Pháp luật

Lừa bán số lô đề 'trúng 100%', chiếm đoạt hơn 26 tỷ đồng

Ngày 15/3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đang tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó các đối tượng dùng thủ đoạn sử dụng các trang web và mạng xã hội để lừa bán số lô, đề, kèo bóng đá, chiếm đoạt số tiền trên 26 tỷ đồng.

Kon Tum: Nghi án gã hàng xóm xâm hại nhiều lần bé gái 13 tuổi dẫn đến có thai / An Giang: Thuê ô tô rồi mang đi cầm lấy tiền qua Campuchia đánh bạc

Đại uý Phạm Trung Hiếu, Phó Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, thủ đoạn của các đối tượng là lập ra các trang web “soi cầu”, quảng cáo có đội ngũ chuyên gia phân tích, thống kê, người làm trong Công ty Xổ số kiến thiết miền Bắc có thể biết những con số lô, đề hoặc kèo bóng đá với độ chính xác cao, đảm bảo trúng 100%.

Trên những trang web, các đối tượng đăng nhiều loại số và ứng với mỗi loại số thì giá tiền khác nhau. Thời gian đầu, khi các trang “soi cầu” này liên kết với các trang đổi thẻ thì người nào muốn mua số phải mua thẻ cào điện thoại di động về nhập mã thẻ. Khi mã được nhập thì các trang “soi cầu” này tự động được chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng, chiết khấu 20-30%.

Lừa bán số lô đề “trúng 100%”, chiếm đoạt hơn 26 tỷ đồng - 1
Các đối tượng tại cơ quan điều tra.


“Các đối tượng dùng thủ đoạn gian dối vì thực tế không hề có chuyên gia, cũng không có căn cứ nào để khẳng định những số ấy chắc chắn trúng, mà chỉ là số là do các đối tượng… tự nghĩ ra. Nhưng hễ khách hàng nhập thẻ cào thì tiền đã bị chiếm đoạt”, Đại uý Hiếu phân tích.

Theo anh, sở dĩ nhiều người bị lừa bịp bởi chiêu trò này là vì nhiều bị hại có “máu đỏ đen”, nghiện lô, đề, cờ bạc. Một số người chơi nhiều, mất nhiều nên tâm lý không ổn định, tiếc tiền nên cố chơi tiếp để gỡ…

Bên cạnh đó, trên mỗi trang web các đối tượng cũng đăng tải số điện thoại hotline để người chơi có thể liên lạc khi gặp sự cố, lỗi mã thẻ... Từ đó, các đối tượng có số điện thoại bị hại nên thường xuyên nhắn tin chèo kéo, hứa hẹn “sắp trúng rồi”, “cứ theo đi, đến vài ngày nữa sẽ trúng”…, đưa ra nhiều lý lẽ để người chơi tin theo.

Do việc lập trang web hết sức dễ dàng, có thể copy mã nguồn của nhau, mua sim rác, sau đó mua tên miền với giá 500.000 đồng – 1 triệu đồng/ tháng nên mỗi đối tượng có thể lập nhiều trang web để lừa đảo, câu kéo bị hại. Khi thấy người nào chơi nhiều, mất nhiều thì các đối tượng tìm cách nhắn tin động viên, giới thiệu sang trang khác của người quen vì dạo này đang… “gãy cầu”, thực tế đó cũng chính là trang của chúng lập ra.

Sau khi vụ đánh bạc nghìn tỷ Rickvip bị khui ra, các trang đổi thẻ bị sập, không hoạt động nữa thì nhóm đối tượng chuyển sang dùng mạng xã hội Zalo để nhắn tin chèo kéo các bị hại từng nộp tiền chơi và tạo các kênh quảng cáo trên Youtube. Khi nạn nhân muốn mua số thì có thể liên lạc qua Zalo, nộp tiền bằng hai cách: Cào mã thẻ điện thoại xong chụp ảnh gửi cho chúng, hoặc nộp tiền vào tài khoản ngân hàng.

 

Ngày 17/1/2019, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã đồng loạt bắt, khám xét khẩn cấp đối với 7 đối tượng: Nguyễn Văn Thường (SN 1995), trú xóm 15; Nguyễn Văn Hiếu (SN 1994), trú xóm 12; Hồ Văn Thành (SN 1999), trú xóm 13; Hồ Đình Tài (SN 1995), trú xóm 15; Trần Văn Toản (SN 1993), trú xóm 10; Nguyễn Xuân Toản (SN 1996), trú xóm 16; Nguyễn Đức Nhật (SN 1995), trú xóm 15, đều ở xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tang vật thu giữ của các đối tượng gồm: 34 điện thoại di động; 5 máy vi tính; 5 sim điện thoại; 19 thẻ ATM; 4 ôtô; 2 sổ tiết kiệm trị giá 1 tỷ đồng…

Mở rộng chuyên án, ngày 30/1/2019, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Xuân Trung, trú tại xóm 12, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trung cũng dùng thủ đoạn nêu trên để rao bán số lô, đề, kèo bóng đá, làm cho những người đánh lô, đề hoặc cá độ bóng đá tin là thật và bỏ tiền ra mua các con số, từ đó chiếm đoạt tài sản.

Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng đã khai báo toàn bộ hành vi của mình. Qua kiểm tra giao dịch tài khoản ngân hàng của các đối tượng, phát hiện mỗi đối tượng đã lừa hàng trăm người khắp cả nước, số tiền từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng. Bước đầu Cơ quan điều tra đã chứng minh số tiền các đối tượng chiếm đoạt được hơn 26 tỷ đồng.

Thượng uý Trần Lê Bình, cán bộ Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho hay, các đối tượng trong chuyên án này là người trong cùng một xã, thuộc lứa tuổi “9x”, quen biết nhau và chỉ học hết lớp 12.

Ban đầu một vài đối tượng lập trang web lừa đảo, sau đó thấy kiếm tiền dễ nên truyền tai nhau và trở thành trào lưu, chia sẻ kinh nghiệm để học nhau làm. Sau khi đã thuần thục thì mỗi đối tượng tách ra làm độc lập, không ai liên quan đến ai, do đó Cơ quan CSĐT đã khởi tố 8 đối tượng trong 8 vụ án khác nhau.

 

Lý giải về những khó khăn trong đấu tranh chuyên án này, Đại uý Phạm Trung Hiếu cho rằng, các đối tượng sử dụng nhiều sim rác nên khó lần ra tung tích; các giao dịch chủ yếu qua mạng xã hội nên khó xác định danh tính bị hại, khi xác định được thì bản thân bị hại cũng không hợp tác khai báo…

Do tiền kiếm được quá dễ, các đối tượng ăn tiêu chơi bời, mua sắm xe sang, điện thoại đẹp, gửi tiết kiệm ngân hàng…

Hiện Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã chuyển 5 vụ án, 5 đối tượng cho Công an huyện Quỳnh Lưu tiếp tục điều tra xử lý theo thẩm quyền; đồng thời đang tiếp tục điều tra mở rộng 3 vụ án, củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng trước pháp luật.

Theo Công an nhân dân
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm