Pháp luật

Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình lãnh 3 năm tù

Với tư cách Phó Thống đốc phụ trách cơ quan thanh tra giám sát NHNN, bị cáo Bình đã nhận được báo cáo sai phạm mà không có biện pháp chỉ đạo khắc phục. Việc này đã tạo điều kiện để ông Danh cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 15.000 tỉ đồng cho VNCB.

Sau hơn 1 tuần xét xử và nghị án, chiều 2/7, TAND TPHCM đã tuyên án bị cáo Đặng Thanh Bình - nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - và các đồng phạm trong vụ thiếu trách nhiệm để Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Xây dựng, VNCB - gây thiệt hại hơn 15.000 tỉ đồng cho ngân hàng này.

Bị cáo Đặng Thanh Bình lãnh 3 năm tù.

Theo HĐXX, Thủ tướng đồng ý tờ trình của NHNN về việc tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (TrustBank - tiền thân của VNCB) với một số tiêu chí rất nghiêm ngặt nhưng ông Bình đã có bút phê thực hiện trái ý kiến chỉ đạo, như: "việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này". Đồng thời, bị cáo ký công văn chấp thuận phương án tái cơ cấu ngân hàng với nội dung "Trustbank chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới" trong khi điều kiện tiên quyết là đảm bảo nhóm cổ đông tham gia tái cơ cấu phải có đủ khả năng tài chính.

"Với tư cách Phó Thống đốc phụ trách cơ quan thanh tra giám sát NHNN, bị cáo Bình đã nhận được báo cáo sai phạm mà không có biện pháp chỉ đạo khắc phục. Việc này đã tạo điều kiện để ông Danh cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 15.000 tỉ đồng cho VNCB. Các sai phạm trên đủ xác định hành vi của bị cáo như cáo trạng truy tố là có căn cứ", bản án nêu.

Bị cáo Hà Tấn Phước lãnh 2 năm tù.

HĐXX đánh giá hành vi của ông Bình gây nguy hiểm cho xã hội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, gia đình có công cách mạng... đồng thời các sai phạm xảy ra trong tình trạng hệ thống ngân hàng bất ổn nên xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Các bị cáo còn lại gồm Lê Văn Thanh, Hà Tấn Phước, Phạm Thế Tuân, Ngô Văn Thanh có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên do các bị cáo thành thật khai báo, gia đình và bản thân có công với ngành ngân hàng, với đất nước, đồng thời sai phạm diễn ra trong bối cảnh ngân hàng còn nhiều bất cập... nên sẽ xem xét giảm nhẹ mức án.

Bị cáo Lê Văn Thanh lãnh 2 năm 6 tháng tù.

Riêng bị cáo Phước có nhiều tình tiết giảm nhẹ và ít nguy hiểm hơn nên sẽ chịu mức án nhẹ hơn. Bị cáo Tuân gây thiệt hại ít hơn Ngô Văn Thanh và là Tổ phó nên giảm nhẹ hơn.

Về kiến nghị của VKSND TPHCM làm rõ hành vi của các thành viên nguyên là thành viên tổ thanh tra NHNN nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý sau. HĐXX nhận định liên quan tới những sai phạm của các thành viên nguyên là thành viên tổ thanh tra NHNN, đã được kiến nghị tại bản án phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1, và hiện nay cơ quan điều tra Bộ công an, Viện KSND Tối cao đang điều tra làm rõ.

Liên quan tới hành vi của ông Đặng Văn Thảo (nguyên phó Chánh thanh tra NHNN) đã không kiến nghị đặt TrustBank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, HĐXX cho rằng do hết thời hạn điều tra nên cơ quan điều tra đã tách ra khỏi vụ này, hiện nay vẫn đang được điều tra nên HĐXX không xem xét do phạm vi xét xử.

Các bị cáo được miễn trách nhiệm dân sự.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo của NHNN, trong quá trình công tác có nhiều đóng góp cho xã hội, được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương. Gia đình các bị cáo đều có công với cách mạng nên khi lượng hình đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Chính hành vi thiếu trách nhiệm của các bị cáo đã tạo điều kiện cho Phạm Công Danh và đồng phạm rút tiền ra khỏi ngân hàng. Nhận thấy hành vi của của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, hậu quả vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên không có căn cứ để cho các bị cáo được hưởng án treo.

Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Thanh Bình 3 năm tù, Hà Tấn Phước 2 năm tù, Phạm Thế Tuân 1 năm tù, Lê Văn Thanh 2 năm 6 tháng và ông Ngô Văn Thanh 1 năm 6 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo