góc nhìn luật sư về việc tử tù trong vụ án ma tuý Sơn La kêu oan: “Thực hiện đầy đủ quy trình tố tụng tránh oan sai”

DNVN - Những năm qua, có rất nhiều gia đình gửi đơn kêu cứu, bị cáo các vụ án kêu oan. Điển hình trong các vụ án, có thể nói về vụ án ma tuý ở Sơn La đã kéo dài 8 năm. Đến nay, vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, quá trình điều tra và tố tụng chưa đủ chứng cứ chứng minh tội phạm.

Ngày 08/06/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số: 4577/VPCP- V.I về việc chuyển đơn, thư của công dân. Theo đó công dân có đơn là ông Nguyễn Văn Thân có địa chỉ tại Thôn Phù Đề, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam (bố của bị cáo Nguyễn Chí Huân) sau khi xem xét đơn kêu oan của ông Thân, Văn phòng Chính phủ đã giao cho Toà án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo quy định.

Văn bản chuyển đơn thư của Văn phòng Chính phủ liên quan đến vụ án ma túy ở Sơn La.

Văn bản chuyển đơn thư của Văn phòng Chính phủ liên quan đến vụ án ma túy ở Sơn La.

Cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng cần điều tra làm rõ các tình tiết trong vụ án

Sau khi nghiên cứu hồ sơ về vụ án, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, đoàn luật sư Thành phố Hà Nội bày tỏ quan điểm như sau:

Đối với vụ án ma tuý ở Sơn La là một vụ ma túy lớn, trong đó Nguyễn Chí Huân là một trong 4 bị cáo trong vụ án cho rằng mình bị oan, vợ và bố của bị cáo đã gửi đơn kêu oan đến cơ quan có thẩm quyền xem xét. Bởi trong vụ án, chứng cứ buộc tội duy nhất của Huân là lời khai của Hùng và Trung. Trong suốt quá trình điều tra, có nhiều tình tiết mâu thuẫn, ngay cả trong lời khai của Hùng cũng có sự mâu thuẫn, không thống nhất, không thể điều tra bổ sung thêm như nhận dạng người, nhận dạng nhà, đối chất nên việc kết luận và tuyên án phạt đối với bị cáo Huân có thể oan sai khi chưa đủ chứng cứ thuyết phục, chứng minh tội phạm.

Ví dụ điển hình, trường hợp này, khi có mâu thuẫn giữa các lời khai của nhiều người, Điều tra viên phải tiến hành đối chất theo quy định tại Điều 189 BLHS 2015 nhưng trong quá trình điều tra không thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng đến quá trình tố tụng, không khách quan trong quá trình điều tra.

Về hành vi của bị cáo Huân, khi lực lượng chức năng thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét chỗ ở của Huân thu giữ được 3 khẩu súng tiểu liên AK, 208 viên đạn, 01 khẩu súng K54, 5 viên đạn cùng 10 băng tiếp đạn, 01 khẩu súng col, 2 thanh đao và một số tài sản, giấy tờ khác. Theo quy định của pháp luật tại Khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ 2017 về các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ: “Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo”. Do đó, việc Huân tàng trữ vũ khí quân dụng tại nhà đã vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vũ khí sẽ bị truy tố về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 304 BLHS 2015. Với những vũ khí thu giữ được tại nhà Huân, Huân có thể bị kết án từ 05 đến 12 năm tù theo quy định tại Khoản 2 Điều 304 BLHS.

Đối với hành vi mua bán trái phép chất ma túy, còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, quá trình điều tra và tố tụng chưa đủ chứng cứ chứng minh tội phạm nên chưa thể kết luận được hành vi phạm tội của Huân. Cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng cần điều tra làm rõ các tình tiết trong vụ án, thu thập chứng cứ, thực hiện đầy đủ quy trình trong quá trình tiến hành tố tụng để làm rõ tội phạm, đúng người đúng tội, tránh oan sai và không bỏ lọt tội phạm.

Ngoài ra, luật sư Hùng cũng chia sẻ thêm thông tin: Những năm gần đây, chúng ta thấy có nhiều vụ án hình sự có dấu hiệu oan sai, bắt giữ, kết tội người vô tội. Theo Báo cáo công tác năm 2019 trước Quốc hội, Ủy bạn Tư pháp cho biết, chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu, số trường hợp bị oan sai tăng 58,3% so với năm 2018. Vậy nguyên nhân dẫn đến oan sai là gì?

Về nguyên nhân khách quan: Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, nhiều nhóm tội phạm cùng thực hiện hành vi, xảy ra trên nhiều địa bàn khác nhau, nhất là những địa bàn miền núi, dọc biên giới quốc gia khiến cho việc thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, số vụ án mỗi năm mà các cấp khởi tố điều tra là rất lớn mà lực lượng điều tra biên chế còn hạn chế, gây áp lực lớn và số án đang quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng điều tra và xử lý tội phạm. Ngoài ra, như chúng ta thấy rằng lực lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán còn thiếu, có một số còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc oan sai trong vụ án hình sự.

Về nguyên nhân chủ quan: Một số bộ phận Điều tra viên do vẫn còn tư tưởng chủ quan, nóng vội, hay vì tư tưởng thành tích, áp lực cần kết thúc vụ án sớm nên việc thu thập chứng cứ chưa thật sự cẩn thận, chưa thu thập hết chứng cứ hoặc bị can nhận tội mà không cần thu thập thêm chứng cứ nữa. Kiểm sát viên được phân công kiểm sát chưa làm hết trách nhiệm, dẫn đến quá trình điều tra còn sơ sài, thiếu khách quan, thực hiện bức cung, nhục hình mà Kiểm sát viên không phát hiện ra sai phạm để khắc phục kịp thời. Thậm chí,trong 1 số vụ án yêu cầu phải có sự tham gia bào chữa của luật sư, trưng cầu giám định tâm thần, giám định độ tuổi của bị can theo quy định của pháp luật là bắt buộc nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện dẫn đến việc không xác định đúng tội phạm,…

Vụ án ma tuý Sơn La được đánh giá là vụ án có nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ. Vì vậy, các cơ quan chức năng, cần xem xét cân nhắc kỹ lưỡng, thuyết phục trước khi đưa ra bản án kết tội.

luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Sau 5 phiên toà, tử tù Nguyễn Chí Huân và gia đình không ngừng gửi đơn kêu oan

Theo đơn thư của ông Nguyễn Văn Thân (bố của bị cáo Nguyễn Chí Huân), Vụ án “mua bán trái phép chất ma túy tại Sơn La” đã qua 5 phiên tòa (1 phiên tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, 2 phiên tòa sơ thẩm, 2 phiên tòa phúc thẩm). Ông Thân là người được tham gia trực tiếp, được chất vấn tại các phiên tòa nên tôi nắm rõ nội dung vụ án và những nỗi oan mà con mình phải gánh chịu.

Ông Thân thông tin: “Phiên tòa phúc thẩm ngày 23/8/2018 do TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử, tiếp tục chứng kiến toàn bộ diễn biến phiên tòa tôi càng thấy sự vô tội của con tôi đã bị đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Hội đồng xét xử cố tình bỏ qua các chứng cứ vô tội mà chỉ nhằm quy kết, buộc cho con tôi tội danh và cái chết mà con tôi không hề liên quan với những luận điểm cực kỳ phi lý, không có cơ sở, không có căn cứ chứng minh. Hội đồng xét xử hoàn toàn dựa vào lời khai 1 chiều của 2 bị cáo bị bắt quả tang là Trần Mạnh Hùng và Nguyễn Đức Trung. Trong khi quá trình điều tra, truy tố và xét xử thì lời khai của 2 bị cáo này đều không thống nhất, đầy rẫy những mâu thuẫn, có lời khai nhận tội nhưng khẳng định là do bị ép cung, lời khai thừa nhận lần đầu vận chuyển ma túy thuê chứ chưa bao giờ có việc mua bán ma túy với con tôi và bị cáo Nam.

Vụ án này chỉ có bị cáo Hùng, Trung là bị bắt quả tang, còn con tôi - Huân, bị cáo Nam là truy xét. Vậy khi bị truy xét phải xem xét tới những yếu tố cần làm sáng rõ để chứng minh có hay không hành vi phạm tội, như: Đối chất; nhận dạng; thời điểm giao hàng; địa điểm giao hàng; giá của mỗi bánh; phương tiện phạm tội và các lời khai của các bị cáo.

Tuy nhiên, trong vụ án này căn cứ kết tội con tôi hết sức mờ ảo. Chứng cứ duy nhất kết tội con tôi là dựa trên lời khai của Trung và Hùng, còn con tôi luôn kêu oan kể từ khi bị bắt đến nay qua nhiều giai đoạn từ điều tra, truy tố và 5 phiên tòa.

Bản án sơ thẩm quy kết Huân bởi 2 hành vi:

1.Hành vi 2 bánh heroin mua bán với Phương, Trung, Hùng, án sơ thẩm thể hiện rằng:

Tháng 8/2011, Phương nói với Hùng việc Phương đánh bạc trên mạng Internet với Huân bị thua và nợ Huân 500 triệu đồng. Huân buộc Phương phải bán ma túy cho Huân để trừ nợ. Hùng gặp Trung rủ Trung tham gia và Trung đồng ý. Sau đó Phương, Hùng gặp Páo trao đổi và cùng người đàn ông tên là Lồng sang Lào mua được 2 bánh heroin với giá là 260 triệu đồng

Hôm sau Phương chở Hùng, Trung mang 2 bánh về Hà Nam, gần đến nơi Phương gọi điện cho Huân ra đón Hùng, Trung. Khi ngồi trên xe Hùng đưa cho Trung mỗi người 1 bánh bỏ vào cạp quần lấy áo che lại rồi xuống xe còn Phương đi rửa xe. Một lúc sau Huân, Nam đi xe ô tô Huyndai màu đen ra đón và giao ma túy tại tầng 2 nhà Nam.

Tuy nhiên, với hành vi này, suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử qua 4 phiên toà, bị cáo Huân đều không thừa nhận, vẫn chỉ là lời khai 1 phía từ Hùng Trung. Trong khi đó, Hùng Trung có quá nhiều lời khai mâu thuẫn với chính lời khai của mình trong giai đoạn đầu khi mới bị bắt. Cụ thể:

Trung khai: Đến ngã ba đèn đỏ gần ngân hàng Phủ Lý thì Hùng, Trung thấy Phương gọi điện (không rõ cho ai) bảo ra đón còn Phương đi rửa xe. Hùng mang theo 2 bánh heroin xuống xe. Tại bản khai khác, Trung lại khai thấy Hùng là người gọi điện cho ai đến đón, không phải Phương.

Các lời khai khác lại phản ánh Hùng, Trung không biết Phương gọi điện cho ai, vậy căn cứ nào xác định Phương gọi điện cho Huân, Nam ra đón? Trước khi Huân, Nam ra đón thì Hùng, Trung chưa biết Huân Nam, vậy căn cứ nào xác định Huân Nam đi xe Huyndai màu đen ra đón các đối tượng?

Trung khai tháng 9/2011 đã cùng Hùng và Phương đến nhà người đàn ông đối diện cây xăng sau này mới biết đó là Nam nhưng sau đó Trung lại khai lần 1 Trung đến nhà Nam là khi Trung và Hùng giao 2 bánh, nếu đúng như vậy thì lần giao này phải biết Huân Nam nhưng Trung lại khai đến khi bị bắt, nhận dạng, làm việc với Cơ quan điều tra Trung mới biết Huân Nam.

Như vậy, việc Hùng Trung biết Huân Nam vào thời điểm nào thì không thể làm rõ được tại cả 2 giai đoạn điều tra là Công an tỉnh Sơn La và Bộ công an.

Về việc xuất hiện 2 bánh Heroin cũng có rất nhiều mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo Hùng, cụ thể:

Hùng khai: Trên xe Phương nói mỗi người 1 bánh giắt vào cạp quần và lên đến nhà Nam, cả 2 mỗi người bỏ 1 bánh xuống đất.

Hùng lại khai: Chúng tôi xuống xe chờ 1 lát thấy xe 4 chỗ màu đen đi đến dừng lại tôi cầm 2 bánh heroin cùng Trung lên xe thì thấy Nam ngồi ở ghế phụ, Huân lái xe, 2 chúng tôi ngồi sau. Khi về nhà Nam tôi bỏ 2 bánh ra, thỏa thuận giá 155 triệu/bánh

Sau đó Hùng lại khai: Khi Huân Nam đến, Hùng Trung đi xe của Huân. Khi vào nhà Nam tại tầng 2 tôi bỏ 2 bánh Heroin xuống nền nhà. Khi đối chất tại Bộ Công an và BAST khẳng định: Hùng khai mỗi người 1 bánh giắt vào cạp quần.

Đối với bị cáo Huân, Huân khẳng định không có hành vi này và không bao giờ gặp Hùng Trung và không có việc mua bán 2 bánh này tại nhà Nam. Lời khai này của Huân Nam phù hợp với lời khai của Hùng tại phiên tòa phúc thẩm lần 2. Như vậy, án sơ thẩm quy kết hành vi này với Huân là không có căn cứ.

2. Về hành vi 17 gói Heroin

Bản án sơ thẩm quy kết hành vi mua bán trái phép 17 gói heroin của Bùi Văn Phương, Nguyễn Chí Huân và Đào Đình Nam, Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Đức Trung.

Án sơ thẩm nhận định khoảng tháng 01/2012 Phương đem 3,1 tỷ lên Điện Biên gặp Páo, 4 ngày sau Páo điện thoại cho Trung gặp Ré và Ré giao cho Trung 17 gói – Trung giao cho Phương, cụ thể:

Sáng 19/1/2012 Phương, Hùng, Trung xuống Hà Nam, trên đường đi Phương gọi cho Huân Nam thống nhất giao trên QL 1

Khi gặp Huân Nam đi xe du lịch loại 9-12 chỗ, Hùng Trung không nhớ biển số xe đỗ trước xe Phương, Huân lái xe còn Nam đi về phía Trung đưa túi xách 17 gói heroin và Nam đưa 500 triệu là tiền công các lần vận chuyển. Nam cầm túi heroin về xe và cầm chai rượu Chivat 21 cho Phương. 500 triệu này Hùng đưa thêm cho Phương 50 triệu để mua xe của ông Thuần, xe này là tài sản của Hùng và Trung.

Với hành vi này, trải qua 4 phiên tòa và các giai đoạn điều tra của Công an Sơn La và Bộ Công an cũng không thể làm rõ.

Về nguồn tiền 3,1 tỷ để mua 17 gói:

Bị cáo Hùng khẳng định: Hùng trực tiếp đến nhà Huân lấy tiền 2 lần:

Lần 1: cuối tháng 9/2011 cùng Phương đến lấy 1,6 tỷ

Lần 2: vào tháng 11/2011 cùng Phương vào nhà Huân lấy 1,7 tỷ.

Bản án sơ thẩm quy kết 17 gói với giá 3,1 tỷ nhưng lời khai của bị cáo Hùng thể hiện: Huân gọi điện cho Phương xuống lấy 3,4 tỷ Páo mua cho Phương 17 gói. Sau đó Hùng lại khai: Huân giao cho tôi 3,1 tỷ tôi đem lên Điện Biên gọi cho Trung để giao cho Páo. Sau khi lấy được hàng, Trung mượn xe của Páo cùng tôi vận chuyển 16 túi xuống cho Huân và Nam. Khi nhận Huân, Nam đưa cho Trung 500 triệu. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm cho rằng 500 triệu này là tiền công cho các lần vận chuyển và không có tiền để mua ma túy.

Về giá 17 gói heroin này đến phiên tòa phúc thẩm lần 2 vẫn không thể làm rõ được.

Bị cáo Hùng khai: Trung xuống xe sang gần đến nơi thì gặp Nam mang túi tiền sang nên Trung giao ma túy cho Nam và cầm túi tiền về. Nam cất xong ma túy mới đem chai rượu chivat sang đưa cho Phương.

Hùng lại khai Nam đưa tiền cho Phương không đưa cho Trung.

Bị cáo Trung khai: Trung ngồi ghế phụ, Nam sang tận xe của Phương, Trung hạ cửa kính đưa cho Nam bọc ma túy và nhận bọc tiền Nam đưa. Nam về cất ma túy rồi mang rượu sang.

Tại Bộ Công an Hùng lại khai: Nam mở cửa xe bước sang xe tôi đồng thời Trung lấy túi ma túy đưa cho Nam. Nam đưa cho Phương 1 túi nilon màu đen, bên trong chưa tiền và 1 chai rượu chi vat 21.

Như vậy, những lời khai mâu thuẫn trên giữa bị cáo Hùng và Trung không được làm rõ nhưng HĐXX vẫn quy kết con tôi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy.

Ông Thân đã gửi đơn thư kêu cứu đến các cơ quan chức năng cấp cao, Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Với niềm tin tuyệt đối vào Đảng, Chính Phủ, và pháp luật nhà nước Việt Nam, bị cáo Huân và gia đình mong muốn vụ án được xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội.

Ngoài ra, ông Thân cũng cung cấp thông tin: Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thông báo cho gia đình tôi biết tại văn bản số 3256/VKSTC-V7 đề ngày 29/07/2020 với nội dung: “Theo khoản 1, Điều 637 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, hồ sơ vụ án này phải được gửi ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét bản án tử hình trước khi thi hành. Hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa nhận được hồ sơ vụ án từ Tòa án nhân dân tối cao chuyển đến; khi nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ xem xét, giải quyết và trả lời ông theo quy định của pháp luật”.

Vì vậy, gia đình ông Thân đã làm đơn gửi đến TAND Tối Cao giải quyết và kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm đối với bản án này để minh oan cho con mình. Đồng thời, trong đơn ông Thân cũng đề nghị TAND Tối Cao chuyển hồ sơ vụ án “Nguyễn Chí Huân và Đào Đình Nam phạm tội mua bán trái phép chất ma túy” đến VKSND Tối Cao để giải quyết theo thẩm quyền trên cơ sở xem xét sự thật khách quan, chính xác, toàn diện vụ án.

“Xác định rõ sự thật là con tôi – Nguyễn Chí Huân không hề có bất kỳ hành vi nào liên quan đến việc mua bán trái phép chất ma túy như Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội đã xét xử tuyên con trai ông phải chịu mức án tử hình. Ngày tử hình con tôi đã cận kề, người làm cha như tôi khẩn khoản xin TAND Tối Cao và VKSND Tối Cao xem xét minh oan cho con tôi – Nguyễn Chí Huân”, ông Thân nghẹn giọng trong nước mắt nói.

Hàn Phi
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo