Pháp luật

Học sinh lớp 12 cầm đầu đường dây lừa đảo hơn 10 tỷ đồng qua mạng

Đường dây lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng qua tài khoản ngân hàng và mạng xã hội do học sinh giỏi lớp 12 ở Quảng Trị cầm đầu vừa bị Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các tỉnh triệt phá.

TP.HCM: Chủ quán cà phê bị đánh tới tấp vì 2 đĩa cơm / Lâm Đồng: Phát hiện lựu đạn, kiếm Nhật, áo chống đạn tại nhà đối tượng tàng trữ ma túy

Học sinh giỏi cầm đầu đường dây lừa đảo

Ngày 1/6, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) bắt giữ được 3 đối tượng cuối cùng trong băng nhóm lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng qua mạng xã hội Facebook và tài khoản ngân hàng.

Học sinh lớp 12 cầm đầu đường dây lừa đảo hơn 10 tỷ đồng qua mạng - 1 Đối tượng Phạm Xuân Thái (bên trái, đang là học sinh giởi lớp 12)

Trong đó, đối tượng cầm đầu là Phạm Xuân Thái (sinh năm 2002, ở Bích La Đông, Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị) - học sinh giỏi lớp 12A8 trường THPT Quảng Trị; Lê Viết Quý (sinh năm 1994, ở số 17 Nguyễn Trãi, KP 8, phường 1, TP Đông Hà, Quảng Trị); Nguyễn Văn Điền (sinh năm 1997, ở tổ 6, phường Hương Văn, TX.Hương Trà, Thừa Thiên Huế).

Trước đó, ngày 14/5, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Ninh) phối hợp với Phòng trọng án (Cục Cảnh sát hình sự) và Công an các địa phương bắt giữ 4 người cũng nằm trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng xã hội facebook và tài khoản ngân hàng này gồm: Cao Đăng Nhu (sinh năm 1995, ở Trà Liên Tây, Triệu Giang, Triệu Phong, Quảng Trị); Lê Hữu Quý (sinh năm 1993, ở Khu Giáp Nhất, Hương Văn, Hương Trà, Thừa Thiên Huế) và 2 anh em ruột là Trịnh Hà Sơn Bình (sinh năm 1986) cùng Trịnh Minh Vương (sinh năm 1990, đều ở Tổ 7, phường Tứ Hạ, TX Hương Trà, Thừa Thiên Huế).

Tại cơ quan công an, Phạm Xuân Thái bước đầu thừa nhận là kẻ đứng đầu đường dây lừa đảo. Thái thường xuyên lên mạng internet chơi game ăn tiền, học hỏi mánh khóe của bạn bè trên mạng để hack và chiếm quyền sử dụng tài khoản facebook, sau đó yêu cầu Lê Viết Quý cung cấp tài khoản ngân hàng ảo để nhắn tin chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

Khi chiếm được tiền của người dân thì Trịnh Minh Vương làm nhiệm vụ chia nhỏ số tiền và chuyển tiền qua nhiều tài khoản, nhiều ngân hàng khác nhau do Vương quản lý, rồi giao cho Nguyễn Văn Điền, Lê Hữu Quý, Trịnh Hà Sơn Bình trực tiếp rút tiền mặt tại các cây ATM.

Thái khai mình được hưởng 70%, Lê Viết Quý và Cao Đăng Nhu mỗi người hưởng 10%, Vương hưởng 5%. Còn lại là Điền, Bình và Lê Hữu Quý được hưởng 5% số tiền còn lại.

 

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Công an tỉnh Bắc Ninh cùng các đơn vị chức năng xác định, từ đầu năm 2020 đến nay, Trịnh Minh Vương đã sử dụng 14 tài khoản ngân hàng ảo để cung cấp cho Nhu và Lê Viết Quý chiếm đoạt tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng của hơn 100 bị hại trên cả nước.

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi, chuyên nghiệp

Một cán bộ Phòng 06 (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết, quá trình đấu tranh, Ban chuyên án đã làm rõ phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội của nhóm lừa đảo này.

Băng nhóm này thường chọn những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, sau đó lập trình tạo ra các website giả mạo có dạng: Bình chọn giọng hát Việt nhí, Bình chọn danh lam thắng cảnh, Bình chọn hoa khôi, hoa hậu… có chứa các ô nhập thông tin tài khoản facebook rồi nhắn tin gửi đường link trang Web này đến các tài khoản facebook.

Học sinh lớp 12 cầm đầu đường dây lừa đảo hơn 10 tỷ đồng qua mạng - 2 Điện thoại, thẻ ngân hàng các đối tượng dùng để lừa đảo

Khi chủ tài khoản facebook đăng nhập bình chọn, đối tượng sẽ có password rồi chiếm quyền sử dụng. Từ đó, các đối tượng nhắn tin, liên lạc với người thân của tài khoản facebook để vay, mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền số lượng lớn vào tài khoản ngân hàng ảo của đối tượng, hoặc gửi thông báo lệnh chuyển tiền giả, kèm đường link trang Web giả mạo ngân hàng, yêu cầu bị hại truy cập, kiểm tra.

 

Kết hợp với mã OTP của ngân hàng lừa lấy được từ bị hại để kiểm soát tài khoản internet banking, các đối tượng chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại.

Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho rằng, đây là ổ nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động liên tỉnh, kẻ cầm đầu đang ở độ tuổi vị thành niên và trong giai đoạn đến trường có am hiểu kiến thức về công nghệ thông tin.

Phương thức thủ đoạn rất tinh vi, chuyên nghiệp, gây khó khăn cho công tác điều tra. Địa bàn hoạt động trong không gian mạng internet trên phạm vi cả nước. Tổng số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, tỷ lệ điều tra khám phá còn hạn chế, gây tâm lý hoang mang cho quần chúng nhân dân trong thời gian dài.

Qua chuyên án này, Đại tá Phạm Văn Lương nhấn mạnh các tổ chức, đoàn thể cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thủ đoạn phạm tội của băng nhóm này nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân. Bên cạnh đó, nhà trường và các bậc phụ huynh cần tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục con em đang độ tuổi đến trường để phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng của các hoạt động tội phạm.

Các lực lượng chức năng đang tiếp tục mở rộng chuyên án điều tra làm rõ.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm