Pháp luật

Lâm Đồng: UBND thành phố Bảo Lộc có "vội" cưỡng chế công trình của người dân?

DNVN - Ngày 16/3/2023, UBND TP Bảo Lộc tổ chức cưỡng chế các công trình tại thửa đất 1f313 tờ bản đồ số 37 tại thôn 1 xã Đamb’ri, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng của bà Lê Thị Tố Loan dẫn đến hậu quả không thể khắc phục, gây khó khăn cho hoạt động thu thập tài liệu chứng cứ của Tòa án.

Lâm Đồng: Tìm giải pháp tháo gỡ các "điểm nghẽn" giúp phát triển du lịch canh nông / Lâm Đồng: Nhiều vụ phá rừng trong kỳ nghỉ Tết

Cưỡng chế khi tòa đang thụ lý vụ án

Ngày 17/3, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Lâm Đồng có quyết định số 01/2023/QĐGQKN-TA về việc giải quyết khiếu nại Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, tòa án chấp nhận khiếu nại Thông báo 52/TB-TA ngày 14/3/2023 của bà Lê Thị Tố Loan. Đồng thời, yêu cầu Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, xem xét ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "Tạm đình chỉ việc thi hành Quyết định hành chính số 3139/QĐ-CCXP ngày 19/9/2022 của Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc về cưỡng chế để bảo đảm thi hành Quyết định số 4417/QĐ-KPHQ ngày 30/12/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của bà Lê Thị Tố Loan và Quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 22/2/2023 của Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc về việc tiếp tục cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả".

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, thửa đất số 1f313 tờ bản đồ số 37 của bà Lê Thị Tố Loan (có địa chỉ tại thôn 1 xã Đamb'ri, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã bị Chính quyền TP Bảo Lộc hoàn thành công tác cưỡng chế trong chiều ngày 16/3.

Cụ thể, sáng ngày 16/3, UBND TP Bảo Lộc huy động 4 xe đào, 1 cần cẩu và hàng chục nhân công thực hiện nhổ các loại cây ăn quả, phá dỡ bờ kè tạo 2 ao có diện tích 2.421 m2; đường đi có tổng diện tích 3.312 m2; tháo dỡ đường điện thắp sáng có tổng chiều dài 173m; cầu bắc từ bờ ra giữa ao, các chân trụ đỡ bằng bê tông và cầu làm bằng gỗ tạp; hàng rào, cổng dựng bằng tôn...

Đến 17h cùng ngày, các lực lượng đã hoàn thành công việc cưỡng chế các công trình trên thửa đất 1f313 tờ bản đồ số 37 của bà Lê Thị Tố Loan.

Con đường duy nhất vào nhà và cánh cổng bảo vệ khu đất đã bị phá bỏ

Con đường duy nhất vào nhà và cánh cổng bảo vệ khu đất đã bị phá bỏ.

Trước đó, ngày 15/3/2023, tại buổi đối thoại, bà Loan đã gửi đơn cầu cứu khẩn cấp đề nghị UBND TP xem xét gia hạn thời gian cưỡng chế đến khi có bản án từ TAND tỉnh Lâm Đồng, vì trước đó tòa đã có thông báo thụ lý vụ án và cũng đang thu thập tài liệu, chứng cứ. Tuy nhiên, UBND TP Bảo Lộc vẫn tiến hành công tác cưỡng chế vào ngày 16/03.

“Việc cưỡng chế của UBND TP Bảo Lộc đã gây ra hậu quả khó khắc phục đến với gia đình chúng tôi. Hiện nay, nhà tôi không có con đường nào để vào nhà. Chúng tôi bị cắt mất điện, mất nước giống như đang bị cô lập giữa thành thị (bà Loan có 1 căn nhà được cấp Giấy phép xây dựng và có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay sát cạnh, chung đường đi vào với thửa đất bị cưỡng chế - PV). Sau khi cưỡng chế, khu đất này được giao cho UBND xã Đamb'ri quản lý. Tuy nhiên xã cũng chỉ giăng dây, để bảng 'Khu vực cưỡng chế, không phận sự cấm vào' và không có ai trông coi. Hai ngày nay có nhiều người đã lẻn vào hôi của, đi bắt trộm cá, cây cảnh, cây ăn trái. Đây là tài sản có giá trị lớn của gia đình tôi mà hiện nay lại bị những người này ngang nhiên chiếm đoạt”, bà Loan nói.

Nhiều người đã lợi dụng tình thế này đến câu trộm các loại cá trong ao nhà bà Loan

Nhiều người đã tranh thủ đến bắt trộm hàng tấn cá trong ao nhà bà Loan.

Trước đó, ngày 16/3/2023, TAND tỉnh Lâm Đồng đã có Công văn số 58/CV- TA gửi Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc về việc đề nghị xem xét thời gian cưỡng chế, do Chánh án Đào Chiến Thắng ký. Văn bản nêu rõ: "Căn cứ Đơn khiếu nại về việc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngày 15/3/2023 của bà Lê Thị Tố Loan; Căn cứ Điều 35, Điều 77 Luật Tố tụng hành chính về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án. Theo Quy định tại điều 77 Luật Tố tụng Hành chính: Chánh án Toà án phải xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị quy định tại khoản 1 Điều 76 của luật này trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị. Hiện nay, Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng đang xem xét, giải quyết đơn khiếu nại của bà Lê Thị Tố Loan theo quy định. Kính đề nghị Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc xem xét gia hạn thời gian thực hiện cưỡng chế”.

 Công văn tòa án đề nghị xem xét gia hạn thời gian cưỡng chế

Công văn của TAND tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét gia hạn thời gian cưỡng chế.

Tuy nhiên, Ban cưỡng chế và UBND TP vẫn tiếp tục công việc cưỡng chế các công trình và không hề có động thái xem xét tạm dừng để giữ hiện trạng sử dụng đất và bảo vệ chứng cứ trong quá trình tòa án thu thập tài liệu chứng cứ cho vụ án.

Điều đáng nói, ngày 17/3/2023, Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2023/ QĐ - BPKKTT. Quyết định nêu rõ: "Người khởi kiện yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ của vụ án, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây hậu quả không thể khắc phục được theo quy định tại khoản 1 Điều 66, Điều 69, Điều 73 của Luật Tố tụng Hành chính".


Theo Luật sư Đặng Thái Hà, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh: Việc Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi UBND TP Bảo Lộc đề nghị xem xét gia hạn thời hạn cưỡng chế là thể hiện sự cẩn trọng trong việc giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Do thời gian gấp rút, Chánh án cũng cần họp chuyên môn để xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trong 3 ngày làm việc để có thể đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật, tránh trường hợp vì thiếu cẩn trọng mà gây thiệt hại cho các bên.

Việc Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thể hiện trách nhiệm giải quyết khiếu nại của Chánh án. UBND TP Bảo Lộc đã không xem xét đề nghị của Chánh án TAND mà vội tổ chức cưỡng chế sẽ gây khó khăn cho hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ của toà án. Mặt khác, việc cưỡng chế diễn ra khi vụ việc chưa "sáng tỏ" nếu có phát sinh việc bồi thường thiệt hại mà người khiếu kiện phải gánh chịu hậu quả do công trình của họ đã bị cưỡng chế thì trách nhiệm của UBND TP là rất lớn khi nôn nóng, chưa xem xét kỹ lưỡng đề nghị của Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng. Bởi nếu hoãn thêm một thời gian, để Chánh án giải quyết khiếu nại trong 3 ngày làm việc theo quy định của pháp luật, thì sẽ hạn chế được những hậu quả do việc cưỡng chế gây ra.

Theo Luật sư Thái Hà, trường hợp UBND TP Bảo Lộc, Ban cưỡng chế đã không xác định đúng vị trí, ranh giới đất cưỡng chế. Đã cưỡng chế cả khu đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Loan là vi phạm Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành gồm hai hành vi phạm tội độc lập. Theo đó, người phạm tội có hành vi tác động vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng (hủy hoại tài sản) hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản (làm hư hỏng tài sản) với giá trị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp được luật hình sự quy định.

Về việc có nhiều người dân tự ý đến "hôi của", Luật sư Hà cho biết, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, khi đã có quyết định ngăn chặn khẩn cấp của Tòa án thì không ai có quyền xâm phạm đến các tài sản này.

Thiếu căn cứ để xác định được ranh giới, hành lang an toàn công trình hồ đập

Theo ý kiến trình bày và tài liệu, chứng cứ do bà Lê Thị Tố Loan cung cấp cho TAND tỉnh Lâm Đồng thể hiện: Thửa đất 1f313, tờ bản đồ số 37 có diện tích 22.860m2, thuộc thôn 1, xã Đamb’ri, TP Bảo Lộc do bà Loan nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Duy Thư năm 2002. Khi chuyển nhượng đất có giấy viết tay và không có tranh chấp. Nguồn gốc đất cũng được UBND xã Đamb'ri lấy ý kiến khu dân cư ngày 15/11/2019 và đã được niêm yết công khai tại UBND xã.

Ban cưỡng chế, UBND TP Bảo Lộc đã tổ chức cưỡng chế lúc 8 giờ ngày 16-3 huy động 4 xe đào, 1 cần cẩu

Ban cưỡng chế, UBND TP Bảo Lộc đã tổ chức cưỡng chế lúc 8h ngày 16/3 huy động 4 máy xúc, 1 cần cẩu.

Tại Quyết định số 01 của Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu rõ: Qua đối chiếu tài liệu, hồ sơ quản lý Hồ Nam Phương, TAND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Hồ Nam Phương có từ trước năm 1975. Theo Quyết định số 618/QĐ- UBND ngày 30/3/2017 của UBND tỉnh về quy định phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì hồ Nam Phương thuộc địa phương Bảo Lộc quản lý.

Ngày 5/3/2012, UBND thành phố Bảo Lộc ban hành Quyết định số 443/QĐ-UBND về việc giao nhiệm vụ khai thác công trình thủy lợi cho Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc. Tuy nhiên, thực tế Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc không quản lý hồ Nam Phương do chưa xác định được ranh giới, hành lang an toàn công trình hồ đập và UBND thành phố Bảo Lộc không cung cấp hồ sơ, tài liệu nào khác có liên quan đến việc quản lý hồ Nam Phương.

Do công trình xây dựng trước năm 1975 và do cấp huyện quản lý nên Chi Cục Thủy lợi không có hồ sơ thiết kế công trình.

Tại buổi làm việc ngày 2/6/2020, UBND Phường 2 và UBND xã Đamb’ri có ý kiến: UBND Phường 2 và UBND xã Đamb’ri chỉ quản lý trên hồ sơ (sổ mục kê), trên thực tế phần diện tích đất nêu trên do bà Lê Thị Tố Loan sử dụng.

Như vậy, qua xác minh, Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Lâm Đồng và UBND TP Bảo Lộc chỉ cung cấp được hồ sơ (quyết định) liên quan đến việc phân cấp quản lý, xác định đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành hồ là Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc, không có hồ sơ về việc xác định phạm vi, ranh giới, diện tích hồ, phạm vi quản lý đối với hồ Nam Phương.

k

jj

Hiện trường sau khi UBND TP cưỡng chế, các cây cảnh, cột tiêu, pallet... đều bị vùi xuống ao.

Hiện nay, tòa án chưa tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ thông qua hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ đối với toàn bộ diện tích bị cưỡng chế. Việc thi hành các Quyết định số 3139, 4417, 435 của Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc về việc tiếp tục cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đã dẫn đến không còn hiện trạng sử dụng đất, không đảm bảo cho hoạt động thu thập tài liệu chứng cứ của Tòa án.

Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc chủ tịch UBND TP Bảo Lộc tạm đình chỉ việc thi hành các quyết định hành chính về cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả là cần thiết để bảo vệ chứng cứ.

Điều đáng nói, UBND TP Bảo Lộc, Ban cưỡng chế đã không xác định đúng vị trí, ranh giới đất cưỡng chế. Đã cưỡng chế "nhầm" cả vào khu đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Loan, phá bỏ con đường vào nhà cùng nhiều cây trồng và tài sản có giá trị.

Về quá trình ban hành các quyết định hành chính và yêu cầu khởi kiện:

- Ngày 31/12/2019, bà Lê Thị Tố Loan bị UBND xã Đamb’ri lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất thuộc phạm vi bảo vệ công trình hồ thủy lợi Nam Phương 1, tự ý làm nhà tạm, nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm, đổ đất đắp kè trên một phần thửa đất số 313, tờ bản đồ 37, xã Đamb’ri.

- Ngày 30/12/2021, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc đã ban hành Quyết định số 4417/QĐ-KPHQ buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Lê Thị Tố Loan.

- Ngày 19/9/2022, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc đã ban hành Quyết định số 3139/QĐ-CCXP về cưỡng chế để đảm bảo thi hành Quyết định số 4417/QĐ-KPHQ ngày 30/12/2021.

- Ngày 20/9/2022, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc đã ban hành Thông báo số 146/TB-CCHC về việc thi hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

- Ngày 23/9/2022, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc đã ban hành Quyết định số 3277/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Tố Loan.

- Ngày 21/10/2022, UBND TP Bảo Lộc ban hành Quyết định tạm đình chỉ cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả vì TAND tỉnh Lâm Đồng đã thụ lý vụ án hành chính về việc khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan.

- Ngày 22/2/2023, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc đã ban hành Quyết định số 435/QĐ-UBND về việc tiếp tục cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

- Ngày 10/3/2023, UBND thành phố Bảo Lộc ban hành Thông báo số 52/TB-CCHC về việc tiếp tục thi hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

- Ngày 16/3/2023, Ban cưỡng chế, UBND TP Bảo Lộc cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả đối với bà Lê Thị Tố Loan.

- Ngày 16/3/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có công văn công văn số 58/ CV-TA gửi Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc về việc đề nghị xem xét thời gian cưỡng chế.

- Ngày 17/3/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có quyết định số 01/2023/QĐGQKN-TA về việc giải quyết khiếu nại Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Thanh Ngọc
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm