Pháp luật

Lừa đảo bán hàng, tặng quà qua mạng… đánh vào lòng tham

Nếu như các trang web bán hàng online uy tín được ví như chợ truyền thống thì mua bán hàng qua mạng xã hội như một chợ trời, đầy ắp kẻ mua người bán dạo. Hàng hóa có thể đúng chất lượng, quy cách, mẫu mã nhưng cũng có thể là kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, hàng gian.

"Hot girl" tự cắt đứt đường về vì món nợ 50 triệu đồng với bồ già / Phú Thọ: Người đàn ông ra tay sát hại 2 con nhỏ rồi tự tử

Điều nguy hại hơn ở "chợ trời" trên mạng xã hội là tiền trao trước (chuyển khoản) còn "cháo" múc sau nên gặp phải kẻ lừa người mua thường không nhận được hàng hoặc hàng được chuyển đến chỉ là cục gạch, khúc cây…

Chiêu thức bất biến của kẻ lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tài sản đó chính là đánh vào lòng tham của con người. Có không ít nạn nhân bảo rằng mình rất cảnh giác, cẩn thận nhưng không hiểu sao lại dễ dàng mê muội trước lời mời mọc, rao bán của kẻ bất lương, giống như kẻ lừa có ma thuật vậy. Họ nói vậy thật ra là để che đậy cái lòng tham của mình vì sợ mọi người cười chê.

Tài khoản N.G đăng hình bán xe, điện thoại trên Facebook.

Tài khoản Facebook có tên N.G đang "nổi đình nổi đám" vì mức độ lừa được khá nhiều người. N.G giới thiệu mình là người giàu có, xài sang, quan hệ rộng và đăng kèm đầy ắp hình ảnh xe ôtô, xe gắn máy sang trọng mà N.G cho là của mình. Vì sống sang chảnh nên N.G cũng thay phương tiện, đồ dùng như thay quần áo.

"Sau ngày sinh nhật của mình có 3 con iPhone 12 Pro Max pro bán lại 8 triệu phiên bản quốc tế", "Giờ đã ngán ngẩm đi xe máy, em chỉ lái ôtô, bán lại con Vespa đẹp mê mẩn giá 9,5 triệu đồng" - N.G rao bán trên tài khoản của mình lập tức không ít người tranh nhau mua và tất nhiên ai mua N.G cũng bán. Muốn mua thì phải chuyển khoản đặt cọc trước cho N.G, thế là không ít người sập bẫy. Vài lần khác, N.G đăng bán ôtô thể thao giá hơn tỷ đồng nhưng chỉ bán có 45 triệu; xe môtô 1000 phân khối của gia đình sử dụng cũng được N.G thanh lý với giá chỉ có… 6 triệu đồng, vậy mà cũng có nhiều người chuyển khoản đặt cọc. Khi biết mình bị lừa, các nạn nhân cũng đành bất lực.

Tài khoản H.N viết: "Bác em mới bị lừa 10 triệu đồng bởi con này. Vào Fb đọc xong mới biết nhiều người khác bị lừa mua ấm chén, đồng hồ… của con này. Thủ đoạn chung kêu chuyển khoản rồi chặn Fb lẫn điện thoại".

Hiện tại một số người đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an, vụ việc chưa có hồi kết nhưng dù có xác định và bắt giữ đối tượng với hành vi lừa đảo thì các nạn nhận khó có thể lấy lại số tiền đã mất. Chính vì lý do này mà khi bị lừa các nạn nhân thường không trình báo với cơ quan Công an khiến cho tội phạm vẫn còn đất sống.

Qua các vụ việc lừa đảo bán hàng qua mạng xã hội đều cho thấy kẻ lừa đều lập tài khoản giả mạo trên các trang mạng xã hội, khi việc lừa đảo bị phát giác thì lập tức khóa tài khoản, lập nick mới và tiếp tục lừa. Yếu tố để nạn nhân tin tưởng kẻ lừa là tài khoản ngân hàng có tên tuổi, địa chỉ hẳn hoi thì "có chạy đằng trời" nhưng thực tế đây là một sai lầm tai hại vì chẳng kẻ lừa nào lại dại dột như thế cả.

Trước khi lừa đảo đối tượng bao giờ cũng thuê người hoặc sử dụng giấy CMND (thẻ căn cước) giả để mở tài khoản, khi tiền chuyển vào là chúng lập tức rút ngay. Trong vụ bà N.T.H.Y (SN 1978; ngụ thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị lừa đảo qua mạng 6 tỷ đồng, thủ phạm đã dùng đến 28 tài khoản để nhận tiền do nạn nhân chuyển khoản. Toàn bộ những người đứng tên bị kẻ lừa thuê mướn mở tài khoản.

Một kiểu lừa khác cũng đánh vào lòng tham của nạn nhân là kẻ lừa đảo đóng giả nhân viên bưu điện gọi điện thoại đến nạn nhân nói có bưu phẩm gửi ở bưu điện lâu ngày không đến nhận. Mặc dù "nhân viên bưu điện" không cung cấp danh tính người gửi nhưng nhiều nạn nhân nghe có quà thì nổi lòng tham, nhất là món quà có giá trị được gửi từ nước ngoài. Khi cá cắn câu, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền qua tài khoản để đóng lệ phí làm thủ tục, tiền nong để bôi trơn… Cao siêu hơn thì đối tượng tạo mối quen biết với nạn nhân qua mạng xã hội và ngỏ ý tặng quà có giá trị cao rồi giả làm nhân viên bưu điện thông báo có bưu phẩm gửi từ nước ngoài và muốn nhận thì đóng tiền lệ phí…

Okwudilichukwu Chinedu Timothy (SN 1989, Quốc tịch Nigeria) nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng tên giả là Edu Grace rồi cùng một số đối tượng chưa rõ lai lịch dùng mạng xã hội làm quen bị hại và hứa hẹn tặng quà có giá trị cao. Đổi lại các nạn nhân phải gửi tiền qua tài khoản cho Timothy làm thủ tục chuyển quà. Hai số tài khoản mà Timothy cung cấp, một của Ngân hàng BIDV do Nguyễn Thị Thanh Ngân đứng tên và một của Ngân hàng Vietcombank do Nguyễn Tuấn Anh đứng tên. Gửi tiền xong nhưng không thấy hồi âm, nhiều người làm đơn tố cáo gửi cơ quan Công an. Tại cơ quan điều tra Tuấn Anh khai mình cùng bạn gái Thanh Ngân có quen với một người tên là Edu Grace ở quận 1 để học tiếng Anh. Người này có nhờ Tuấn Anh và Thanh Ngân mở giúp một số tài khoản ngân hàng tại Việt Nam để kinh doanh quần áo. Sau khi mở tài khoản xong, Tuấn Anh và Thanh Ngân đã giao thẻ cho người này sử dụng và nhiều lần được Edu Grace nhờ đi rút tiền từ 2 tài khoản trên. Tổng cộng số tiền mà Timothy cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt gần 1,9 tỷ đồng, trong đó Timothy hưởng 215 triệu đồng.

Bên cạnh khuyến cáo nâng cao cảnh giác, cơ quan Công an đề nghị người dân khi phát hiện mình bị lừa thì thông báo ngay với ngân hàng để phong tỏa tài khoản của đối tượng và trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp chống, còn muốn phòng đạt hiệu quả cao nhất thì mọi người cần phải hết sức cảnh giác cũng như chế ngự lòng tham của mình.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm