Pháp luật

Khung hình phạt nào cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Shark Thủy?

DNVN - Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, đoàn luật sư Thành phố Hà Nội nhận định, ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) sẽ không thể tránh khỏi khung hình phạt cao nhất của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khung hình phạt là tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Shark Thủy: Khẩu vị đầu tư của tôi là 2 chữ "NG" / Shark Thủy: Phải ‘sẵn sàng mặc áo rộng’ mới có thành công

Ngày 26/3, Bộ Công an đã tổ chức họp báo tình hình, kết quả công tác quý I/2024, trong đó có thông tin Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) – Chủ tịch Tập đoàn Egroup để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hoạt động lừa đảo thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty Tập đoàn giáo dục Egroup.

Theo thông tin, năm 2023, ông Thủy đã bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi. Nhiều phụ huynh cho con theo học tại hệ thống các trung tâm Anh ngữ Apax Leader của ông Thủy cũng phản ánh được yêu cầu đóng tiền học trước, tuy nhiên, sau một thời gian, các trung tâm đột ngột đóng cửa hoặc chuyển sang giảng dạy online.

Shark Thủy đã bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, đoàn luật sư Thành phố Hà Nội nhận định, những thủ đoạn, hành vi trên của ông Thủy đã có dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.

Để kêu gọi các nhà đầu tư nộp tiền đầu tư vào các dự án của tập đoàn thông qua việc tư góp vốn bằng hình thức vay vốn, bán cổ phần, thế chấp cổ phần, ông Thủy đã dùng thủ đoạn gian dối là sử dụng các thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tính khả thi của các dự án. Đặc biệt là các cam kết về lợi nhuận làm cho các chủ đầu tư tin tưởng vào việc đầu tư đó.

Tuy nhiên, sau khi các nhà đầu tư nộp tiền, ông Thủy đã sử dụng tiền không đúng mục đích đã cam kết và sau khi qua xác minh đã thấy doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, không có khả năng trả tiền cho các nhà đầu tư. Hành vi này của ông Thủy là nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền đầu tư của các nhà đầu tư với các thủ đoạn gian dối trên.

Ngoài ra, đối với các trung tâm Tiếng Anh, trong trường hợp ông Thủy đã biết trước các trung tâm của ông không còn khả năng hoạt động nhưng vẫn dùng thủ đoạn gian dối là quảng cáo về chất lượng, giới thiệu các chương trình khuyến mãi để các phụ huynh tin tưởng nộp tiền trước vào các trung tâm. Sau đó không thực hiện đúng những cam kết, quảng cáo.

Thậm chí, số tiền nộp trước của các phụ huynh có thể bị ông Thủy sử dụng bởi các mục đích khác. Đây sẽ là hành vi nhằm sử dụng các thủ đoạn gian dối để nhằm chiếm đoạt số tiền nộp trước vào trung tâm tiếng Anh của các phụ huynh.

Theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, phạm tội chiếm đoạt trị giá 500.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Như vậy, đối với hành vi lừa đảo với quy mô lớn và số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng trong trường hợp trên của ông Thủy thì ông Thủy sẽ không thể tránh khỏi khung hình phạt cao nhất của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đó là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, hoặc tù chung thân.

Đưa ra lời khuyên dành cho người dân sau vụ việc trên, luật sư Tuấn cho rằng, người dân cần đặc biệt lưu ý về các hình thức góp vốn đầu tư trên thị trường. Đây có thể đó là hình thức lừa đảo thông qua thủ đoạn kêu gọi góp vốn hợp tác kinh doanh, đầu tư của các đối tượng với thủ đoạn khá tinh vi, xảo quyệt. Nhiều người dân thuộc đủ các tầng lớp, trình độ, nhận thức khác nhau đều có thể “sập bẫy”.

Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo thường có nhiều thủ đoạn, chiêu thức lừa đảo rất đa dạng. Khi tiếp cận với từng nhóm đối tượng khác nhau chúng sẽ có các kịch bản lừa khác nhau như lừa góp vốn kinh doanh vào doanh nghiệp, góp vốn đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đầu tư mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, làm đẹp…

Chúng cam kết về lợi nhuận tối thiểu, cam kết về lãi suất đều không có căn cứ và không có cơ sở thực hiện. Đây là những chiêu trò phổ biến để các đối tượng đánh vào lòng tham, khiến người dân ký kết hợp đồng. Những cam kết này chỉ là "hứa hẹn" chứ không hề có bất cứ biện pháp bảo đảm thực hiện như thế chấp tài sản hay bảo lãnh ngân hàng.

Để hạn chế những rủi ro gặp phải khi tiến hành đầu tư, người dân cần giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng, sàn giao dịch có uy tín và được xác thực, cấp phép bởi Nhà nước. Cần cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào.

Đặc biệt, người dân cần tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường cùng với các khoản phí không rõ ràng. Tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư.

Đồng thời, người dân cũng cần tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư. Nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo.

Trong trường hợp gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, hãy liên hệ với cơ quan cảnh sát điều tra công an có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm