Pháp luật

Nước mắt người cha liệt sĩ công an trong phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm

Tại phiên tòa xét xử 29 bị cáo vụ đổ xăng thiêu chết 3 chiến sĩ công an ở xã Đồng Tâm, người cha già của chiến sỹ công an đã không cầm được nước mắt.

TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm nhóm cựu quan chức xã Đồng Tâm / Mức án bất ngờ cho các bị cáo phiên phúc thẩm vi phạm đất đai Đồng Tâm

Sáng nay (8/9), phiên tòa xét xử 29 bị cáo vụ đổ xăng thiêu chết 3 chiến sĩ công an ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) tiếp tục với phần thẩm vấn.

Theo cáo buộc, khoảng đầu tháng 12/2019, các bị cáo bàn bạc, thống nhất chuẩn bị công cụ, vũ khí tấn công lực lượng chức năng.

Lê Đình Công lên mạng Internet tìm hiểu cách chế “bom” xăng, chỉ đạo Mai Thị Phần và Bùi Thị Nối đi mua khoảng 50 lít xăng về tập trung tại nhà Nguyễn Văn Tuyển (tức Tuyển “cụt”).

Nước mắt người cha liệt sĩ công an trong phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm
Các bị cáo tại tòa.

Công, Tuyển và Trần Thị La đi nhặt các vỏ chai bia thủy tinh mang về nhà Tuyển, La chuẩn bị giẻ để làm nút các đầu chai.

Khoảng cuối tháng 12/2019, Công, Nối, La, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Lụa, Nguyễn Thị Bét, đổ xăng vào các vỏ chai, được khoảng 85 chai “bom” xăng để tại nhà Tuyển.

Sau đó các bị cáo lấy cành cây nhỏ mang về quấn giẻ tẩm xăng để làm bùi nhùi.

Nối, Đục, La còn chuẩn bị vôi bột, ớt bột, cùng Nguyễn Thị Bét đi nhặt gạch đá, được khoảng 10 bao tải... Tất cả số công cụ, vũ khí được tập kết tại nhà Tuyển “cụt” rồi sau đó được mang sang nhà ông Lê Đình Kình.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, nhiều bị cáo thừa nhận hành vi vi phạm. Bị cáo Đục khai: "Em có sai, sai về pháp luật khi đã chống đối lại các chiến sỹ cơ động... Em có quăng một que bùi nhùi, sau đó chạy xuống tầng 1. Em thiếu hiểu biết pháp luật. Em xin HĐXX và pháp luật xem xét và tha thứ cho em".

Thừa nhận có làm 4 giẻ bùi nhùi tẩm xăng, bị cáo Bét trình bày: "Em thưa quý tòa, hành vi của em là sai. Em chỉ đề nghị Nhà nước và pháp luật khoan hồng cho em. Em không tham gia “Tổ đồng thuận”, chỉ làm nghề tự do...".

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Phần thừa nhận là người cầm tiền cho “Tổ đồng thuận”.

Theo lời khai của bị cáo: "Cụ Kình bảo cố làm rồi chia đất cho. Chúng em thiếu hiểu biết, giờ thấy việc làm của chúng em là sai. Em có góp 500 ngàn đồng, nhưng không biết là để mua vũ khí. Nếu không góp tiền thì không được chia đất nữa".

HĐXX cho chiếu clip lời khai của bà Phần tại CQĐT. Bị cáo này khai: "Bán mỗi m2 đất là được 6 triệu đồng. Nếu đòi được đất đem bán đất được chia thì được hơn 1 tỷ. Ai không đi, không góp tiền thì không được chia đất. Vì được chia đất thì chúng tôi theo thôi".

Nước mắt cha già khóc con

Trình bày tại tòa, ông Phạm Công Lâm, bố của người bị sát hại trong vụ án là anh Phạm Công Huy (SN 1992, cán bộ Đội chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Phòng CS PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an HN) đã không cầm được nước mắt.

Ông nói: Con trai tôi là cán bộ chiến sỹ thực thi nhiệm vụ, bị một số đối tượng dã tâm giết hại. Tôi mong cứ theo pháp luật mà xử lý.

Đại diện hợp pháp của người bị giết hại trong vụ án là anh Nguyễn Huy Thịnh (SN 1972, Phó Trung đoàn trưởng E22- Bộ Tư lệnh CSCĐ) và Dương Đức Hoàng Quân (SN 1993, cán bộ của Bộ Tư lệnh CSCĐ) đều đề nghị xử lý các bị cáo theo quy định của pháp luật.

Được hỏi có đề nghị gì về phần bồi thường dân sự, đại diện của những người bị hại cũng đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, nhiều bị cáo đã có lời xin lỗi gửi đến các gia đình nạn nhân.

Bị cáo La trình bày: Bị cáo nhận thức về hành vi của mình là không hiểu biết, có vi phạm pháp luật.

Bị cáo mong quý tòa xem xét cho bị cáo, cho bị cáo xin lỗi gia đình nạn nhân, xin chia buồn cùng gia đình các nạn nhân.

Bị cáo Trần Thị Phượng cũng thừa nhận hành vi của bị cáo là sai trái, mong tòa xem xét giảm nhẹ tội để sớm được về chăm con nhỏ. Nói đến đây bị cáo khóc và nói lời xin lỗi, chia buồn với gia đình các chiến sỹ bị giết hại.

“Bị cáo không trực tiếp gây ra cái chết cho 3 chiến sỹ, nhưng bị cáo xin lỗi, chia buồn với 3 gia đình”, lời bị cáo Phượng.

Sáng nay, khi tòa nghỉ giải lao, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn cho phép luật sư được tiếp xúc với các bị cáo.

Trình bày tại tòa, đại diện huyện Mỹ Đức cho hay, từng có những đối tượng chửi bới, lăng mạ cán bộ xã, gây rối trật tự... Đến nay đời sống nhân dân đã trở lại bình thường.

Đối với các bị cáo bị đưa ra xét xử, đại diện UBND huyện Mỹ Đức đề nghị xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội.


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm