Pháp luật

Ông chủ Nhật Cường kịp bỏ trốn để lộ nhiều "lỗ hổng" pháp lý

“Từ những trường hợp dư luận bức xúc như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy hay ông chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn đã cho thấy đang thiếu những chế tài, chưa có quyết định của người có thẩm quyền để giải quyết vấn đề đó trong thực tiễn”- đại biểu Quốc hội Trần Văn Quý nói.

Bị xử phạt, chuyên viên Văn phòng UBND TPHCM khởi kiện / Đồng Nai : Truy tố 2 đối tượng cướp trạm thu phí đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây

Thảo luận tại tổ về dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam chiều 28/5, đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, dự thảo đưa ra 2 phương án về các chức danh được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu phổ thông và quy định chung nhưng đều không hợp lý.

Ông Hiển đặc biệt quan tâm tới quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh được nêu trong dự thảo luật gồm: “Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Ông chủ Nhật Cường kịp bỏ trốn để lộ nhiều lỗ hổng pháp lý - 1

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Ảnh: Thế Kha).

“Vừa qua dư luận nói rất nhiều và rất bức xúc với nhiều trường hợp không nằm trong trường hợp này. Ví dụ, có những vụ án vừa rồi xảy ra như Trịnh Xuân Thanh, Nhật Cường Mobile thì rõ ràng những trường hợp này họ chưa bị khởi tố vụ án, chưa bị bắt, chưa bị tạm giữ và cũng chưa có đơn tố giác. Trong tình huống này rõ ràng vụ việc rất nghiêm trọng như thế thì người ta vẫn xuất cảnh, vẫn trốn đi được”- ông Hiển dẫn chứng.

Ông Hiển đề nghị luật này phải xử lý được những trường hợp mà dư luận rất quan tâm như vậy. Trong rất nhiều trường hợp, rõ ràng không có đơn tố giác nhưng trong quá trình điều tra, xác minh, các cơ quan tố tụng làm chính xác, biết được đối tượng đang vào vòng tình nghi. Cơ quan thẩm quyền trong tình huống cụ thể xem xét, có biện pháp hạn chế xuất cảnh với những trường hợp này là hoàn toàn cần thiết.

“Về mặt pháp lý chưa có bất cứ quyết định gì nhưng về mặt thực tế nếu những trường hợp này không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không có biện pháp hoãn xuất cảnh thì chắc chắn sẽ trốn, trốn thì sẽ xảy ra rất nhiều hệ luỵ mà dư luận vô cùng bức xúc”- ông Hiển nhấn mạnh.

Chung quan điểm, đại biểu Trần Văn Quý - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, Ủy viên Ủy ban Pháp luật - đánh giá dự thảo luật có nhiều điểm mới tạo điều kiện thông thoáng cho người dân xuất nhập cảnh.

“Tuy nhiên từ những trường hợp dư luận bức xúc như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy (cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần và Xơ sợi Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí VN) hay ông chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn đã cho thấy đang thiếu những chế tài, không có quy định của luật, chưa có quyết định của người có thẩm quyền để giải quyết vấn đề đó trong thực tiễn”- ông nói.

 

Ông chủ Nhật Cường kịp bỏ trốn để lộ nhiều lỗ hổng pháp lý - 2

Ông Bùi Quang Huy- Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường đang bị Bộ Công an truy nã.

Hơn nữa, hiện nay Chính phủ đang tiến hành cải cách hành chính, giảm giấy tờ công dân gắn với mã số định danh cá nhân. Tuy nhiên trong dự thảo trình ra Quốc hội chưa thấy sự liên thông các giấy tờ.

“Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, gắn cấp hộ chiếu với số định danh của công dân. Trong này cũng có nói tới hộ chiếu điện tử, hộ chiếu thông thường, nếu có thể ban soạn thảo nói rõ cấp hộ chiếu thông thường và điện tử có gì khác nhau không. Nếu hộ chiếu điện tử tốt hơn thì thống nhất quản lý điện tử để quản lý tốt hơn”- vị đại biểu tỉnh Hưng Yên nói.

Tán đồng, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, hộ chiếu có gắn chíp điện tử quản lý bằng công nghệ dễ dàng kiểm tra nhưng cần đánh giá thêm tác động, tâm lý của người sử dụng có chấp nhận không.

“Hiện có khoảng 10 triệu dân sử dụng hộ chiếu, nếu tất cả phải thay đổi thì 10 triệu hộ chiếu gắn chíp điện tử mới được hình thành, phải xem họ có chấp nhận không chứ, bởi việc này dễ tạo tâm lý lúc nào cũng bị theo dõi”- ông nói.

 

Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, hướng tới đây là thống nhất thực hiện hộ chiếu, sau này tiến tới hộ chiếu gắn chip điện tử và căn cước công dân cũng gắn chip.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết đã từng lên tiếng về trường hợp Vũ Đình Duy bỏ trốn ra nước ngoài, sau đó Trịnh Xuân Thanh cũng trốn và đến giờ là Bùi Quang Huy – Tổng giám đốc Nhật Cường Mobile.

“Tôi đã nói từ ngày đó rằng những đối tượng này đã nằm trong các chuyên án, đưa vào trong diện điều tra mà chúng ta lại thả lỏng thì không chấp nhận được. Những trường hợp này khi đã làm chuyên án rồi thì chúng ta phải có trinh sát nội, ngoại tuyến theo dõi rồi, phải dự phòng các trường hợp để cấm xuất cảnh, tại sao vẫn có trường hợp bỏ trốn như vậy? Luật cần bổ sung những trường hợp này. Tất cả đối tượng liên quan đến các vụ án đang được xem xét, điều tra thì chúng ta phải cấm xuất cảnh, phải đề phòng vì thực tiễn xảy ra nhiều, lại toàn trường hợp “đầu to”. Đây là sơ hở to lớn khiến Nhà nước mất nhiều tiền của, công sức, lại tạo ra dư luận không tin tưởng vào hoạt động của chúng ta”- ông Nhưỡng nói.

Có thể bạn quan tâm:

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm