Nạn giật vé số - Nỗi ám ảnh của những người bán vé nghèo
Xôn xao clip cô gái bị cắt tóc, lột quần áo, kéo lê ở Hải Phòng / Ra đầu thú, đối tượng sát hại vợ ở Hà Giang khai gì?
Khoảng 11h ngày 9/11, chúng tôi đến bếp ăn dành cho người bán vé số trên địa bàn TP Sa Đéc (đường Phan Bội Châu, phường 1, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), bắt gặp tại đây những bước chân rã rời của những người bán vé số đến nhận những suất cơm nghĩa tình. Họ vội ăn rồi lại vội vã ra đường vì sắp vé số trên tay còn dày cộm.
Ông Nguyễn Văn Vui (SN 1940, ngụ xã Tân Khánh Đông) lau vội những giọt mồ hôi trên trán, nói: “Từ ngày anh chị em Hội cựu giáo chức cùng Công ty xổ số Đồng Tháp mở bếp ăn này, bà con bán vé số chúng tôi đỡ khổ nhiều vì tiết kiệm được 15.000 – 20.000 đồng/ngày".
Ông Nguyễn Văn Vui bức xúc kể về những lần ông bị giật, đổi vé số giả.
Nói xong, ông Vui nhíu mắt ăn liền mấy muỗng cơm. Một bạn già ngồi gần ông nhắc lại câu chuyện ông bị giật vé số hôm trước. Ông rưng rưng nước mắt cho biết, tới giờ vẫn chưa thấy công an báo bắt được kẻ giật vé.
Ông Vui kể, từ đầu năm đến giờ ông bị giật vé số tới 3 lần, 2-3 lần bị đổi vé số giả. Còn ông Lê Văn Tòng (SN 1941) cũng bị giật vé số 3 lần, trong đó có 2 lần công an và người dân vây bắt được kẻ cướp vé.
Chị Thạch Thị Tha Phết trầm tư nhớ lại việc bị giật 30 tờ vé số cách đây vài ngày
Chị Thạch Thị Tha Phết – quê Sóc Trăng đang thuê nhà trọ để đi bán vé số kể chị bị giật 30 tờ vé số vào ngày 7/11 vừa rồi. Ngoài ra, chị còn bị lừa đổi 5 tờ vé số giả, loại giải 200.000 đồng. Sau những lần như vậy, chị hết vốn nên phải vay nóng lãi cao (vay 100.000 trả 120.000/tháng) để có tiền lấy vé số bán nuôi thân.
Câu chuyện chị Tăng Mai Hiền bị giật 147 tờ vé số cách đây 1 tuần cũng khiến cả nhóm người bán vé số xôn xao bất bình, vì hoàn cảnh chị Hiền rất khó khăn, bản thân chị bị tai biến đi lại khó khăn nhưng bọn cướp vé cũng không buông tha.
Chị Tăng Mai Hiền bị tai biến, đi lại khó khăn nhưng cũng bị giật 147 tờ vé số
Chị Hiền rưng rưng nước mắt kể: “Hai đứa nó ăn mặc sang trọng lắm, đi xe đẹp nữa, ban đầu tôi cũng cảnh giác chỉ đưa một sắp vé số khoảng 30 tờ. Hai đứa nó bảo đưa thêm vì không có số ưng ý. Khi tôi vừa đưa hết xấp vé số còn lại, hai đứa nó giật chạy mất tiêu. Thân tật nguyền, tôi chỉ biết ngồi khóc”.
Những người bán vé số cho biết, dù cảnh giác đến mức nào thì hầu như ai cũng bị giật vé số hoặc bị đánh tráo, đổi vé số giả từ 1 - 3 lần.
Nói về việc đổi vé số giả, ông Huỳnh Văn Phụng (phường 1, TP Sa Đéc), cho biết: “Bây giờ bọn nó làm tinh vi lắm, việc cắt số dán là xưa rồi, bây giờ chúng nó kéo lụa luôn, do đó, tờ vé số giả và vé thật chỉ khác nhau một chín một mười. Người già như chúng tôi, tai mắt kém, khó lòng phân biệt được”.
Nỗi ám ảnh của những người bán vé nghèo khổ.
Ông Lê Văn Tòng (SN 1941) kiến nghị, nếu bọn giật vé số không còn lương tâm, đề nghị cơ quan chức năng tăng hình phạt đối với hành vi giật vé số, phải bỏ tù thì mới đủ tính răn đe.
Trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an TP Sa Đéc, cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị tiếp nhận 3 vụ việc liên quan đến giật vé số, trong đó đã khởi tố một vụ, 2 vụ phạt hành chính. Những vụ này bắt được đối tượng nhờ tin báo của người dân và qua hệ thống camera an ninh.
Trước phản ánh của người dân về tình trạng giật vé, đổi vé số giả, Thiếu tá Trang cho biết, Lãnh đạo công an TP Sa Đéc đã có kế hoạch tăng cường công tác trinh sát, tuần tra để trấn áp tội phạm dịp cuối năm, trong đó có loại tội phạm giật vé số của người già, tàn tật.
Ngoài ra, bà Trang còn cho biết thêm qua báo chí, Công an TP Sa Đéc mong bà con bán vé số nêu cao cảnh giác và khi bị giật, hoán đổi vé số đến ngay công an trình báo để ngành có thông tin, phối hợp với người dân trấn áp loại tội phạm này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo