Pháp luật

Nhà báo đừng là "ngáo ộp" với doanh nghiệp

(DNVN)- Nữ phóng viên báo điện tử Thương hiệu& Công luận vừa bị công an Bắc Giang bắt vì hành vi cưỡng đoạt tài sản của một doanh nghiệp với số tiền 70 nghìn USD. Hành vi tống tiền doanh nghiệp của một số nhà báo, cộng tác viên gióng lên hồi chuông về đạo đức nhà báo.

TPHCM: Cướp giật bị camera ghi hình, 2 đối tượng “sa lưới” sau vài giờ gây án / Nghệ An: Một cán bộ công an bị thương khi vây bắt kẻ buôn ma tuý

Thông tin nữ phóng viên Đào Thị Thanh Bình ( Báo điện tử Thương hiệu & Công luận), bị Công an Bắc Giang bắt quả tang khi nhận 70 nghìn USD từ một doanh nghiệp để không viết bài tràn ngập trên các phương tiện truyền thông.

Sai của doanh nghiệp dẫn đến sai của nhà báo

Các nhà báo cũng "mổ xẻ" dưới góc nhìn về cái sai của nhà báo cũng như doanh nghiệp. Nhà báo sai, vi phạm pháp luật đã rõ. Doanh nghiệp phải sai nghiêm trọng thì phóng viên mới đặt một cái giá cao ngất ngưởng là 100 nghìn USD, sau thương thảo còn 70.000 USD? Cần làm rõ sai phạm của doanh nghiệp đã chấp nhận đưa tiền cho nhà báo.

Thời gian gần đây, việc phóng viên, cộng tác viên của một số tờ báo bị bắt khi có hành vi tống tiền không còn là chuyện hy hữu, dù rằng vẫn là "con sâu bỏ rầu nồi canh", nhưng cũng đủ để gióng lên hồi chuông cảnh báo với các cơ quan báo chí trong việc quản lý, giáo dục đạo đức nghề nghiệp- một nghề mà được xã hội "đóng đinh" là quyền lực thứ 4.

Hai nữ nhà báo bị bắt vì hành vi tống tiền doanh nghiệp với số tiền lớn: Đào Thị Thanh Bình (áo xanh) và Phạm Lê Hoàng Uyển (Ảnh: VOV)

Và với các doanh nghiệp, khi gặp những trường hợp bị phóng viên "dọa", hãy đừng sợ sai phạm của mình bị phản ánh trên báo chí, hãy nhìn vào cái sai để mà sửa, mà khắc phục.
Với quan điểm "che đằng này, giấu đằng kia" những sai phạm thì doanh nghiệp không thể bền vững để phát triển, ổn định, trước sau thì những sai phạm đó cũng sớm muộn bị phơi bày.
Hãy dũng cảm- bởi ngạn ngữ có câu " bàn tay không thể che nổi mặt trời".
Một khi người đứng đầu doanh nghiệp đứng ra nhận trách nhiệm về những sai phạm, đưa ra hướng khắc phục, giải quyết ắt sẽ nhận được sự thông cảm từ truyền thông nhiều hơn là biện minh, chối bỏ, né tránh, che dấu
Bấy lâu, khi doanh nghiệp "bị" phóng viên phát hiện những sai phạm thường tìm cách "đi đêm", như tìm mối quen biết để "bịt" những thông tin bất lợi, tìm cách thương lượng, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chưa có bộ phận truyền thông như các doanh nghiệp lớn để xử lý khủng hoảng truyền thông khi sự cố xảy ra.
Cựu nhà báo Lê Duy Phong lĩnh án 3 năm tù vì tội tống tiền doanh nghiệp (Ảnh: Dân trí)

Cựu nhà báo Lê Duy Phong lĩnh án 3 năm tù vì tội tống tiền doanh nghiệp (Ảnh: Dân trí)

Nắm được điểm yếu và cái lệ "thương thảo, đi đêm, lót tay" để mua sự im lặng của một số doanh nghiệp, những phóng viên vì lợi ích cá nhân, lợi dụng nghề nghiệp khi phát hiện ra cái sai đã "ép" doanh nghiệp, "đánh hội đồng". Có những doanh nghiệp một khi bị đòi hỏi quá mức đã lật thế cờ "cầm dao đằng chuôi", đồng ý gặp gỡ, đồng ý thỏa thuận và "ghi âm" làm bằng chứng, tố cáo với cơ quan công an.
Khi bị nhà báo "dọa dẫm, tống tiền" doanh nghiệp cần phải làm gì? Doanh nghiệp nên báo cáo ngay với lãnh đạo tờ báo đó, với các cơ quan chức năng, không nên sợ sai mà tiếp tay cho phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.
Quan hệ tương hỗ
Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp dần dần nghiêng về thế " chiến tranh lạnh" dù hai bên rất "cần có nhau".
Vậy, mối tương quan giữa báo chí và doanh nghiệp cần nhìn nhận đó là mối quan hệ tương hỗ.
Đã có nhiều những buổi thảo luận, diễn đàn về mối quan hệ được cho là nên "như răng với môi" này.
Doanh nghiệp có cần báo chí không? Phải nói là rất cần. Báo chí, truyền thông chính là mảnh đất để doanh nghiệp có điều kiện để quảng bá thương hiệu, hình ảnh, kết quả sản xuất kinh doanh của mình.
Báo chí có cần doanh nghiệp không? câu trả lời là cũng rất cần. Sức sống của doanh nghiệp cũng làm phong phú thông tin trên báo chí. Quảng cáo của các doanh nghiệp là một trong những nguồn thu không nhỏ của báo chí, nhất là thởi buổi bùng nổ "báo điện tử".
Một bài báo đăng tải cách đây 11 năm, đến nay nhìn nhận lại vẫn còn nguyên giá trị về "quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp". Các nhà báo hãy lắng nghe doanh nghiệp đề cao vai trò của báo chí trong quá trình phát triển của doanh nghiệp và sự đồng hành giữa doanh nghiệp và báo chí.
Xin lược trích các ý kiến của doanh nghiệp trong bài báo "Doanh nghiệp và báo chí: Quan hệ tương hỗ" đăng tải trên báo Diễn đàn doanh nghiệp vào ngày 8/10/2017.
Ông Lê Khắc Hiệp- Chủ tịch HĐQT Công ty Vincom và Công ty CP Vinpearl: Trong khi doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển và hội nhập lớn chưa từng có, cũng như phải đối diện với những thách thức không nhỏ khi tham gia cạnh tranh toàn cầu, thì vấn đề truyền thông, xây dựng và bảo vệ thương hiệu...là một trong những ưu iên hàng đầu.
Vì vậy, báo chí vừa là người đồng hành, vừa là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Cần xây dựng mối quan hệ báo chí- doanh nghiệp công bằng hơn, dựa trên sự tương hỗ hai chiều, minh bạch, khách quan và đặt trên nền tảng lợi ích cộng đồng xã hội.
Ông Hiệp cũng chia sẻ tâm trạng của những doanh nghiệp đã phải "trong héo ngoài tươi" khi phải miễn cưỡng tiếp bộ phận nhà báo không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, hoặc bị chi phối bởi cảm tính nên khi viết bài, đưa tin thiếu khách quan, không đúng về doanh nghiệp, lạm dụng "quyền lực vô hình" của mình để làm khó
Thậm chí, theo ông Hiệp, có những nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội để phê bình doanh nghiệp theo kiểu "xúc đất đổ đi", khiến doanh nghiệp lao đao trước "búa rìu dư luận". Có khi thì được báo chí ca lên "tận mây xanh". Ông Hiệp nhấn mạnh: Những "hạt sạn" trong báo chí, nếu không được gạt bỏ rất có thể sẽ làm cho mỗi quan hệ giữa doanh nghiệp- báo chí bị "đông cứng".
Ông Vũ Duy Thái- Chủ tịch Hiệp hội Công Thương Hà Nội: Hiện naybáo chí được doanh nghiệp xem là kênh thông tin quan trọng. Báo chí góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân trên thương trường và trong xã hội. Vì vậy, có người đã ví: Báo chí là một phần tất yếu của doanh nhân và doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn cảm hứng, là đối tượng khai thác của báo chí.
Song trên thực tế, đối với nhà báo, doanh nghiệp vừa quý lại vừa sợ, vừa muốn gần lại vừa muốn xa, thậm chí còn từ chối cung cấp thông tin – kể cả khi nhà báo đến lấy tin, viết bài với thiện chí tốt. Không ít giám đốc “nghiền” báo đã không còn mặn mà với việc theo dõi thông tin trên báo, chỉ đọc lướt qua tít của bài báo rồi dừng lại. Thậm chí, có ông giám đốc cho rằng, đối với nhà báo cần “kính nhi, viễn chi”. Bên cạnh đó, không ít phóng viên cảm thấy ngại khi viết bài về doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân vì thấy họ không “cởi mở”.

Theo quan điểm của tôi, những nghi ngại nêu trên đã và sẽ gây ra sự “lãng phí” to lớn trong việc tận dụng các nguồn lực để mỗi bên làm lợi cho mình và cho đối tác. Về phía doanh nghiệp, thái độ e dè với báo chí sẽ làm họ mất đi cơ hội quảng bá và nâng cao hình ảnh của mình trên thương trường và xã hội. Về phía báo chí cũng mất đi “đối tác giàu tiềm năng”.

Về phía doanh nghiệp, chúng tôi rất muốn báo chí hãy thực sự là người bạn đồng hành. Chúng tôi hy vọng các cơ quan báo chí – truyền thông, nhất là khối báo chí kinh tế, sẽ có nhiều chương trình, chuyên đề, chuyên mục sát với thực tiễn kinh doanh và có thêm nhiều nhà báo có “tâm”, có “tầm nhìn xa trông rộng”, phân tích sâu sắc những vấn đề về kinh tế thị trường, hội nhập và doanh nghiệp...

Với góc độ là một nhà báo, ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Diễn đàn Doanh nghiệp cũng như nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí khác cũng đã đưa ra những kiến nghị với doanh nghiệp nhằm mục đích tạo mối quan hệ tương hỗ, xích lại gần nhau giữa hai bên. Ông Tuấn khẳng định, nhiều doanh nghiệp, thay vì coi nhẹ quan hệ công chúng, coi báo chí đơn thuần như một công cụ nhằm mục đích đánh bóng thương hiệu, hãy thực sự coi đây là mối quan hệ tất yếu và vun đắp cho mối quan hệ ấy ngày một tốt đẹp hơn.

Hiểu nhau để chia sẻ và đồng thuận

 

“Diễn đàn hợp tác báo chí và doanh nghiệp" rất cần được cả cơ quan quản lý báo chí và tổ chức đại diện doanh nghiệp thường xuyên tổ chức để báo chí và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung, trên tinh thân giao lưu, hợp tác, trao đổi thông tin, cùng chia sẻ khó khăn, thuận lợi, cùng hướng tới mục tiêu chung.

Doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu đồng hành cùng báo chí trong hoạt động xã hội (Ảnh: Công an nhân dân)

Doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu đồng hành cùng báo chí trong hoạt động xã hội (Ảnh: Công an nhân dân)

Phát biểu tại lớp "Bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí" tổ chức ngày 28/11/2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò của báo chí: Phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

 

Từng là Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng "gợi ý": Báo chí nên có bộ phận "làm thêm" các dịch vụ cho doanh nghiệp, như tư vấn truyền thông, đánh giá dư luận xã hội về doanh nghiệp, về sản phẩm của doanh nghiệp.

Tại buổi gặp mặt đoàn báo chí, doanh nghiệp đồng hành cũng APEC nhân kỷ niệm 92 năm Nhày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mong muốn của Chính phủ là: Báo chí, doanh nghiệp mãi mãi là những người bạn đồng hành trên bước đường hội nhập, phát triển của đất nước.

Mối quan hệ tương hỗ giữa doanh nghiệp và báo chí cần lắm có những diễn đàn hợp tác để cùng phát triển trên một nền tảng minh bạch thông tin. Doanh nghiệp muốn ra biển lớn không thể không có sự đồng hành của báo chí.

Huyền Lê
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm