Những thủ đoạn kinh hoàng của các dịch vụ đòi nợ thuê (kỳ 1)
NHỮNG VỤ ÁN RÚNG ĐỘNG DƯ LUẬN TUẦN QUA: Bóp cổ vợ đến chết vì nghi ngoại tình, mất mạng vì nợ tiền dân xã hội đen / Cán bộ xã chết khi đi bắn chim, nghi do súng bị cướp cò
Từ đe doạ, khủng bố tinh thần đến đánh đập, truy bức tàn nhẫn con nợ… đó là cách mà những kẻ được gắn mác “đòi nợ theo uỷ quyền” nghiễm nhiên áp dụng khi hành sự!
Liên quan đến vấn đề này, Báo Công an TP.HCM trước đây liên tục có những loạt bài điều tra, phanh phui các đường dây cho vay nặng lãi, đòi nợ theo kiểu côn đồ, bất lương.Mới đây UBND TPHCM gửi Chính phủ có biện pháp ngăn “chặn” dịch vụ này.
Phóng viên Báo Công an TP.HCM tiếp tục có cuộc thâm nhập vào những tổ chức “kinh doanh” nghề đòi nợ thuê để lộ sáng những mảng tối đáng sợ ở bên trong…
"Miếng bánh" cưa đôi
Trên chiếc ghế sô – pha, N. “cầu Mống” nheo mắt bập phà điếu thuốc. Trên tay gã đang là một tờ giấy mượn nợ và đối diện là một chủ nợ. Người phụ nữ tên L, trạc tuổi trung niên, cô trong một bộ dạng phờ phạc, đang đến cậy nhờ N. “cầu Mống” xử lý dứt điểm món nợ trầy trật của mình.
“Khoản nợ này chú thấy giúp chị đòi lại được không?” – chị mở lời. N. “cầu Mống” vẫn chả thèm đoái hoài đến lời nói đó, mắt tập trung đọc kỹ tờ giấy mượn nợ chỉ vỏn vẹn vài trăm chữ.
Hồi sau, gã mới thốt ra vài lời cộc lốc: “2 tỷ của chị xem như “đi tong” rồi. Được thì cưa đôi, tôi làm!”. Như vậy có nghĩa, N. “cầu Mống” đồng ý can dự vào món nợ bạc tỷ của chị L., nhưng với món hời khá ngất ngưởng nếu đòi thành công: 1 tỷ đồng!
Chưa hết, ngoài số tiền nợ bị cưa đôi, N. “cầu Mống” còn yêu cầu chị L. phải thanh toán hết mọi chi phí ăn ở, đi lại cho gã và các đàn em trong quá trình đi đòi nợ. Không còn cách nào khả quan hơn, người phụ nữ đang muốn lấy lại tiền bắt buộc phải… tiếp tục bỏ thêm tiền và hy vọng mọi việc được “xuôi chèo mát mái”.
N. “cầu Mống” là một tay giang hồ có tiếng ở khu vực giáp ranh giữa Q1 và Q4. Y vừa ra tù được vài năm và nghề đòi nợ thuê, cho vay bạc góp chính là “miếng cơm” ổn định hiện nay của hắn. Trong thế giới ngầm, N. “cầu Mống” nổi tiếng bởi thành tích đòi nợ “đẹp như mơ” của mình.
“Đòi nợ thuê, mục đích cuối cùng là lấy được tiền. Mà muốn lấy được tiền, thì phải thủ đoạn và tàn nhẫn” – gã hay dạy các đàn em bằng câu nói đó.
Phi vụ nào cũng vậy, băng của N. “cầu Mống” luôn có một nguyên tắc: Nợ đòi thành công, chủ được 50%, phần còn lại vào túi của chúng. Dù về bản chất, đây là một băng hoạt động theo kiểu xã hội đen nhưng để tránh né công an, chúng lại áp dụng những thủ đoạn “rất phù hợp với luật pháp”.
Điển hình như món nợ của chị L., để y và các đàn em được danh chính ngôn thuận đi truy nợ, N. “cầu Mống” yêu cầu chị này phải làm thêm cho hắn một “giấy uỷ quyền đi thu hồi nợ”. Đó được xem như một “lá bùa” cho chúng lận lưng trong quá trình “hành sự”. Còn “hành sự” bằng cách nào để lấy được tiền thì… chuyện nằm ở phía sau!
Truy bức đến tận cùng
Một buổi sáng đầu tháng 7-2018, bà Nguyễn Thị Lệ D. (SN 1949 – ngụ P.Lái Thiêu, TX.Thuận An, Bình Dương) tìm đến Báo CATP cầu cứu với gương mặt đầy vẻ căng thẳng, lo âu. “Chúng tên Long và Thiện. Ngày nào cũng hàng chục tên côn đồ kéo đến nhà tui quậy phá, khủng bố. Nhờ báo giúp giùm chứ tui hết đường sống rồi!” – bà D. bắt đầu câu chuyện không đầu không đuôi, tay run lập bập.
Là chủ một cửa hàng đồ phong thuỷ và có cơ ngơi rộng lớn ở TX.Thuận An, nhưng bà D. suốt mấy tuần liền phải trốn chui trốn lủi, không dám về nhà vì đang bị một băng đòi nợ truy bức. Món nợ oan nghiệt ấy bắt đầu từ cuối tháng 4-2018. Đang kẹt tiền nhập hàng, bà D. được một người phụ nữ tên Minh (là bạn làm ăn trước đó) giới thiệu gặp một đối tượng tên Long (ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) để vay nợ. Khoản nợ đầu tiên là 100 triệu đồng, được trả với lãi suất cắt cổ: trên 60%!
Chưa được bao lâu, bị mất trộm trên đường đi lấy hàng, quá túng quẫn, bà D. bèn tìm thêm một mối vay mới để… trả lãi cho dây nợ cũ. Tiếp tục thông qua “mối lái” của “cò” Minh, ông chủ thứ 2 tên Tùng, tự xưng là một “trùm cho vay năng lãi” ở Q4 (TPHCM), đến nhà bà lão để điều nghiên. Vậy là 100 triệu đồng tiếp theo được bà đặt bút ký. Và kể từ đó, vòng xoáy nợ nần trở nên không hồi kết.
Lãi mẹ đẻ lãi con, từ số nợ 200 triệu đồng, bà D. phải cắn răng chịu lãi lên đến vài tỷ đồng. Đến khi sức cùng lực kiệt, các ông chủ hào phóng khi xưa lập tức trở mặt thành những ác nhân. Chúng liên tục cử “đội quân” đòi nợ thuê xuống nhà con nợ quấy phá, đe doạ thanh toán tính mạng bà D và cả gia đình nếu không trả đủ tiền; thậm chí từng có lần chúng định bắt cóc bà D. đi nhưng bà may mắn thoát khỏi.
“Như thế nào các anh mới để cho gia đình tôi yên?” – bà D. mếu máo hỏi đối tượng cầm đầu băng đòi nợ qua điện thoại, trước sự chứng kiến của phóng viên Báo CATP. Chúng trả lời ngay: “Bà bán nhà đi. Sẽ có người mua! Cho bà một tuần sắp xếp. Nếu không, ngày mai tụi này sẽ xuống đốt nhà!”.
Đúng hẹn, một băng côn đồ đi trên nhiều chiếc xe hơi đã kéo tới nhà con nợ bao vây. Đúng lúc này, chúng lọt vào vòng phục kích của Phòng Cảnh sát hình sự và Công an TX.Bình Dương, bởi trước đó, phóng viên Báo CATP đã trực tiếp dẫn người đàn bà tội nghiệp đến gặp đại tá Nguyễn Hoàng Thao (Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương) để kể lại bi kịch xảy đến với mình.
Những nạn nhân cam chịu
Mượn nợ phải trả, đó là lẽ đời và cũng là quy định của pháp luật. Thế nhưng, nhiều tổ chức đòi nợ thuê hiện nay đã lợi dụng vào câu chuyện “tranh chấp dân sự” để hành xử theo kiểu côn đồ, xã hội đen, bằng mọi cách ép người vay nợ phải trả nợ. Không đòi được chính người vay nợ, chúng chuyển sang đe doạ, bức hiếp, làm mất uy tín, danh dự của cả những người thân xung quanh họ. Sợ người nhà của mình bị “xử đẹp” và không muốn dính dáng đến xã hội đen, nhiều người đành nhín nhịn cam chịu. Trường hợp của ông T. (ngụ ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn - lãnh đạo của một viện nghiên cứu khoa học ở TPHCM) là ví dụ điển hình.
“Món nợ tai hại ấy không thuộc về tôi nhưng ngày nào cũng phải hồi hộp, lo âu, không biết khi nào chúng đến” – ông T. rụt rè mở lời. Chuyện là ông T. có một người em, do ham mê cờ bạc nên nên mượn tiền của nhiều người.
Thấy hết đường thanh toán, anh này trốn bặt tăm. Một đêm vài tuần sau, ông T. và người mẹ già sững sờ khi đọc tờ giấy mượn nợ của con, em mình. Hàng chục thanh niên xăm trổ, bặm trợn, trong danh nghĩa những “nhân viên thu hồi nợ”, lớn tiếng nạt nộ, thẳng thừng gán món nợ cả tỷ đồng lên những người không có liên quan.
“Con dại thì cái mang. Thằng con bà trốn rồi thì bà phải trả. Mà mẹ không trả được nợ thì có anh trả” – tên cầm đầu trong số đó, “quăng” lại câu nói lạnh tanh trước lúc rút lui.
Chỉ ngày hôm sau, chúng để lại “thông điệp” bằng một bịch sơn và tiết canh chảy lên láng trước cửa nhà. Rồi liên tục sau đó là những cuộc gọi thúc ép trả nợ theo kiểu chợ búa đến số máy anh T.. “Hạn cho mày một tuần nữa để trả hết nợ cho thằng em mày. Nếu không tao đến cơ quan nơi mày làm lãnh đạo để công bố” – chúng ra “tối hậu thư” khiến anh hoang mang tột độ.
Đương nhiên là bọn lưu manh không nói suông! Quá hạn đưa ra nhưng chưa nhận được tiền, các đối tượng đòi nợ không ngần ngại kéo đến nơi anh T. đang công tác. Chúng đem theo dàn loa công suất lớn, hết người này đến người khác thay phiên nhau đọc vang khoản nợ của người em anh T. cho tất cả các thuộc cấp của anh cùng nghe, khiến anh xấu hổ không nói nên lời.
Hành vi quấy phá chỉ được chấm dứt khi có sự xuất hiện của cảnh sát khu vực. Nhưng “vết nhơ” từ chiêu trò hèn hạ này của bọn đòi nợ chắc chắn sẽ còn rất dai dẳng với người đàn ông tội nghiệp…
Không chỉ những tay “anh chị” cộm cán mới có những chiêu trò đòi nợ tai quái. Nấp sau những công ty đòi nợ thuê và các công ty tài chính được pháp luật công nhận là hoạt động vô cùng phức tạp nhức nhối. Phóng viên Báo CATP đã có cuộc thâm nhập vào những nơi này.
Sáng 28/9, phóng viên trong vai người bị quỵt nợ, đến Công ty đòi nợ thuê H.T để tìm hiểu. Thời điểm này, chúng tôi bắt gặp một nhóm người có vẻ ngoài bặm trợn, chân tay chi chít hình xăm và miệng văng tục không ngớt, tự giới thiệu là nhân viên thuộc bộ phận thu hồi nợ của H.T. Một tay cầm đầu quát lớn 5 nhân viên: “Hai cây nợ ở Hóc Môn tụi mày giải quyết tới đâu rồi?”.
Thấy nhóm nhân viên vẫn im thin thít, gã tỏ vẻ bực bội: “Không đòi được thì tụi mày không biết xuống “hỏi thăm” hả? Rượu mời không uống thì cho uống rượu phạt”. Nghe tới đó, nhóm nhân viên lẹ làng chạy ra chiếc xe hơi đậu trước cổng, rời đi. Bên trong, một nữ nhân viên vẫn đang đợi chúng tôi vào để tiếp thị “dịch vụ” của công ty mình…
Còn tiếp...
End of content
Không có tin nào tiếp theo